Sáng 24/4, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã VCG) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.
Tiếp tục đặt mục tiêu phá đỉnh doanh thu
Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu 15.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 950 tỷ đồng; tăng lần lượt 15% và 140% so với thực hiện 2023; trong đó, kế hoạch tổng doanh thu và thu nhập công ty mẹ là 10.500 tỷ đồng, lãi sau thuế 860 tỷ đồng; tăng 20% và 291% so với cùng kỳ. Nếu chỉ tiêu doanh thu này thực hiện được thì đây sẽ là mức doanh thu kỷ lục trong lịch sử hoạt động của Vinaconex.
Kế hoạch này tiếp tục là kế hoạch khá tham vọng trong nhóm doanh nghiệp xây dựng nếu so sánh với kế hoạch doanh thu 10.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng của Xây dựng Hòa Bình hay kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 50 tỷ đồng của Fecon…
Trước đó, năm 2023, công ty cũng đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu lên tới 16.340 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 860 tỷ đồng - kế hoạch doanh thu và lợi nhuận lớn nhất trong số các doanh nghiệp ngành xây dựng năm 2023. Tuy nhiên, kết quả năm 2023 tổng doanh thu của công ty đạt 12.965 tỷ đồng, chỉ đạt 79% so với kế hoạch song vẫn tăng 35% so với năm 2022 cũng là mức doanh thu kỷ lục của Vinaconex. Lợi nhuận sau thuế đạt 396 tỷ đồng, thực hiện 46% so với kế hoạch năm 2023 và bằng 43% so với năm 2022. Dù vậy, đây vẫn là kết quả tích cực trong nhóm doanh nghiệp xây dựng.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2024, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex khẳng định “khi đặt kế hoạch ban lãnh đạo không nghĩ là đặt ra một kế hoạch mà không làm. Cho nên, đã đặt ra là phải bằng mọi cách thực hiện”.
“Không những thế năm nay công ty còn có kế hoạch tăng vốn, nhằm tăng năng lực của công ty để có khả năng tham gia các gói thầu lớn. Tổng công ty đã ký hợp tác lớn với Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương nghiên cứu đầu tư xây dựng tập trung ở hai dự án lớn là cầu Tứ Liên và tuyến Metro số 5 đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh”, ông Thanh cho biết thêm.
Ông Nguyễn Xuân Đông, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinaconex cũng khẳng định năm nay sẽ hoàn thành kế hoạch, dù năm 2023 không hoàn thành kế hoạch nhưng vẫn là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn. Năm 2024, kết quả có thể khả quan hơn, ước tính lợi nhuận quý I/2024 khoảng 400 tỷ đồng.
“Với những khó khăn của năm 2023 chủ yếu liên quan đến các dự án đầu tư công, công ty đã hạch toán hết số lỗ tại các dự án cao tốc trong năm 2023, số lỗ trong giai đoạn 1 sẽ không lặp lại trong giai đoạn 2. Cho nên, ban lãnh đạo tự tin 90% có thể đạt được kế hoạch đặt ra cho năm 2024”, ông Đông nói.
Về biên lợi nhuận của các dự án đầu tư công, Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết biên lợi nhuận đầu tư công định mức đơn giá doanh nghiệp không quản lý được. Làm các dự án giao thông thì vật liệu đắp nền là chính, phải mua ở chỗ có nguồn gốc xuất xứ được phê duyệt nên rất khó cho nhà thầu. Dù biên lợi nhuận thấp nhưng ban lãnh đạo sẽ đảm bảo đạt lợi nhuận tối thiểu 2%.
Lãnh đạo Vinaconex cũng khẳng định, năm 2024 là năm mở đầu cho giai đoạn phát triển 5 năm tiếp theo sau khi chuyển đổi sở hữu, cho nên trên cơ sở đánh giá cẩn trọng và tổng thể các yếu tố, ban điều hành Vinaconex đã xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2024 với các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận ở mức tăng trưởng cao.
