Lợi nhuận thuần từ kinh doanh bảo hiểm sụt giảm, Manulife, Prudential, Dai-ichi Life và Cathay Life vẫn lãi nghìn tỷ nhờ đâu?

Trong bối cảnh lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm sụt giảm đáng kể, các “ông lớn” bảo hiểm nhân thọ vẫn duy trì được lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính tiếp tục tăng trưởng ấn tượng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến cuối năm 2023, có 82 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài; 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 29 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.

Tổng tài sản của thị trường bảo hiểm ước đạt 913.336 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 126.837 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 786.499 tỷ đồng.

Trong năm 2023, toàn ngành bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 757.652 tỷ đồng (tăng 12,56% so với cùng kỳ năm trước), trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 67.648 tỷ đồng; các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 690.004 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong khi doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng 3% so với năm 2022, ước đạt 71.064 tỷ đồng, thì tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ cả năm 2023 lại giảm 11,6%, đạt xấp xỉ 157.024 tỷ.

Sự sụt giảm doanh thu này chủ yếu do số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới năm 2023 giảm tới 43,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.915.623 hợp đồng (sản phẩm chính) với tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới đạt 28.179 tỷ đồng, giảm 44,5% so với cùng kỳ; tỷ lệ duy trì hợp đồng cũng ở mức thấp, số lượng hợp đồng có hiệu lực đến cuối kỳ giảm 10,6% so với năm 2022. Ngược lại, tỷ lệ bồi thường tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2022 với số tiền chi trả ước khoảng 57.070 tỷ đồng.

Soi vào kết quả kinh doanh năm 2023 của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng có thể thấy, trong bối cảnh khủng hoảng niềm tin, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của các “ông lớn” bảo hiểm nhân thọ đã sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, bù lại doanh thu từ hoạt động tài chính tiếp tục tăng trưởng ấn tượng đã giúp các doanh nghiệp duy trì lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng.

Lợi nhuận hàng nghìn tỷ dù doanh thu hoạt động bảo hiểm sụt giảm

Tại Việt Nam, thị trường bảo hiểm nhân thọ là “địa hạt” chủ yếu của các thương hiệu bảo hiểm nước ngoài như Prudential, Manulife, Dai-ichi Life, AIA, Chubb, Cathay Life, Sun Life, Hanwha Life, Generali, FWD,… bên cạnh doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất là Bảo Việt.

Trong năm 2023 với nhiều biến động đối với hoạt động của thị trường bảo hiểm nhân thọ, không những thị phần của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có sự thay đổi mà kết quả kinh doanh cũng có sự phân hóa.

Là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài đầu tiên được cấp phép hoạt động tại thị trường Việt Nam, Công ty TNHH Manulife Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2023 giảm 20% so với năm 2022, đạt 21.052 tỷ đồng. Doanh thu giảm nhưng tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm lại tăng nhẹ so với cùng kỳ khiến lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty giảm tới 72% so với năm 2022, xuống còn 2.175 tỷ.

manulife doanh thu tai chinh 2023.PNG
Doanh thu tài chính của Manulife Việt Nam - Nguồn: BCTC kiểm toán 2023

Ngược lại, hoạt động đầu tư tài chính của Manulife Việt Nam trong năm qua lại ghi nhận kết quả khả quan với doanh thu 5.548 tỷ đồng và lợi nhuận từ các khoản đầu tư tài chính tăng 79% so với năm trước, lên 4.396 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của công ty vẫn đạt 3.270 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2022.

Tương tự, trong năm 2023, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam cũng giảm 13% so với năm 2022, đạt 26.594 tỷ đồng, song doanh thu từ hoạt động tài chính lại tăng hơn 2 lần lên 10.643 tỷ đồng, mang về lợi nhuận tài chính 10.085 tỷ đồng (tăng 2,5 lần). Khấu trừ chi phí, Prudential vẫn lãi sau thuế là 3.114 tỷ đồng, giảm 14,4% so với cùng kỳ.

Với Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam (Dai-ichi Life), doanh thu từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2023 đã sụt giảm 11% so với năm trước, xuống 19.020 tỷ đồng khiến lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 31,3% xuống 5.775 tỷ đồng. Bù lại, doanh thu tài chính của công ty tăng 38,8% lên 3.439 tỷ đồng, đem về lợi nhuận thuần 2.971 tỷ đồng, tăng 65,2% so với năm 2022. Kết quả trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế năm 2023 của Dai-ichi Life ghi nhận ở mức 2.431 tỷ đồng, giảm 8,1%.

loi nhuan dnbh.png

Ở nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tầm trung, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp cho thấy có sự cải thiện đáng kể trong năm 2023. Trong đó, Cathay Life Việt Nam là số ít doanh nghiệp bảo hiểm ghi nhận doanh thu hoạt động bảo hiểm và doanh thu tài chính cùng tăng so với năm ngoái, lần lượt đạt 2.841 tỷ đồng (tăng 3,2%) và 2.041 tỷ đồng (tăng 20,7%). Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng tới 89% lên 1.445 tỷ đồng.

