"Tâm lý của nhà đầu tư chứng khoán sẽ sớm ổn định trở lại"

Ông Nguyễn Thế Minh

Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam

Trong tuần qua, áp lực bán ra chủ yếu xuất hiện ở nhóm cổ phiếu Midcap và Smallcap. Trong khi đó, nhóm Bluechips bớt chịu áp lực nhờ sự trở lại của nhóm cổ phiếu Ngân hàng và Chứng khoán, qua đó giúp chỉ số cân bằng hơn so với phần còn lại của thị trường.

Thực tế, thị trường chỉ chịu tác động tâm lý do các sự kiện chính trị khiến một bộ phận nhà đầu tư xuất hiện sự lo ngại. Tuy nhiên, tôi cho rằng, nhiều cổ phiếu ở nhóm Midcap và Penny đã về lại vùng đáy tháng 4 nên sẽ sớm có những nhịp hồi kỹ thuật. Tâm lý nhà đầu tư có thể sẽ có sự chuyển tích cực hơn.

Ở một số cổ phiếu Bất động sản, có mã rơi về vùng đáy tháng 11/2023. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại nhất với những cổ phiếu này là có gặp phải áp lực bán giải chấp hay không. Điều này thực ra khó xảy ra bởi nhiều CTCK trong giai đoạn vừa qua cấp margin rất hạn chế cho nhóm cổ phiếu Bất động sản.

Mức định giá PB của một vài cổ phiếu Bất động sản đã xuống dưới 1 lần lại đang mở ra những cơ hội cho nhà đầu tư ưa thích các cổ phiếu rẻ hay đầu tư theo giá trị. Do đó, việc bán ra bằng mọi giá là không phù hợp. Nếu phải bán do danh mục chưa quản trị rủi ro tốt hoặc chịu áp lực margin, nên chờ các nhịp hồi phục kỹ thuật để thoái lui.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu Ngân hàng và Chứng khoán sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền nhờ kết quả kinh doanh cao hơn dự báo, qua đó hỗ trợ cho đà hồi phục của thị trường.

VN-Index có thuần giảm thứ 2 liên tiếp.

Nhìn chung, mặc dù thị trường gặp bất lợi trong tuần qua nhưng tôi vẫn duy trì quan điểm tích cực. Thị trường sẽ chỉ giảm kéo dài khi kinh tế gặp khủng hoảng trong khi vĩ mô vẫn đang có nhiều tín hiệu tích cực cùng với các doanh nghiệp đang trong mùa báo cáo tài chính (BCTC) quý II/2024. 

Bên cạnh đó, khả năng FED sẽ có đợt cắt giảm lãi suất trong tháng 9/2024 vẫn là chất xúc tác quan trọng hỗ thị trường đi lên. So với chứng khoán thế giới, thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa kịp bắt nhịp theo kịp những sự bứt phá trong giai đoạn vừa qua.

"Tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn là không dễ"

Ông Đinh Quang Hinh

Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDIRECT

Mặc dù trải qua một tuần giảm điểm, chúng tôi vẫn nhận thấy một số điểm “sáng” của thị trường.

Thứ nhất, đà bán ròng của khối ngoại đã có dấu hiệu hạ nhiệt khi FED phát đi tín hiệu rõ rệt hơn về khả năng cắt giảm lãi suất điều hành và động thái bắt đáy của khối ngoại trong 2 phiên giữa tuần.

Thanh khoản thị trường cũng cho thấy dấu hiệu cải thiện khi nhà đầu tư chủ động giải ngân tại những nhịp điều chỉnh sâu trong phiên của thị trường. Dòng tiền cũng không có dấu hiệu rút ra mà phân hóa giữa các nhóm ngành.

Đặc biệt nhóm cổ phiếu trụ cột là ngân hàng đã thu hút dòng tiền trở lại trong bối cảnh “tín dụng bắt đầu chạy” và kết quả kinh doanh tích cực của một số ngân hàng thương mại dần được hé lộ.

Đây là những cơ sở để kỳ vọng rằng thị trường khó xuất hiện một nhịp điều chỉnh sâu và vùng 1.250 điểm (+/- 10 điểm) sẽ đóng vai trò là vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index.