Với lĩnh vực xây lắp, lãnh đạo Vinaconex cho biết, trong năm 2023 tổng giá trị trúng thầu của toàn hệ thống Vinaconex đạt 13.200 tỷ đồng, tạo kỷ lục về giá trị trúng thầu trong một năm, đảm bảo nguồn việc cho năm 2024 và các năm tiếp theo.
Một số gói thầu lớn như: Hai gói thầu tại dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, một số gói thầu thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 (đoạn Vũng Áng - Bùng), dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, gói thầu số 9 - dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.
Còn với lĩnh vực bất động sản, sau năm 2023 có thể xem là đáy, Vinaconex đánh giá năm 2024 sẽ khả quan hơn nhưng không kỳ vọng quá nhiều. Theo Chủ tịch Vinaconex, nếu năm 2023, công ty mà tiếp tục thực hiện dự án lớn chắc chắn mang đến hiệu quả âm, ảnh hưởng đến cổ đông. Do đó, công ty chỉ chọn lọc tập trung vào một số dự án.
“HĐQT công ty phải cân nhắc từng dự án một bởi bất động sản là trụ cột thứ hai bên cạnh mảng xây lắp nên buộc phải quan tâm và phải có bước tiến mới”, Chủ tịch Vinaconex nói.
Còn về lĩnh vực đầu tư tài chính, Chủ tịch Vinaconex cho hay, công ty vẫn tiếp tục thực hiện quá trình sáp nhập, thoái vốn các công ty liên doanh liên kết. Trong đó, đầu tư tài chính đặc biệt một số công ty con mang tính chiến lược, như dự án Thủy điện Đăkba (CTCP Bách Thiên Lộc) hay như những khoản đầu tư vào công ty cấp nước, giáo dục đều mang lợi nhuận cao.
Các dự án đang triển khai đến đâu?
Thông tin chi tiết hơn về các dự án bất động sản Vinaconex đang triển khai, Tổng Giám đốc Vinaconex cho biết, trong năm qua, dự án chung cư Green Diamond tại số 93 Láng Hạ - dự án đánh dấu sự tham gia của Vinaconex vào phân khúc bất động sản cao cấp - đã đưa vào kinh doanh, đủ điều kiện bán hàng.
Dự án có tổng số căn hộ là 324 gồm 100 căn tái định cư, 224 căn thương mại. Dự án có 5 tầng thương mại dịch vụ văn phòng và 1 tầng tiện ích. Ngày 26/5/2023 đã nghiệm thu hoàn thành và ngày 29/5/2023 đã bàn giao căn hộ cho khách hàng. Tính tới hiện nay dự án cơ bản hoàn thành công tác bán hàng và Vinaconex đang làm sổ đỏ cho 86 căn đầu tiên. Năm 2023 dự án mang về doanh thu 1.734 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 447 tỷ đồng. Năm 2024 dự án này dự kiến sẽ tiếp tục mang về 906 tỷ đồng doanh thu và 275 tỷ lợi nhuận trước thuế trong năm 2024.
Còn các khu đô thị mới ở Quảng Ninh, Phú Thọ, Khánh Hòa... đều đang chuẩn bị, đảm bảo đầu tư có hiệu quả. Đặc biệt dự án khu đô thị du lịch Cát Bà Amatina đã hoàn thành việc thi công các hạng mục kỹ thuật quan trọng như san nền, hệ thống đường giao thông và cầu, hệ thống cấp thoát nước...
“Dự án này đã dừng hơn chục năm chỉ mới khởi động lại từ năm 2020. Dự án đã làm xong các thủ tục pháp lý, các căn hộ đều đã sổ đỏ, công tác thi công hạ tầng cơ bản đã xong. Về kế hoạch triển khai năm 2024, cơ bản đã hoàn thành và sẵn sàng đưa vào kinh doanh nếu thị trường cho phép. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường trầm lắng, doanh nghiệp sẽ nhắc kỹ trong việc đưa vào kinh doanh”, ông Thanh nói.
