FED sẽ không "vội" cắt giảm lãi suất

Biên bản cuộc họp định kỳ tháng 1/2024 của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố ngày 21/2 nêu rõ quan điểm sẽ không cắt giảm lãi suất quá nhanh.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Không nới lỏng chính sách quá nhanh

Sau cuộc họp định kỳ tháng 1 vừa qua, các nhà hoạch định chính sách của FED không chỉ quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách mà còn thay đổi ngôn từ trong tuyên bố sau cuộc họp, phát đi tín hiệu rằng, sẽ không có đợt cắt giảm nào cho đến khi Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) tìm thấy bằng chứng tin cậy hơn cho thấy lạm phát sẽ giảm tốc bền vững.

Lãi suất chính sách của FED đang ở phạm vi 5,25-5,5% sau cuộc họp gần nhất
Lãi suất chính sách của FED đang ở phạm vi 5,25-5,5% sau cuộc họp gần nhất

“Hầu hết các thành viên Ủy ban đều lưu ý những rủi ro xảy ra nếu nới lỏng chính sách quá nhanh và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá cẩn thận dữ liệu sắp tới để xác định lạm phát có đang giảm về 2% một cách bền vững hay không”, biên bản cuộc họp lưu ý.

Biên bản cũng đã cho thấy sự lạc quan chung rằng, các động thái chính sách của FED đã thành công trong việc hạ nhiệt lạm phát, vốn đạt đỉnh 40 năm vào giữa năm 2022. Đồng thời, các thành viên Ủy ban cũng kỳ vọng lạm phát "siêu lõi" (lạm phát siêu lõi loại bỏ các mặt hàng có xu hướng biến động như lương thực, năng lượng và nhà ở khỏi CPI) sẽ giảm dần hơn nữa khi thị trường lao động tiếp tục chuyển sang trạng thái cân bằng hơn và tăng trưởng tiền lương giữ nhịp độ vừa phải.

Song, các quan chức muốn có thêm dữ liệu kinh tế trước khi bắt đầu nới lỏng chính sách, đồng thời nhận định chu kỳ tăng lãi suất có thể sẽ kết thúc.

Biên bản nêu rõ: “Khi thảo luận về triển vọng chính sách, các thành viên FOMC đánh giá rằng, lãi suất chính sách có thể đã đạt đỉnh trong chu kỳ thắt chặt này”. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban cũng sẽ không hạ lãi suất trước khi có đủ tự tin hơn lạm phát chắc chắn đang quay về mức mục tiêu 2%.

Trước cuộc họp, một loạt dữ liệu được công bố cho thấy, lạm phát tuy vẫn ở mức cao nhưng đang quay trở lại mục tiêu 2% của FED. Mặc dù biên bản ghi nhận “đang có những tiến bộ vững chắc”, FOMC vẫn thận trọng dự báo một số yếu tố sẽ không kéo dài lâu. Do đó, ngân hàng trung ương sẽ cần “đánh giá cẩn thận” dữ liệu sắp tới để xác định xu hướng dài hạn, đồng thời lưu ý những rủi ro xảy đến nếu hạ lãi suất quá nhanh.

Bên cạnh đó, các quan chức cũng bày tỏ sự phân vân nên giữ chính sách tiền tệ thắt chặt trong bao lâu. Họ vẫn lo ngại lạm phát tăng cao đang tiếp tục gây tổn hại cho các hộ gia đình, đặc biệt là những người hạn chế khả năng chi trả chi phí sinh hoạt cao hơn.

Ngoài ra, biên bản cũng phản ánh một cuộc tranh luận nội bộ giữa các quan chức về thời gian và tốc độ nới lỏng chính sách của FED trong bối cảnh kinh tế vĩ mô khó dự báo như hiện nay.

Lạm phát bất ngờ tăng tốc

Kể từ cuộc họp ngày 30-31/1, các quan chức đã thể hiện thái độ thận trọng khi các dữ liệu riêng biệt về giá tiêu dùng và giá sản xuất sau cuộc họp cho thấy lạm phát đang nóng hơn dự kiến và vẫn vượt xa mục tiêu 2% trong 12 tháng của FED.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2024 của Mỹ ghi nhận tăng 0,3% so với tháng 12/2023 và tăng 3,1% so với cùng kỳ. CPI lõi không bao giá thực phẩm và năng lượng tăng 0,4% so với tháng 12/2023 và 3,9% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá nhà ở, bảo hiểm xe cơ giới và chăm sóc y tế tăng.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng ghi nhận tăng 0,3% trong tháng 1/2024, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 8/2023. Sau khi loại bỏ giá dịch vụ thương mại, thực phẩm và năng lượng, chỉ số PPI lõi tăng 0,6% so với tháng trước, mức tăng lớn nhất trong một năm qua. So với cùng kỳ năm ngoái, PPI lõi ghi nhận tăng 2,6%.

Mặt khác, nhiều quan chức gần đây còn thể hiện quan điểm chấp nhận sự chậm trễ đối với việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Nền kinh tế ổn định với tốc độ tăng trưởng 2,5% trong năm ngoái củng cố cho quan điểm: 11 lần tăng lãi suất liên tiếp được thực hiện trong hai năm qua không gây cản trở lớn đối với hoạt động kinh tế.

Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ tiếp tục mở rộng với tốc độ chóng mặt, ghi nhận thêm 353.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 1/2024.

Trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS được phát sóng chỉ vài ngày sau cuộc họp tháng 1/2024, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết: “Với nền kinh tế mạnh mẽ như hiện nay, chúng tôi cảm thấy mình có thể tiếp cận câu hỏi ‘khi nào nên bắt đầu giảm lãi suất’ một cách thận trọng”. Chủ tịch FED nói thêm rằng, ông đang tìm kiếm “thêm bằng chứng cho thấy lạm phát đang hạ xuống mức 2% một cách bền vững”.

Cùng với cuộc thảo luận về lãi suất, FOMC cũng đề cập đến việc nắm giữ trái phiếu trên bảng cân đối kế toán của FED. Kể từ tháng 6/2022, ngân hàng trung ương đã thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán khoảng 1.300 tỷ USD thông qua quá trình thắt chặt định lượng (QT). Các quan chức đánh giá thanh khoản trên hệ thống tài chính vẫn "trên mức dồi dào" và đã thảo luận về tầm quan trọng của việc đánh giá yếu tố này trước khi đưa ra quyết định về chính sách lãi suất.

Theo thitruongtaichinhtiente.vn

Đọc tiếp

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Vàng và bitcoin phập phồng theo nợ công của Mỹ

Giá bitcon năm nay tăng gần 60%, lý do được cho là bởi mua mạnh từ các quỹ ETF, trong khi vàng tăng hơn 20% do Mỹ sắp giảm lãi suất. Nhưng tại sao các nhà đầu tư vàng và bitcoin đang rất quan tâm đến nợ chính phủ của Mỹ đang tăng mạnh?

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE