Năm 2022, lượng ô tô mới bán ra tại Việt Nam đạt mức kỷ lục gần 510.000 xe. Tuy nhiên, thị trường lập tức đối mặt với 2023 đầy khó khăn khi doanh số lao dốc ngay từ tháng 1.
Thực tế, sự trầm lắng của thị trường ô tô diễn ra từ quý cuối năm 2022. Bắt đầu từ tháng 10/2022, sức mua ô tô bắt đầu sụt giảm dần. Từ đó đến nay, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) ghi nhận doanh số giảm liên tiếp nhiều tháng.
Đến tháng 1/2023 (có Tết âm lịch), thị trường giảm mạnh hơn. Tổng hợp doanh số VAMA, các hãng xe nhập khẩu, Hyundai Thành Công và VinFast, toàn thị trường tiêu thụ 21.168 xe, giảm 57%.
Các mẫu xe từng là "vua" doanh số đều đi xuống. Ở các phân khúc bán chạy nhất trước đây như sedan hạng B hay SUV đô thị cũng ghi nhận nhiều sự xáo trộn. Ví dụ Toyota Vios - mẫu xe có doanh số tốt nhất thị trường Việt Nam năm 2022 chỉ đạt doanh số 275 xe, giảm đến 2.498 xe so với tháng liền trước. Với kết quả này, Toyota Vios biến mất khỏi bảng xếp hạng 10 xe bán chạy nhất thị trường. Tính về thương hiệu, 2 ông lớn Toyota và Hyundai cũng đều sụt giảm doanh số đến hơn 6.000 xe.
Trong báo cáo, các hãng sản xuất đều cho rằng việc thời gian bán hàng bị rút ngắn giai đoạn Tết nguyên đán khiến doanh số sụt giảm. Các năm trước, Tết thường vào tháng 2 nhưng năm nay Tết đến sớm hơn nên “đáy” doanh số ô tô tại Việt Nam lại rơi vào tháng 1.
Nhận định về sự lao dốc của thị trường xe hơi, chuyên gia Nguyễn Thúc Hoàng Linh cho biết: “Doanh số ảm đạm lúc này không giống giai đoạn Covid-19, khi những biện pháp phong toả hạn chế đi lại dẫn tới hoạt động kinh doanh bế tắc. Lúc này, nguồn cung xe cũng được giải toả, cơ bản đây không còn là rào cản với doanh số bán.
Như vậy, khó khăn của thị trường ô tô lúc này không xuất phát từ nội tại ngành, mà đến từ nhiều yếu tố mang tính khách quan.
Trước hết, kỳ nghỉ lễ đến sớm và kéo dài, trong khi sức mua được giải phóng dịp cuối năm ngoái, dẫn tới nhu cầu mua sắm lúc này thấp. Cùng với đó, lãi suất cao trong khi kênh tài chính hỗ trợ từ các ngân hàng ngày càng hạn hẹp, khiến người tiêu dùng khó xoay xở nguồn tiền phục vụ việc mua xe. Về phần mình, các doanh nghiệp, tổ chức tiếp tục gánh chịu nhiều áp lực về quản lý tài chính, khiến việc mua sắm, nâng cấp phương tiện đi lại trở nên khó khăn hơn”.
Một số đại lý ô tô phản ánh xe tồn kho hiện rất lớn. Từ giữa năm 2022, khi tình hình đứt gãy nguồn cung được cải thiện, các hãng ồ ạt giao xe cho đại lý theo đơn đặt hàng trước đó, dẫn đến tình trạng thừa nguồn cung. Các đại lý chịu áp lực lớn vì nếu không bán hết mẫu xe đời 2022 sẽ ôm lỗ lớn bởi mẫu đời 2023 đang được tung ra.
Hãng ưu đãi, khách dè dặt
Trước tình trạng này, các hãng ô tô, đại lý nhanh chóng tung các chương trình kích cầu bán hàng lớn, mong vực lại doanh số. Honda tung chương trình khuyến mại phí trước bạ cho 2 mẫu xe bán chạy nhất là City và CR-V, Toyota cũng giảm giá đến 50 triệu đồng cho mẫu Vios hay Hyundai Santa Fe, Tucson, Stargazer giảm giá đến 50-100 triệu cho khách mua.
