Phân khúc hạng sang dẫn dắt thị trường
Báo cáo thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh quý II/2024 vừa phát hành của Cushman & Wakefield cho biết, sau khi phục hồi mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022, thị trường bất động sản đối mặt với nhiều khó khăn từ quý III/2022 do siết chặt tín dụng và các vấn đề pháp lý khác. Do đó, giao dịch căn hộ và nhà ở giảm đáng kể (khoảng 93%) so với đỉnh là quý II/2022. Tuy nhiên, các quý gần đây đã cho thấy sự gia tăng về lượng giao dịch.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố có gần 1.200 căn hộ mới được tung ra thị trường, giảm 54% theo năm; trong đó, khoảng 924 căn được mở bán vào quý II/2024, tăng 240% theo quý nhưng giảm 5% theo năm.
Đáng chú ý, trong nửa đầu năm nay tuy chỉ có hai dự án mới ra mắt nhưng đã đóng góp tới 66% trong nguồn cung mới trong giai đoạn này. Phần còn lại thuộc về các giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu trên thị trường.
Các chủ đầu tư vẫn có xu hướng tạm ngưng mở bán mới, quan sát tâm lý thị trường và hoàn thiện các thủ tục pháp lý trong lúc chờ đợi các bộ luật mới liên quan đến bất động sản có hiệu lực.
Trong giai đoạn này, thị trường ghi nhận lượng bán khoảng 2.100 căn. Đặc biệt, hơn 50% lượng bán mới đến từ phân khúc trung cấp. Ngoài ra, khoảng 34% lượng bán mới trong nửa đầu năm nay đến từ một dự án mới thuộc phân khúc hạng sang trong quý II/2024.
Nhờ sự ra mắt mới của một dự án hạng sang, giá sơ cấp trung bình ghi nhận mức tăng đáng kể 9% so với quý trước và 8% theo năm, đạt khoảng 3.480 USD/m2 trong quý II/2024.
“Phân khúc hạng sang chiếm ưu thế trên thị trường với 59% thị phần nguồn cung mới trong nửa đầu năm 2024. Song, trước những khó khăn đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu và địa phương, nhu cầu của người mua còn hạn chế và thận trọng. Chính vì vậy, họ sẽ có xu hướng chú ý đến các dự án được phát triển bởi chủ đầu tư uy tín và cung cấp phương thức thanh toán hấp dẫn”, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield nhấn mạnh.
Nguồn cung từ năm 2024 - 2027 khoảng 37.000 căn
Theo báo cáo, quỹ đất tại TP.HCM hiện đang dần trở nên khan hiếm ở các quận trung tâm, chính vì vậy, nguồn cung đang mở rộng ra các khu vực xa hơn, phù hợp với phát triển hạ tầng trong tương lai.
Sự thành lập của TP. Thủ Đức với quỹ đất dồi dào có sẵn tại đã giúp khu Đông trở thành khu vực quan trọng trên thị trường với một lượng lớn bất động sản đang được phát triển.
Dự kiến, xu hướng thị trường sẽ tiếp tục có chuyển biến tích cực phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế trong tương lai và việc thực hiện khung pháp lý sắp tới vào cuối năm nay.
Trong bối cảnh hạn chế về quỹ đất tại các khu vực đô thị đã hình thành, các chủ đầu tư ngày càng sáng tạo và linh hoạt hơn trong việc thiết kế sản phẩm nhằm tận dụng lợi thế của nguồn lực sẵn có và tối đa hóa giá trị dự án.
"Việc quỹ đất hạn chế tại thành phố đã thúc đẩy giá bán trung bình và giá trị bất động sản nhà liền thổ tại đây lên cao, khiến cho tính thanh khoản của loại tài sản này đang kém đi do giá trị bất động sản cao. Chính vì vậy, các nhà đầu tư có xu hướng dần chuyển sang ưa chuộng tài sản các bất động sản có giá trị thấp hơn và tính thanh khoản cao hơn trong bối cảnh thị trường trầm lắng và không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu", báo cáo nhấn mạnh.