Theo quy định, ngày 11/3 là ngày điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, do rơi vào ngày nghỉ nên kỳ điều hành giá được dời sang hôm nay (13/3).
Cụ thể, liên Bộ Công Thương - Tài chính cho biết từ 15h hôm nay, giá xăng E5 RON 92 tăng 380 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 22.800 đồng/lít.
Xăng RON 95 tăng 490 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 23.810 đồng/lít.
Dầu diesel tăng 250 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 20.500 đồng/lít.
Dầu hỏa tăng 240 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 20.710 đồng/lít.
Riêng dầu mazut tăng 720 đồng/kg, giá bán ra không cao hơn 15.270 đồng/kg.
Kỳ điều hành hôm nay, liên Bộ Tài chính - Công Thương không chi sử dụng từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Thay vào đó, quyết định trích lập Quỹ bình ổn 300 đồng với các loại xăng, dầu, riêng dầu mazut không trích lập.
Như vậy, giá xăng trong nước đã quay đầu tăng sau 2 lần giảm liên tiếp. Từ đầu năm đến nay, mặt hàng này đã có 5 lần tăng, 2 lần giảm và một lần giữ nguyên.
Liên quan đến thị trường xăng dầu, theo báo cáo về tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu mới được Bộ Tài chính công bố, trong quý 4/2022, các doanh nghiệp đầu mối đã trích thêm 2.155 tỷ đồng vào Quỹ bình ổn giá mặt hàng xăng dầu và chỉ sử dụng hơn 79 tỷ đồng từ quỹ, giúp số dư đến cuối năm 2022 đạt 4.617 tỷ đồng.
Trong 31 thương nhân đầu mối phân phối xăng dầu, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là đơn vị có số dư quỹ đến cuối năm 2022 cao nhất với 1.986 tỷ đồng, chiếm tới 43% tổng số dư quỹ bình ổn giá toàn ngành.
Ở chiều ngược lại, còn 7 doanh nghiệp đầu mối có số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm, gồm Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (âm 513 tỷ đồng); Công ty TNHH Petro Bình Minh (âm 60 tỷ đồng); Công ty cổ phần Xăng dầu Tân Nhật Minh (âm 38 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Long Hưng (âm 36 tỷ đồng); Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư phát triển Trường An (âm 26 tỷ đồng); Công ty TNHH Hải Linh (âm12 tỷ đồng) và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (âm 11 tỷ đồng).
Bộ Công Thương và Tài chính đều cho rằng cần duy trì quỹ này vì đây là công cụ điều hành, giúp bình ổn giá. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng quỹ bình ổn này gần như không thể phát huy hết giá trị trong thực tế nên đã đề xuất bỏ quỹ trong dài hạn.