Trong tháng 3, các mẫu xe Kia, Mazda, Peugeot do Thaco lắp ráp và phân phối đều được giảm giá bán, từ 10-100 triệu. Con số hàng chục tới cả trăm triệu đồng trở thành ưu đãi không mấy bất ngờ với thị trường xe hơi Việt Nam trong vài năm qua.
Với khách hàng, tính toán và lo ngại là tâm lý chung khi quyết định mua ô tô lúc này. Mức lãi suất hỗ trợ khách hàng khoảng 9%/năm chưa đủ để hấp dẫn người mua. Đa phần chờ lãi suất giảm xuống khoảng 5-6%/năm mới dám chi tiền mua xe.
Các chuyên gia trong ngành đều dự đoán năm 2023 ảm đạm như những năm chịu ảnh hưởng của Covid-19. Mốc nửa triệu xe bán ra của 2022 khó có thể thiết lập lại.
“Dù doanh số chưa cao, thị trường ô tô những tháng đầu năm đang khá sôi động, với xe mới liên tục ra mắt, kết hợp với hàng loạt chính sách ưu đãi, khuyến mãi được áp dụng rầm rộ.
Điều này thể hiện một phần rằng các hãng xe đang rất linh hoạt trong việc ứng phó khó khăn, từ ra mắt thêm xe mới, bổ sung phiên bản giá cả hợp lý hơn, kết hợp giảm giá, tặng quà… với kỳ vọng thúc đẩy tiêu dùng. Tuy nhiên, những biện pháp này mới chỉ giúp thị trường bớt giảm sâu, chưa thực sự tạo ra đột phá.
Nếu những rào cản không được xử lý sớm, kỳ vọng tăng trưởng của thị trường ô tô Việt Nam trong tương lai gần có khả năng “tan thành mây khói”, chuyên gia Nguyễn Thúc Hoàng Linh nhận định.
Theo phân tích của các doanh nghiệp, căn cứ thực tế thị trường ô tô tháng đầu năm 2023, doanh số toàn thị trường cả năm 2023 dự báo sụt giảm xấp xỉ 17,5% so với năm ngoái. Trong 5 năm tới, thị trường ô tô có nguy cơ giảm 37% sản lượng tiêu thụ nếu không có những giải pháp hỗ trợ trong trung hạn.
Mới đây, nhiều hiệp hội, tỉnh thành đề xuất ban hành chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong năm 2023, hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ ít nhất trong 1 năm...
Doanh nghiệp trong ngành dự báo trước khó khăn
Mới đây, công ty phân phối ô tô lớn nhất Việt Nam dự kiến giảm lãi trăm tỷ trong năm 2023. Thông tin này càng làm rõ hơn bức tranh dự kiến nhiều màu xám của thị trường ô tô trong nước năm nay.
Theo đó, năm 2023, Công ty Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (Savico) lên kế hoạch lãi sau thuế khoảng 438 tỷ đồng, giảm 148 tỷ đồng so với năm ngoái. Năm 2022, Savico đạt doanh thu thuần 21.458 tỷ đồng, tăng 51% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 586 tỷ đồng, cao hơn gấp gần 3 lần cùng kỳ và gần bằng cả 3 năm trước đó cộng lại.
Quy mô doanh thu của Savico gần bằng tổng doanh thu của 5 doanh nghiệp phân phối ô tô xếp sau cộng lại. Dự báo lợi nhuận giảm 30% trong 2023 của Savico vì thế có tính đại diện lớn cho toàn thị trường phân phối xe hơi Việt Nam. Savico hiện có 72 đại lý trên cả nước, bán xe hơn 42.800 xe các loại.
Trong báo cáo thường niên vừa công bố, Savico nhận định thị trường xe năm nay có nhiều khó khăn thách thức. Theo doanh nghiệp này, lãi suất cho vay tăng cao và thiếu nguồn tín dụng từ quý cuối năm ngoái khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng dừng hoặc chậm mua sắm. Ngoài ra, thị trường tài chính chứng khoán và bất động sản khó khăn dẫn đến động lực cho việc mua sắm ô tô không còn thuận lợi như trước.
Từ tháng 9 năm ngoái, Savico cho biết sức mua chỉ còn 60-70% so với bình thường. Điều này dẫn đến dư thừa nguồn cung lớn, tạo áp lực giảm giá, chi phí tồn kho, lãi vay cao.