Liên quan đến dự án Cát Bà Amatina, Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông thông tin thêm, Vinaconex hiện là công ty mẹ - sở hữu 51% vốn của Vinaconex ITC. Dự án Cát Bà Amatina là dự án lớn nhưng là dự án nghỉ dưỡng không phải nhu cầu cấp thiết như Hà Nội nên thị trường tiêu thụ sẽ khó khăn hơn. Vinaconex đã thống nhất với HĐQT Vinaconex ITC sang năm 2024 lên kế hoạch bán hàng nhưng sẽ tùy theo thị trường, trong đó chuyển sang bán buôn hoặc bán một phần dự án nhưng điều kiện giá phải đảm bảo, nếu không có lãi thì không nên làm.
Tổng Giám đốc Vinaconex khẳng định Vinaconex ITC là công ty con nên Vinaconex hiện vẫn tiếp tục bơm vốn cho dự án Cát Bà Amatina. Năm nay Vinaconex đang cố gắng tìm kiếm đối tác cho dự án và khả năng sẽ ghi nhận một phần doanh thu của dự án trong năm 2024.
Năm ngoái, Vinaconex ITC đã trả lại 2.200 tỷ đồng cho Vinaconex, trước đó hợp tác để xây dựng hai tòa khách sạn nên công ty có phát hành trái phiếu để lấy xây dựng, nhưng do dự án bán không được nên không triển khai. Do đó, Vinaconex tạm rút số vốn này về để mua lại trái phiếu. “Nếu thị trường tốt thì mới làm, chúng tôi khẳng định Vinaconex không rút vốn tại dự án Cát Bà Amatina”, ông Đông nói.
Ngoài hai dự án trên, lãnh đạo Vinaconex cho biết, dự án như Km3-Km4 Hải Yên và dự án khu đô thị Đại lộ Hòa Bình (TP Móng Cái) đang được triển khai đúng kế hoạch. Dự án đã triển khai bán hàng và ghi nhận kết quả kinh doanh một phần trong năm 2023 và tiếp tục triển khai thực hiện, ghi nhận kết quả kinh doanh vào năm 2024 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, Vinaconex còn triển khai thủ tục chuẩn bị đầu tư một số dự án như Khu đô thị Thiên Ân Quảng Nam (Vinaconex 25), Toà nhà hỗn hợp Vinaconex 1; nghiên cứu đầu tư một số dự án khu đô thị, khu công nghiệp tại Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Thọ, Khánh Hòa, Vũng Tàu, TP.HCM.
Phát hành 183,8 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên hơn 7.000 tỷ đồng
Tại đại hội, cổ đông của Vinaconex đã thông qua phương án phát hành hơn 64,1 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2023 bằng cổ phiếu tỷ lệ 12% bằng nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Năm 2024, công ty có kế hoạch trả cổ tức 10% nhưng không công bố chi tiết là bằng cổ phiếu hay/và tiền mặt.
Đồng thời, cổ đông của Vinaconex cũng thông qua phương án chào bán tối đa 119,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương 20% số cổ phiếu đang lưu hành. Tỷ lệ thực hiện quyền là 5:1, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phần sẽ được hưởng 1 quyền mua và cổ đông sở hữu 5 quyền mua sẽ được mua 1 cổ phiếu. Giá chào bán là 10.500 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 50% giá cổ phiếu VCG chốt phiên 23/4 (20.850 đồng/cổ phiếu).
Thời gian phát hành dự kiến là trong 2024 - 2025 sau khi có sự chấp thuận của UBCKNN. Cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng.
Số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán là 1.197 tỷ sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ đến hạn, bao gồm nợ ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nhà thầu, nhà cung cấp đến hạn trả trong năm 2024 và năm 2025.
Dự kiến, sau các đợt phát hành cổ phiếu trên, vốn điều lệ của Vinaconex sẽ tăng từ 5.345 tỷ đồng lên 7.183 tỷ đồng.