Hanwha Life Việt Nam đã có sự bứt phá khi xóa được lỗ luỹ kế và lần đầu kinh doanh có lãi tại thị trường Việt Nam sau 15 năm gia nhập. Theo đó, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm năm 2023 của công ty dù giảm 12% so với năm 2022, xuống 3.715 tỷ đồng nhưng doanh thu tài chính lại tăng 46% lên 1.183 tỷ đồng. Với việc tiết giảm được hầu hết các chi phí so với cùng kỳ, công ty có lãi sau thuế gần 796 tỷ đồng, tăng 58,3% so với năm trước. Quy mô tổng tài sản đến cuối năm 2023 tăng 14,5% lên 18.386 tỷ đồng.

Generali Việt Nam cũng đạt được lợi nhuận sau thuế kỷ lục 777 tỷ đồng, tăng gần 30% dù doanh thu hoạt động bảo hiểm giảm 14% còn 3.892 tỷ đồng. Lợi nhuận của Generali Việt Nam tăng chủ yếu do doanh thu tài chính tăng gần 46% lên 859 tỷ đồng, đồng thời chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm khoảng một nửa so với cùng kỳ.

Trong khi đó, Sun Life Việt Nam lại là trường hợp hiếm hoi vẫn lỗ trong năm 2023, nối dài chuỗi 10 năm lỗ liên tục từ khi gia nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam. Năm vừa qua, doanh thu thuần từ kinh doanh bảo hiểm của công ty đạt 4.128 tỷ, giảm 20% so với cùng kỳ. Tương ứng, lợi nhuận gộp hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 10% so với năm 2022, xuống 2.152 tỷ. Ngược lại, doanh thu tài chính tăng gần 21% lên 615 tỷ với lợi nhuận gộp đạt 573 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022.

Tuy nhiên, do các chi phí đều tăng so với cùng kỳ nên năm qua Sun Life Việt Nam lỗ sau thuế gần 922 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên xấp xỉ 5.497 tỷ.

Tăng mạnh đầu tư vào chứng khoán và trái phiếu

Có thể thấy, năm qua dù doanh thu mảng kinh doanh cốt lõi của hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sụt giảm nhưng lợi nhuận vẫn khả quan nhờ doanh thu tài chính tiếp tục tăng trưởng khi tăng đầu tư vào kênh tiền gửi, chứng khoán, trái phiếu.

Báo cáo tài chính kiểm toán 2023 của Manulife Việt Nam cho thấy, tổng tài sản tại thời điểm kết thúc năm 2023, của công ty đạt 118.633 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, tổng các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn lên tới hơn 97.000 tỷ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm. Nhờ đó, doanh nghiệp này đã thu về 5.548 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng hơn 15%.

Trong các khoản đầu tư của Manulife, công ty này đã chi 67.792 tỷ đồng, tương đương khoảng 70% các khoản đầu tư tài chính để mua trái phiếu, tăng 8,8% so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp này bỏ ra 56.876 tỷ đồng để mua trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương. Còn lại hơn 11.900 tỷ đồng được Manulife đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Khoản đầu tư vào trái phiếu đã mang về cho công ty xấp xỉ 3.070 tỷ đồng tiền lãi, tăng 14,3% so với năm ngoái.

Bên cạnh tăng trái phiếu nắm giữ, công ty cũng tăng tiền gửi lên hơn 19.760 tỷ đồng (tăng 34,4% so với đầu năm) nhờ đó, lãi tiền gửi đã tăng 2,3 lần so với cùng kỳ lên 912 tỷ đồng.

Đáng chú ý, công ty khá tích cực tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu cuối năm 2015, Manulife Việt Nam chỉ đầu tư tổng cộng 311 tỷ đồng vào thị trường cổ phiếu, chiếm 2,7% trong tổng danh mục đầu tư thì đến cuối năm 2023, tổng giá trị danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết đạt hơn 9.866 tỷ đồng, chiếm hơn 10% tổng giá trị danh mục đầu tư. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang phải dự phòng 548 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu và lỗ ròng 154 tỷ đồng từ mua bán cổ phiếu trong năm qua.

prudential.PNG
Prudential Việt Nam tăng mạnh khoản đầu tư vào trái phiếu Chính phủ - Nguồn: BCTC đã kiểm toán 2023

Với Prudential Việt Nam, đến cuối năm 2023, tổng các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn đã vượt 151.000 tỷ đồng, tăng 7,2% so với đầu năm và chiếm 85,5% trong tổng giá trị tài sản 176.673 tỷ đồng (tăng 9,2% so với năm 2022).

