Trong khi chỉ số S&P 500, đại diện cho các công ty lớn, đã tăng hơn 17% kể từ đầu năm, thì chỉ số Russell 2000, đại diện cho các công ty vốn hóa nhỏ, chỉ tăng vỏn vẹn 0,4%.
Các nhà quan sát thị trường chỉ ra lãi suất cao ở Mỹ - đang ở mức cao nhất trong 22 năm - là một trong những yếu tố dẫn đến sự chênh lệch lớn về lợi nhuận giữa hai nhóm cổ phiếu này. Thông thường, các công ty nhỏ vay nhiều hơn các công ty lớn do lợi nhuận thấp hơn.
Ông Sam Burns, chiến lược gia trưởng của công ty nghiên cứu Mill Street Research, cho rằng lãi suất cao thướng tác động mạnh hơn đến các cổ phiếu nhỏ, từ đó tạo ra sự khác biệt lớn về thu nhập và sau đó là lợi nhuận.
Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là cổ phiếu vốn hóa nhỏ có thể sẽ khởi sắc nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm hạ lãi suất. Chuyên gia Art Hogan của công ty quản lý tài sản B. Riley Wealth Management nhận định việc Fed cắt giảm lãi suất vào tháng Chín có thể là "cú hích đầu tiên" để các công ty nhỏ cất cánh. Thị trường hiện đang dự báo hai lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, một lần vào tháng Chín và một lần vào tháng 12.
Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà quan sát thị trường đều cho rằng lãi suất cao là nguyên nhân khiến các công ty nhỏ hoạt động kém hiệu quả. Bà Kim Forrest, Giám đốc đầu tư tại Bokeh Capital Partners, cho rằng yếu tố quan trọng hơn là tình hình kinh tế. Theo bà, hoạt động của các công ty nhỏ thậm chí còn không thực sự liên quan đến lãi suất, vì các công ty này chắc chắn sẽ không vay tiền để mở rộng kinh doanh.
Chuyên gia Sam Stovall của CFRA Research cho rằng lãi suất cao chỉ là lý do ban đầu khiến cổ phiếu vốn hóa nhỏ hoạt động kém hiệu quả, còn việc giá cổ phiếu không tăng vọt ngay sau đó là do những lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế.
Ông Burns lưu ý rằng một phần không nhỏ đà tăng của thị trường trong năm 2024 thuộc về các công ty công nghệ lớn dẫn đầu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tạo sinh. Ông nói thêm rằng các công ty lớn có vị thế tốt hơn để kiếm tiền từ những tiến bộ này. Chuyên gia này cho biết, công nghệ chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều trong chỉ số S&P 500 so với Russell 2000. Và theo ông, ngay cả trong lĩnh vực công nghệ, các công ty vốn hóa lớn vẫn hoạt động tốt hơn so với các công ty công nghệ vốn hóa nhỏ.
Những người tham gia thị trường cũng lưu ý đến ảnh hưởng ngày càng tăng của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF), vốn chiếm khoảng 8.000 tỷ USD trên thị trường Mỹ. Các công cụ đầu tư này phần lớn bao gồm các công ty vốn hóa lớn.
Các nhà quan sát thị trường cũng nhận thấy xu hướng thiên vị về tâm lý đối với các công ty lớn, ngay cả bên ngoài lĩnh vực công nghệ.