Ảnh minh họa
Theo báo cáo trên, tính đến 20/06/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 15,2 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án ước đạt khoảng 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính lũy kế đến ngày 20/06/2024, cả nước có 40.544 dự án ĐTNN còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 484,77 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 308 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Đáng chú ý, trong 6 tháng các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 10,69 tỷ USD, chiếm 70,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 26,3% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 2,47 tỷ USD, chiếm gần 16,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 61,5% so với cùng kỳ.
Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn gần 614 triệu USD và hơn 452 triệu USD. Còn lại là các ngành khác.
Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,2%) và điều chỉnh vốn (chiếm 67,9%). Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số lượt giao dịch GVMCP cao nhất (chiếm gần 43,5%).
Đã có 84 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 06 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,58 tỷ USD, chiếm gần 36,7% tổng vốn đầu tư, tăng 86% so với cùng kỳ 2023[1]. Nhật Bản đứng thứ hai với hơn 1,73 tỷ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư, giảm 21,6% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Hồng Kông, Hàn Quốc, Trung Quốc,…
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 29,1%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 24,8%) và GVMCP (chiếm 26,4%).