Nhắm đến các dự án tiềm năng tại khu vực Đông Nam Bộ
Ngày 31/5/2024, Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) thông qua nghị quyết về chủ trương chấp thuận cho Tập đoàn Hoa Sen Group được ký kết hợp đồng phát triển dự án với các cá nhân là người có liên quan của công ty nhằm nắm bắt các lợi thế trong việc nghiên cứu, đầu tư, phát triển các dự án tiềm năng tại khu vực Đông Nam Bộ.
Hoa Sen cho biết, tại hội nghị thường niên của niên độ tài chính 2023 - 2024 diễn ra ngày 18/3/2024, công ty đã thông qua chủ trương ủy quyền cho HĐQT nghiên cứu, khảo sát và triển khai các phương án đầu tư phát triển trong các lĩnh vực như bất động sản, nghỉ dưỡng, lưu trú…
Thực hiện chủ trương của ĐHĐCĐ, trong thời gian qua, HĐQT đã tổ chức khảo sát, nghiên cứu để tìm kiếm phương án, chiến lược đầu tư, phát triển các dự án phù hợp với định hướng, chủ trương đã được thông qua. Trong giai đoạn đầu, các vị trí khảo sát, nghiên cứu chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam Bộ.
Một số đơn vị chức năng của tập đoàn đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu và làm việc với một số tổ chức, cá nhân có lợi thế trong việc đầu tư phát triển các dự án tiềm năng, đồng thời các đơn vị này có đề xuất ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư, phát triển dự án với các tổ chức, cá nhân có tiềm năng. Trong số các đối tượng đàm phán với Hoa Sen, có một số tổ chức, cá nhân là người liên quan của tập đoàn.
“Nhận thấy việc ký kết các hợp đồng hợp tác phát triển dự án với các tổ chức, cá nhân để nắm bắt nhanh các lợi thế là nhu cầu hợp lý và chính đáng cho sự phát triển, đồng thời các điều kiện và điều khoản trong hợp tác không tạo ra sự bất lợi cho công ty”, Hoa Sen lý giải về lý do giao kết.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2024, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen cũng cho biết “trong lúc Nhà nước cương quyết làm lành mạnh, đây là cơ hội của Hoa Sen, công ty không trừ lĩnh vực nào, công ty sẽ lựa chọn, đánh giá kỹ từng lĩnh vực để tham gia đầu tư".
Theo Chủ tịch Hoa Sen, công ty đang có hạn mức tín dụng khoảng 17.000 - 18.000 tỷ đồng, mới sử dụng 5.000 tỷ đồng và còn hạn mức vay vốn lớn với chi phí vay trung bình chỉ 2,1%/năm, thấp nhất thị trường. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của công ty có lãi liên tục, niên độ tài chính 2023-2024, Hoa Sen có dư dòng tiền thêm 1.500 tỷ đồng.
Để chuẩn bị cho việc trở lại “đường đua” bất động sản, từ hồi cuối năm 2023, Hoa Sen cũng đã thông qua kế hoạch góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập Công ty CP Hoa Sen Sài Gòn, đơn vị sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000 - 3.000 tỷ đồng nhằm phát triển các dự án văn phòng - trung tâm thương mại - nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho Tập đoàn Hoa Sen; cho thuê; hoặc xem xét chuyển nhượng.
Rục rịch tái khởi động dự án Khách sạn Yên Bái
Không chỉ tìm kiếm các dự án mới ở khu vực phía Nam, gần đây Tập đoàn Hoa Sen cũng đang có động thái rục rịch tái khởi động lại dự án tại Yên Bái. Theo đó, ngày 7/5/2024, Tập đoàn Hoa Sen đã hoàn tất việc góp thêm 200 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ Công ty CP Hoa Sen Yên Bái từ 421 tỷ đồng lên mức 621 tỷ đồng. Mục đích huy động vốn nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án.
Sau tăng vốn, Hoa Sen sẽ sở hữu 97,26% vốn điều lệ còn các cổ đông khác sở hữu 2,74% vốn điều lệ tại Công ty CP Hoa Sen Yên Bái.
Công ty CP Hoa Sen Yên Bái được thành lập ngày 5/5/2016; địa chỉ tại tổ 11, phường Đồng Tâm, TP.Yên Bái, tỉnh Yên Bái; hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh cho thuê văn phòng, kinh doanh nhà.
Công ty này được biết đến là chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái (Khách sạn Yên Bái). Dự án được triển khai từ năm 2016 trên khu đất có diện tích 1,5 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu 1.200 tỷ đồng, đặt mục tiêu đưa vào sử dụng từ năm 2020, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Theo thiết kế, dự án bao gồm 1 tòa nhà 15 tầng có tổng diện tích sàn 74.410m², được xây dựng thành khu phức hợp cung cấp các hạng mục đa dạng như: trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, khách sạn 4 sao, nhà hàng tiệc cưới, quán café, căn hộ cao cấp.
Tính tới 31/3/2024, trên báo cáo tài chính hợp nhất quý II niên độ 2023-2024 của Tập đoàn Hoa Sen, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án Khách sạn Yên Bái là 393,1 tỷ đồng, tăng thêm 7,3 tỷ đồng so với đầu năm.
Như vậy, động thái này của Hoa Sen cho thấy tập đoàn đang tiến thêm một bước để trở lại “đường đua” bất động sản đã khởi động từ 15 năm trước nhưng vẫn chưa có dự án nào “về đích”. Thực tế, từ năm 2009, với định hướng trở thành một tập đoàn đa ngành, Hoa Sen đã cùng lúc đầu tư vào bất động sản với 5 dự án: Khu chung cư cao tầng Hoa Sen - Phố Đông, dự án căn hộ Hoa Sen Phước Long và dự án căn hộ Hoa Sen Riverview (đều ở quận 9, TP HCM); dự án Văn phòng trụ sở Hoa Sen Group (quận 2, TP.Hồ Chí Minh); góp 45% vốn vào dự án Cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept.
Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, Hoa Sen bất ngờ tuyên bố rút khỏi mảng bất động sản và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép. Công ty đã thực hiện chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 4 dự án, chỉ giữ lại dự án Phố Đông - Hoa Sen đang xây dựng dở dang.
Đến năm 2016, Hoa Sen lại quay lại với bất động sản thông qua việc thành lập 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm Công ty CP Hoa Sen Yên Bái, Công ty CP Hoa Sen Hội Vân, Công ty CP Hoa Sen Vân Hội và Công ty CP Hoa Sen Quy Nhơn.
Nhưng chỉ đến tháng 7/2018, Hoa Sen đã giải thể Hoa Sen Hội Vân với lý do là công ty chấm dứt triển khai dự án Khu du lịch suối nước nóng Hoa Sen Hội Vân tại Phù Cát, Bình Định. Đến tháng 9/2018, Công ty CP Hoa Sen Vân Hội, chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái hồ Vân Hội tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái cũng bị giải thể do công ty ngừng tổ chức, triển khai dự án.
Tương tự, với Công ty CP Hoa Sen Quy Nhơn, Hoa Sen cũng quyết định giải thể sau khi rút lui khỏi dự án Cảng biển Tổng hợp Cà Ná và dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.
Như vậy, trong 4 công ty thành lập năm 2016, Hoa Sen chỉ giữ lại Hoa Sen Yên Bái để thực hiện dự án nói trên.