Sau năm 2022 khó khăn, nhiều người trong cuộc dự tính xuất khẩu gỗ sẽ tiếp tục khó khăn hơn nữa trong năm 2023. Nhưng vẫn có kỳ vọng phục hồi, dự kiến từ quý 3 tới, cùng khuyến nghị doanh nghiệp bám sát tình hình thị trường, sẵn sàng bắt nhịp khi nhu cầu sôi động trở lại.
Có những doanh nghiệp đơn hàng giảm trên 50%
Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước chỉ đạt 49,44 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 46,62 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu 2,82 tỷ USD.
Hướng suy giảm nối tiếp từ cuối năm 2022 đến đầu năm nay. Chưa dừng lại, ông Phú dự tính hoạt động xuất khẩu của cả nước những tháng tới còn thách thức và khó khăn.
Theo phản ảnh từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản (Viforest), sức mua trên toàn cầu giảm mạnh khiến kinh tế thế giới đối mặt với những khó khăn, thách thức, dẫn đến số các đơn hàng của ngành giảm trên 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Đây là thực tế rất khó khăn cho ngành gỗ.
Ông Nguyễn Liêm - Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt cho biết, khó khăn đeo bám ngành gỗ từ giữa năm 2022 cho đến nay, và hiện các đơn hàng đã giảm trên 50%; đa phần các nhà máy chỉ hoạt động khoảng 30 - 40% công suất, nhà máy đạt trên 50% công suất đã là “may mắn lắm rồi”. Với những doanh nghiệp có đơn hàng, mức độ chủ yếu chỉ là những đơn hàng nhỏ và chỉ nhận được các đơn hàng tới tháng 6/2023.
“Thông thường đến thời điểm này các doanh nghiệp đã có đơn hàng đồ gỗ ngoài trời (outdoor) và đang chuẩn bị nguyên liệu đến tháng 5, tháng 6 hàng phải làm xong, đến tháng 11 và tháng 12 xuất đi châu Âu để vào mùa hè nhà nhập khẩu bán ra, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng trong tay.
Sở dĩ vậy vì nhà nhập khẩu tồn kho còn nhiều, chỉ đơn hàng nào tồn kho xuống thấp khách đặt mới và doanh nghiệp mới có được đơn hàng. Có được đơn hàng nào là mừng đơn hàng đó, không trông chờ đơn hàng lớn như trước đây. Nhìn chung tình hình đơn hàng bây giờ rất yếu và tình hình ngành gỗ là rất bi đát”, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến Gỗ Bình Dương nói.
Theo Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lâm Việt, thị trường Hoa Kỳ chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Khi sức mua của thị trường này giảm lập tức ảnh hưởng đến hoạt động của toàn ngành đồ gỗ.
Người trong cuộc này dẫn giải thêm, hiện lạm phát ở Mỹ gần đây chỉ mới giảm 0,1%, không đáng kể so với mức lạm phát 7 - 8%, mức lạm phát rất cao đối với họ. Lạm phát cao dẫn đến việc xây dựng nhà mới trong vòng một năm trở lại đây, đặc biệt là 6 tháng gần đây đạt mức thấp nhất trong mấy chục năm qua ở Mỹ. Và thêm nữa, trước đây lãi suất ngân hàng ở Mỹ trên dưới 2% năm, nhưng nay từ 7 - 8%/năm, trong khi đa phần khách mua nhà đều qua ngân hàng, lãi suất cao họ không dám vay mua nhà nên nhu cầu mua đồ nội thất mới cũng giảm theo.
Kỳ vọng sớm phục hồi
Theo nhận định của ông Huỳnh Quang Thanh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Gỗ Hiệp Long, hiện nay không phải tất cả doanh nghiệp gỗ đều thiệt như nhau. Hầu hết đều bị ảnh hưởng do thiếu đơn hàng nhưng cũng có doanh nghiệp ổn; không phải tất cả đều bị thiếu đơn hàng trên 50%, có những doanh nghiệp chỉ thiếu 20 - 30%... Mức độ này tùy thuộc loại hình sản phẩm và cách tiếp thị của mỗi doanh nghiệp.
Ông Thanh thông tin thêm, đặc điểm của thị trường gỗ nội thất Hoa Kỳ là phục vụ cho việc xây dựng nhà mới, khi nhà mới ít xây dựng lại thì nhu cầu đồ gỗ sẽ ít đi, và thị trường đồ gỗ nội thất Hoa Kỳ đang bị “đóng băng” thì xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam chắn chắn sẽ bị ảnh hưởng nhiều.
Tuy nhiên, ông Thanh cho biết, theo kinh nghiệm trải qua các cuộc khủng hoảng trước đây, thị trường chậm thường diễn biến trong vòng 6 tháng, và sau 6 tháng đó các nhà nhập khẩu bắt đầu đặt hàng trở lại. Đây cũng là khoảng thời gian hàng tồn kho được tiêu thụ và giảm đi, nhà nhập khẩu bắt đầu mua hàng trở lại. Theo đó, dự kiến bắt đầu tháng 7 nếu chậm thì trong quý 3 năm nay sẽ có đơn hàng trở lại ổn định.
“Nước Mỹ đang lạm phát và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Song, thị trường Mỹ có một đặc điểm khá lạ lùng, lạm phát thì lạm phát người dân tiêu xài thì cứ tiêu xài, nên các doanh nghiệp vẫn còn có cơ hội bán hàng. Dù vậy, vẫn có ảnh hưởng và chắc chắn kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ vào Mỹ năm 2023 sẽ không bằng năm 2022, có thể giảm khoảng 10%; và nếu chỉ giảm 10% thì vẫn còn cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tồn tại, nhưng chỉ lo thị trường này xấu hơn nữa sẽ có nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc.
Hiện có một số doanh nghiệp nhỏ đang bán xưởng và theo tiên liệu nếu tình hình này chưa chuyển biến và kéo dài đến cuối năm, khi đó sẽ có nhiều doanh nghiệp bỏ cuộc. Nhìn chung tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2023 ảm đạm nhất nhất trong lịch sử ngành gỗ”, Tổng giám đốc Công ty Gỗ Hiệp Long nói.
Trong khi đó, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại hướng đến triển vọng khả quan hơn, ông, cho rằng một số chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều có chung dự báo tình hình kinh tế trong nước và thế giới thực sự sẽ không bị suy thoái nặng nề trong năm 2023, và một số nền kinh tế lớn sẽ có hạ cánh mềm.
Với những dự báo trên, sau nửa cuối năm nay có thể giai đoạn khó khăn nhất sẽ qua đi; từ quý 3, kinh tế thế giới, đặc biệt một số nền kinh tế lớn sẽ hồi phục sức mua, thương mại quốc tế sẽ sôi động trở lại và đạt được những bước tăng trưởng khả quan.