Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã SAB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 với doanh thu thuần đạt 8.086 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2023. Giá vốn giảm tương ứng nên lãi gộp của công ty giảm 2% so với cùng kỳ, đạt hơn 2.440 tỷ đồng, biên lãi gộp cải thiện nhẹ từ mức 29,9% của cùng kỳ lên 30,2% trong quý này.
Trong kỳ, doanh thu tài chính của công ty giảm 25% xuống 266 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi giảm. Quý II vừa qua, công ty cũng nỗ lực tiết giảm các chi phí, trong đó, chi phí tài chính giảm mạnh 52% còn 8,2 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý giảm lần lượt 23% và 12% so với cùng kỳ, xuống tương ứng còn 902 tỷ đồng và 176 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm cũng mạnh 64% còn gần 28 tỷ đồng.
Kết quả, nhờ tiết giảm chi phí, quý II/2024 Sabeco báo lãi sau thuế 1.319 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng gần 29% so với quý I/2024.
Theo giải trình của Sabeco, trong quý II/2024 việc thực thi Nghị định 100 và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt tiếp tục tác động đến cầu tiêu dùng. Điều này dẫn đến doanh thu thấp hơn mặc dù có tác động tích cực của việc tăng giá. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn cao hơn cùng kỳ do chi phí bàn hàng và chi phí quản lý thấp hơn, giúp giảm nhẹ một phần tác động từ việc lợi nhuận gộp thấp hơn, thu nhập từ lãi tiền gửi và lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết thấp hơn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.270 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.343 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 6% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024, công ty lên kế hoạch đạt doanh thu thuần 34.397 tỷ đồng và lãi sau thuế 4.580 tỷ đồng, tăng tương ứng 13% và 8% so với thực hiện 2023. Như vậy, kết thúc quý II, Sabeco đã thực hiện được 44,4% mục tiêu doanh thu và 51,2% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ông Tan Teck Chuan Lester, Tổng Giám đốc Sabeco cho biết dù đặt kế hoạch kinh doanh cao hơn năm 2023 nhưng ban lãnh đạo công ty tin tưởng Sabeco có khả năng hoàn thành kế hoạch đặt ra cho năm 2024. Để làm được như vậy, công ty sẽ tập trung vào 3 yếu tố then chốt là tối ưu hoạt động thương mại, hiệu quả chuỗi cung ứng và các sáng kiến ESG (môi trường - xã hội - quản trị).
Theo lãnh đạo Sabeco, năm 2024 dù Nghị định 100 sẽ tiếp tục là một rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia, đồng thời sự cạnh tranh giữa các công ty sản xuất bia nhằm giành thị phần cao hơn vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt song Sabeco vẫn kỳ vọng năm 2024 tiếp tục mang đến các cơ hội "vàng" cho ngành bia Việt Nam như cơ cấu dân số vàng, thu nhập tăng nhanh, tiềm năng lớn của phân khúc "bia không cồn" và tiềm năng về thị trường xuất khẩu.
Về tình hình tài chính, tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Sabeco ở mức 34.154 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 100 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền mặt, tiền gửi ngân hàng chiếm tới 68,4% tổng tài sản, ở mức 23.358 tỷ đồng (bao gồm hơn 1.800 tỷ đồng tiền mặt và hơn 21.500 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng ngắn hạn và dài hạn). Khoản mục hàng tồn kho hơn 2.350 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ.
Với hơn 21.500 tỷ đồng mang gửi ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm, Sabeco thu về 533 tỷ đồng tiền lãi, giảm 22% so với cùng kỳ và tương đương 22,7% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong nửa đầu năm.
Bên kia bảng cân đối, đến cuối quý II/2024, Sabeco đang đi vay 636 tỷ đồng, tương đương 6,9% tổng nợ phải trả (9.024 tỷ đồng). Khoản mục lớn nhất trong nợ phải trả của công ty là các khoản phải trả ngắn hạn khác (3.537 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm).
Vốn chủ sở hữu của công ty tại ngày 30/6/2024 là 25.130 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,4% so với đầu năm, trong đó vốn cổ phần là 12.826 tỷ đồng, 9.823 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và hơn 1.122 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.