Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã VGC) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.639 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp của công ty tăng gần 11% so với cùng kỳ, lên hơn 738 tỷ đồng, kéo biên lãi gộp từ mức 24% của cùng kỳ lên 28% trong quý này.
Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty tăng 73% lên hơn 23 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần lỗ từ công ty liên doanh, liên kết cũng tăng hơn 4 lần lên 21,2 tỷ đồng.
Quý I năm nay, gánh nặng chi phí của công ty đã giảm bớt so với cùng kỳ, trong đó, chi phí tài chính giảm 15% còn 71 tỷ đồng, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lần lượt giảm 2% và 22% về 158 tỷ đồng và 141 tỷ đồng.
Kết quả, Viglacera báo lãi sau thuế quý I/2024 đạt 237 tỷ đồng, tăng gần 57% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy sau quý IV/2023 thua lỗ (cũng là quý đầu tiên ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm) Viglacera đã có lãi trở lại trong quý đầu năm 2024.
Theo giải trình của Viglacera, lợi nhuận quý I/2024 tăng là nhờ đóng góp của mảng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp.
Trong cơ cấu doanh thu quý I/2024 của Viglacera, mảng cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng vẫn đóng góp lớn nhất với gần 1.084 tỷ đồng, gần như đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, doanh thu các mảng khác hầu hết đều sụt giảm, trong đó, doanh thu bán gạch ốp lát lại giảm 2% về 602 tỷ đồng; doanh thu bán các sản phẩm kính, gương giảm tới 13% còn 385 tỷ đồng; doanh thu bán gạch, ngói cũng gần 15% còn 247 tỷ đồng; doanh thu bán sản phẩm sứ, sen vòi và phụ kiện giảm 30% còn 118 tỷ đồng và giảm mạnh nhất là doanh thu bán hàng hóa bất động sản từ mức 43 tỷ đồng về 14 tỷ đồng (giảm 69%).
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của Viglacera ở mức 23.318 tỷ đồng, giảm hơn 3% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi giảm gần 38%, còn 1.134 tỷ đồng; chi phí rót vào các dự án dang dở và hàng tồn kho vẫn ở mức hơn 10.900 tỷ đồng.
Cụ thể, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại thời điểm cuối quý I/2024 là 6.259 tỷ đồng. Các dự án có chi phí lớn nhất là Khu công nghiệp Thuận Thành giai đoạn 1 (1.796 tỷ đồng), Khu công nghiệp Phú Hà giai đoạn 1 (857 tỷ đồng), Khu du lịch sinh thái cao cấp Vân Hải (857 tỷ đồng), Khu công nghiệp Yên Mỹ (685 tỷ đồng), Khu công nghiệp Tiền Hải - Thái Bình (528 tỷ đồng)…
Khoản hàng tồn kho giảm gần 2% so với đầu năm xuống 4.881 tỷ đồng với khoảng một nửa là thành phẩm kính, sứ, sen vòi,... (2.400 tỷ đồng), kế đến là tồn kho bất động sản xây dựng dở dang 1.660 tỷ đồng.
Bên kia bảng cân đối kế toán, tới cuối năm 2023, nợ phải trả của Viglacera là 13.563 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ vay tài chính là hơn 5.000 tỷ đồng, giảm gần 3% so với đầu kỳ, bao gồm hơn 2.683 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn (giảm 7%) và 2.424 tỷ đồng nợ vay dài hạn (tăng 8%).