Với hơn 89.200 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu (bao gồm 17.085 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp), tăng 13,5% so với năm ngoái, Prudential đã thu về 4.925 tỷ đồng thu nhập lãi trái phiếu trong năm 2023. Bên cạnh đó, công ty cũng có thêm hơn 3.111 tỷ đồng lãi từ 44.975 tỷ đồng tiền gửi tại các ngân hàng.

Ngoài ra, thông qua các quỹ liên kết đơn vị, Prudential cũng đang nắm khoảng gần 468 triệu cổ phiếu chứng khoán niêm yết và chứng khoán đã đăng ký giao dịch UpCOM với tổng trị giá 14.917 tỷ đồng, tăng 29,2% so với đầu năm.

Tại Dai-ichi Việt Nam, thời điểm cuối năm 2023, phần lớn tài sản cũng nằm dưới dạng đầu tư tài chính với 48.169 tỷ đồng, chiếm hơn 72% trong tổng tài sản 66.686 tỷ đồng. Trong đó, giá trị danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm lên 9.139 tỷ đồng, bao gồm 4.257 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn, 2.358 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết và hơn 1.200 tỷ đồng trái phiếu. Còn tại danh mục đầu tư dài hạn của công ty chủ yếu nằm ở trái phiếu với giá trị đầu tư 37.439 tỷ đồng, chiếm hơn 96% tổng giá trị danh mục và khoảng 1.395 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.

Trong năm 2023, các khoản đầu tư trái phiếu đã mang về hơn 2.140 tỷ đồng tiền lãi cho Dai-ichi Việt Nam, trong khi các khoản tiền gửi ngân hàng gần 552 tỷ đồng vào doanh thu tài chính.

Thậm chí, tại các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ quy mô nhỏ hơn, tỷ trọng các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn trên tổng tài sản còn lớn hơn. Chẳng hạn tại Cathay Life, tổng tài sản thời điểm cuối năm 2023 ở mức 27.548 tỷ đồng (tăng 12% so với hồi đầu năm) và công ty dành tới gần 93% tài sản, tương đương 25.618 tỷ đồng để đầu tư tài chính.

Trong đó, công ty đã giảm gần một nửa các khoản đầu tư ngắn hạn, xuống còn 4.738 tỷ đồng và tăng đầu tư dài hạn lên 20.880 tỷ đồng (tăng 46% so với hồi đầu năm). Trong danh mục đầu tư tài chính dài hạn, công ty dành 5.519 tỷ đồng vào trái phiếu Chính phủ, 5.575 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp, 4.478 tỷ tiền gửi và 8.661 tỷ đồng vào cổ phiếu.

Đáng chú ý, con số 8.661 tỷ đồng đầu tư vào cổ phiếu chiếm tới 33,8% tổng giá trị đầu tư tài chính của công ty và tăng 43,9% so với đầu năm. Xét cả về giá trị lẫn tỷ trọng thì đây đều là con số lớn và hiếm có doanh nghiệp nào dành nhiều tiền như vậy để đầu tư cổ phiếu.

cathay life.PNG
Các khoản đầu tư tài chính của Cathay Life Việt Nam - Nguồn: BCTC đã kiểm toán 2023

Nhìn vào danh mục cổ phiếu đầu tư của Cathay Life có thể thấy doanh nghiệp này đang đầu tư vào các cổ phiếu MBB, MWG, ACB, PVD, FPT, HPG, TCB với giá trị hàng trăm tỷ đồng mỗi mã. Ngoài ra, công ty đang đầu tư 3.353 tỷ đồng vào các cổ phiếu khác. Năm 2023 công ty thu về 378 tỷ đồng lãi từ đầu tư cổ phiếu (tăng 28% so với năm ngoái) song cũng đang phải trích lập 325 tỷ đồng dự phòng giảm giá cổ phiếu tại thời điểm cuối năm 2023. Trong khi đó, thu nhập từ lãi trái phiếu và lãi tiền gửi cũng lần lượt đạt 773 tỷ (tăng hơn 11%) và 766 tỷ (tăng 20%).

Tương tự, trong năm qua, Chubb Việt Nam, Hanwha Life Việt Nam hay Generali Việt Nam cũng đã giảm bớt các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và tăng mạnh các khoản đầu tư dài hạn, nhất là vào trái phiếu, qua đó giúp doanh thu tài chính tăng hàng chục %.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE