Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) đang trở thành tâm điểm của giới đầu tư với câu chuyện xoay quanh biến động nhân sự cấp cao. Ngày 3/7, Tập đoàn Đất Xanh thông báo ông Lương Trí Thìn rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) để giữ chức Chủ tịch Hội đồng chiến lược. Tuy nhiên, ông Lương Trí Thìn vẫn là Thành viên HĐQT và là cổ đông lớn nhất của Đất Xanh. Đồng thời, Đất Xanh cũng công bố người thay thế ông Thìn giữ chức Chủ tịch HĐQT là ông Lương Ngọc Huy, Phó Tổng giám đốc công ty.

Sự phát triển của Đất Xanh trong 20 năm qua gắn liền với tên tuổi người sáng lập Lương Trí Thìn, do đó việc thay đổi lãnh đạo giữa bối cảnh tình hình kinh doanh của Đất Xanh lao dốc khiến nhiều người chờ đợi “sự chuyển mình” của tập đoàn bất động sản này trong giai đoạn sắp tới.

Trong bản công bố thông tin, Đất Xanh cũng khẳng định, trong mục tiêu chiến lược dài hạn 2025 - 2035 với định hướng đa ngành nghề, đa lĩnh vực trên cơ sở khai thác thế mạnh, tập đoàn này sẽ tận dụng các mảng hoạt động cốt lõi hiện có, tạo dựng các thế mạnh và là tiền đề xâm nhập vào thị trường mới trong hệ sinh thái ngành bất động sản.

Do đó, để xây dựng nền tảng vững chắc cho việc thực hiện chiến lược trung và dài hạn, Đất Xanh đã thành lập Hội đồng chiến lược trên vai trò độc lập có nhiệm vụ xây dựng, hoạch định và triển khai chiến lược cho HĐQT, ban điều hành các vấn đề đầu tư, kinh doanh và quyết sách quan trọng trong mọi hoạt động của tập đoàn.

Tập đoàn Đất Xanh, tiền thân là Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh do ông Lương Trí Thìn sáng lập vào năm 2003 với vốn điều lệ vỏn vẹn 800 triệu đồng và đến nay sau nhiều lần tăng vốn, vốn điều lệ của Đất Xanh đã tăng hơn 9.000 lần lên 7.224 tỷ đồng (tính đến tháng 2/2024). Thậm chí, nếu việc chào bán hơn 150 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sắp tới thành công, vốn điều lệ của Đất Xanh sẽ lên mức 8.724 tỷ đồng - chỉ xếp sau hai “ông lớn” bất động sản Vinhomes (VHM) và Novaland (NVL).

Hành trình tăng vốn "thần tốc" của Đất Xanh dưới thời Chủ tịch HĐQT Lương Trí Thìn cũng gắn liền với quá trình mở rộng quy mô và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp này. Khởi đầu là một đơn vị môi giới, chuyên phân phối các dự án bất động sản khu vực TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương, Đất Xanh đã dần vươn lên trở thành một doanh nghiệp môi giới có tên tuổi.

Đến năm 2007, Đất Xanh quyết định lấn sân sang lĩnh vực đầu tư, phát triển bất động sản, chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần và bắt đầu làm chủ đầu tư của một số dự án tại TP. Hồ Chính Minh như Sunview 1&2 (Thủ Đức), Phú Gia Hưng Apartment (quận Gò Vấp).

Năm 2009, Đất Xanh mang 8 triệu cổ phiếu DXG lên niêm yết trên HoSE và đến nay, sau 15 năm niêm yết, số lượng cổ phiếu DXG đang lưu hành đã lên tới hơn 720 triệu đơn vị, đưa vốn hóa doanh nghiệp đạt xấp xỉ nửa tỷ USD.

Cũng trong giai đoạn thị trường bất động sản sôi động, Đất Xanh đã liên tục mở các chi nhánh, công ty thành viên, công ty liên kết và chuyển đổi mô hình hoạt động thành tập đoàn. Tính đến hết quý I/2024, Đất Xanh có đến 84 công ty con trong hệ thống, với hơn 2.500 nhân viên, thậm chí có thời kỳ đỉnh điểm của thị trường, lượng môi giới của riêng Đất Xanh Services - công ty con chuyên về môi giới bất động sản của Đất Xanh lên đến 7.500 người.

Từ một doanh nghiệp môi giới bất động sản nhỏ, đến đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Đất Xanh đã đạt hơn 30.300 tỷ đồng và năm 2023 giảm còn gần 28.800 tỷ đồng. Cùng với tổng tài sản tăng lên, quy mô nợ của tập đoàn này cũng dần phình to và đến cuối năm 2023 ở mức 14.600 tỷ đồng, gần bằng một nửa tổng tài sản. Trong đó, nợ vay gần 5.300 tỷ đồng, bao gồm hơn 1.400 tỷ đồng nợ trái phiếu.

Về tình hình kinh doanh, từ mức doanh thu và lợi nhuận vài chục tỷ đồng vào năm 2009 (năm đưa cổ phiếu lên sàn), sang năm 2010 doanh thu của Đất Xanh tăng gấp 4 lần và lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi. Giai đoạn tăng trưởng liên tục của Đất Xanh kéo dài đến năm 2019. Đây cũng là năm Đất Xanh ghi nhận lợi nhuận kỷ lục 1.886 tỷ đồng.

Tuy nhiên, năm 2020, năm đầu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 danh thu của Đất Xanh đã sụt giảm hơn một nửa và lần đầu tiên báo lỗ (lỗ sau thuế 174 tỷ đồng), trước khi bật tăng trở lại vào năm 2021 với doanh thu kỷ lục gần 10.090 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.595 tỷ đồng.

Dù vậy, “cú hồi” này lại không kéo dài được sang năm 2022 và đến năm 2023 vừa qua, Đất Xanh chứng kiến năm thứ hai liên tiếp tình hình kinh doanh sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận. Tập đoàn này kỳ vọng năm 2024, doanh thu thuần có thể tăng nhẹ trở lại, đạt 3.900 tỷ đồng (tăng 5%) và lãi sau thuế đạt 226 tỷ đồng, tăng 31% so với thực hiện năm 2023, tuy nhiên, con số này vẫn còn cách rất xa so với “thời hoàng kim”.

Trong chia sẻ sau khi rời ghế Chủ tịch HĐQT Đất Xanh, ông Lương Trí Thìn cho biết, kế hoạch kế nhiệm là công tác được ông ấp ủ ngay từ khi Đất Xanh mới thành lập. Từ những ngày đầu, ông đã đặt mục tiêu đào tạo 100 CEO khi tập đoàn tròn 20 tuổi. Nhiều người cho rằng kế hoạch này không khả thi nhưng cuối cùng Đất Xanh vẫn làm được.

Mặt khác, ông Thìn cho biết theo ông sẽ không có gì là tồn tại mãi mãi nếu không có các phép thử, đặc biệt là một doanh nghiệp. Do đó, ông quyết định thử nghiệm một kế hoạch trao quyền cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo, từ đó tạo cơ hội cho họ và Đất Xanh hướng tới sự bền vững, thử nghiệm những bài toán thách thức của thị trường.

“Đây là thời điểm đủ thách thức, nhưng cũng đủ chứng minh năng lực của một đội ngũ ban điều hành mà tôi đào tạo, xây dựng từ lâu”, ông Thìn nói và khẳng định lần này, ông sẽ “minh họa” một bộ máy lãnh đạo độc lập, không có ông ở vai trò chủ chốt.

Tuy nhiên, ông vẫn tham gia vào toàn bộ công tác điều hành, xây dựng, hoạch định và triển khai chiến lược cho toàn bộ hệ thống. Trên hết, đây cũng là giai đoạn để ông tập trung chuẩn bị cho những chiến lược và “cuộc chơi” lớn hơn của Đất Xanh, phục vụ cho chu kỳ phát triển mới của tập đoàn này trong trung và dài hạn.

Nhìn rộng hơn, ông Thìn cho biết, kế hoạch kế nhiệm cho thế hệ lãnh đạo tiếp theo còn nhằm hướng đến mục tiêu hoạch định mô hình quản trị tập đoàn theo tiêu chuẩn quốc tế - điều Đất Xanh đã theo đuổi trong vài năm trở lại đây.

Trước đó, Đất Xanh đã thành lập Hội đồng đầu tư với vai trò là cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phân tích, đánh giá dựa trên quy mô, cấu trúc hợp tác và đầu tư để đưa ra quyết định sau cùng. Và bây giờ là thành lập Hội đồng chiến lược với vai trò độc lập, có nhiệm vụ xây dựng và hoạch định chiến lược cho HĐQT, ban điều hành các vấn đề đầu tư, kinh doanh và quyết sách quan trọng của tập đoàn này.

Theo Thoidai.com.vn Copy