Tuy vậy, ở chiều ngược lại, thị trường cũng đang thiếu vắng động lực và thông tin hỗ trợ đủ mạnh để hình thành một xu hướng tăng ngắn hạn. Do đó, trong kịch bản cơ sở, dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm ngành.

Trong bối cảnh này, việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn là không dễ và việc chọn “đúng ngành”, “đúng cổ phiếu” sẽ có vai trò quyết định tới khả năng sinh lời. Chúng tôi cho rằng nhịp điều chỉnh lần này sẽ là cơ hội để nhà đầu tư đánh giá lại và chủ động cơ cấu danh mục đầu tư của mình. Các nhà đầu tư nên cân nhắc thoái vốn tại các nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh trong thời gian vừa qua và không còn định giá “rẻ” để chuyển sang những ngành, cổ phiếu còn định giá hấp dẫn và đi kèm với triển vọng kinh doanh đang cải thiện, tiêu biểu như nhóm tài chính-ngân hàng và một số doanh nghiệp xuất khẩu.

"Sáng tăng chiều giảm khiến tâm lý nhà đầu tư bất ổn"

Ông Trương Hiền Phương

Giám đốc Cấp cao CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam

Thị trường tuần qua có 3 phiên giao dịch biến động mạnh. Nhiều người nói về lý do này, lý do khác, nhưng tôi vẫn cho rằng đó như cái “cớ” trong bối cảnh thị trường thiếu vắng động lực để tăng giá.

Thông tin nước ngoài bán ròng không còn mới vì họ đã miệt mài bán từ đầu năm đến nay với khối lượng kỉ lục hơn 2 tỷ USD. Nhưng khó phủ nhận, khi nhà đầu tư ngoại xả ra đều đặn các phiên nghìn tỷ, còn lực cầu trong nước ngày càng yếu.

Nhiều nhà đầu tư trong nước càng thận trọng hơn khi thấy nhiều phiên T+3 về lỗ là chính. Không ít trong số họ cầm nhiều cổ phiếu lỗ quá, chán nản, không rời bỏ thị trường nhưng đứng quan sát, chờ đợi.

Đặc biệt sau những phiên thị trường sáng tăng, chiều giảm mạnh “không lý do” hoặc lý do không phản ánh đúng bản chất thị trường, sức khoẻ cổ phiếu, khiến nhiều nhà đầu tư càng mang tâm lý thận trọng, kém hưng phấn.

Khi nhà đầu tư khó tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn trên thị trường chứng khoán
Một số cổ phiếu đã giảm hơn 20% trong tuần giao dịch vừa qua.

Cơ bản, thị trường đang thiếu vắng động lực để bứt phá. Thông tin kết quả kinh doanh quý II chưa ra hết, một số lo ngại rủi ro của nhà đầu tư về tỉ giá, lãi suất, triển vọng thị trường bất động sản hay chất lượng tài sản ngân hàng… vẫn còn đó.

Thị trường cần nhiều phiên giao dịch sôi động hơn, tâm lý nhà đầu tư được cải thiện… thì thanh khoản mới hy vọng cải thiện đều đặn hơn. Nếu cứ sáng tăng – chiều giảm nhiều phiên liên tiếp… sẽ gây tâm lý bất ổn cho nhà đầu tư.

Tuần sau, thị trường khả năng tiếp tục tích luỹ, khó tăng cao hay giảm sâu. Về chiến lược đầu tư, giai đoạn này, việc lựa chọn cổ phiếu đầu tư kiểu T+ là tương đối khó trong bối cảnh thiếu vắng động lực lớn để thị trường bật lên.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc lúc thị trường điều chỉnh giảm mạnh, mua dần vào nếu cầm tiền. Cổ phiếu tốt thì nên giữ nguyên, chưa bán thì chưa lỗ. Nếu nắm giữ cổ phiếu không tiềm năng, có thể cân nhắc cơ cấu lại danh mục chuyển sang cổ phiếu tiềm năng. Khi thị tường tăng, tốc độ tăng giá của các cổ phiếu tốt sẽ nhanh hơn, đi xa hơn và lâu hơn.

Liên quan tới dự thảo sửa 4 thông tư thị trường chứng khoán, tôi cho rằng sẽ có tác động thị trường trong dài hạn khi được thực hiện hoá. Còn hiện tại trong ngắn hạn sẽ không có tác động nhiều vì Thông tư vẫn nằm ở dự thảo.