Đây là một trong những nội dung góp ý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tới Bộ Công Thương về dự thảo sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.
Quan điểm này thống nhất với phương án 1 tại dự thảo Tờ trình của Bộ Công Thương. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư việc không quy định mức chiết khấu tối thiểu phù hợp với cung - cầu xăng dầu trên thị trường trong từng thời điểm, giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Trái ngược với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trước đó cùng góp ý về dự thảo Tờ trình, phía Bộ Tài chính cho rằng, việc xác định mức chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu phụ thuộc vào mức chiết khấu của hệ thống, số lượng khâu trung gian trong phân phối kinh doanh xăng dầu, cung cầu thị trường… nên cần xem xét cơ chế quy định thù lao tối thiểu cho cửa hàng bán lẻ.
Về phía VCCI cũng đề nghị cần phải tính toán để quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các cửa hàng bán lẻ. Bởi vì khi giá cả lên xuống, có nhiều lúc chi phí tăng cao khiến cửa hàng bán lẻ khó tiếp cận được nguồn mua.
Về vấn đề điều hành giá xăng dầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, hiện giá xăng dầu được điều hành theo giá cơ sở. Giá cơ sở được xác định dựa trên các yếu tố hình thành giá tổng hợp từ các nguồn xăng dầu sản xuất trong nước, nhập khẩu, làm căn cứ để cơ quan nhà nước xác định giá điều hành, là căn cứ cho việc quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong nước.
Thời gian qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu trên thị trường có một số bất ổn cục bộ, một trong những nguyên nhân là do chi phí kinh doanh xăng dầu chưa được tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, lựa chọn phương án 1 nêu tại dự thảo Tờ trình, đó là tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở, nhằm đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Cùng với đó, rà soát các quy định về phương thức xác định chi phí, tần suất xác định các chi phí để có cơ sở điều chỉnh kịp thời. Điều này bảo đảm phát huy vai trò quản lý chặt chẽ mặt hàng xăng dầu của nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân, giá xăng dầu có sự thống nhất giữa các địa bàn.
Liên quan đến thời gian điều hành, công bố giá, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại dự thảo Tờ trình, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cùng nhận định chu kỳ điều hành giá 10 ngày như quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP hiện nay vẫn cơ bản phù hợp và không phải là nguyên nhân của việc thiếu hụt nguồn cung xăng dầu thời gian qua.
Do đó, việc điều chỉnh chu kỳ điều hành giá xuất phát từ đề xuất của một số doanh nghiệp. Trong đó một số doanh nghiệp đề xuất rút ngắn chu kỳ điều hành giá, một số doanh nghiệp khác lại đề xuất quay trở lại chu kỳ điều hành giá 15 ngày. Do vậy, Bộ Công Thương cần phân tích, đánh giá, kiểm tra thực tế để đề xuất chu kỳ phù hợp.
Về vấn đề cho phép đại lý bán lẻ lấy từ nhiều nguồn, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy định tại Luật Thương mại, đại lý là đơn vị được bên giao đại lý giao hàng để bán theo giá của bên giao đại lý và hưởng hoa hồng, bên giao đại lý phải chịu trách nhiệm về chất lượng, giá bán hàng hoá tại các đại lý.
Xăng dầu là mặt hàng ở thể lỏng, yêu cầu cất trữ khác hàng hoá thông thường, nếu đại lý lấy từ nhiều nguồn, đựng chung trong cùng một bồn, bể chứa sẽ dẫn tới khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, giá bán xăng dầu, nhất là xác định trách nhiệm của các bên liên quan khi xảy ra sự cố cháy nổ, gian lận thương mại…
Tuy nhiên, việc quy định đại lý xăng dầu chỉ lấy hàng từ một nguồn có thể dẫn đến những khó khăn cho đại lý trong việc đảm bảo có đủ hàng để bán ra thị trường trong trường hợp nguồn cung xăng dầu khan hiếm như thời gian vừa qua.
Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Bộ Công Thương cần phân tích, đánh giá về tính khả thi đối với các phương án cho phép, không cho phép đại lý nhập hàng từ nhiều nguồn, cơ sở pháp lý điều chỉnh tương ứng mà vẫn bảo đảm khả năng kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc của cơ quan quản lý nhà nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Với việc vận hành sử dụng quỹ bình ổn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng ý với phương án tiếp tục giữ nguyên công cụ này, nhưng sẽ sửa đổi theo hướng quy định nguyên tắc sử dụng trên cơ sở đánh giá và làm rõ căn cứ đề xuất.
Cụ thể, cơ quan nhà nước chỉ can thiệp điều hành giá khi giá xăng dầu có biến động tăng từ 10% trở lên hoặc giảm từ 7% trở lên.
Với đề xuất giảm thời gian dự trữ lưu thông bắt buộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đồng tình phương án đề xuất của ban soạn thảo là giữ nguyên quy định hiện hành. Tức là thương nhân đầu mối phải đảm bảo dự trữ lưu thông bắt buộc trong 20 ngày và thương nhân phân phối là 5 ngày để giảm áp lực cho ngân sách.
Doanh nghiệp xăng dầu đồng loạt kêu lỗ
Tại Hội thảo góp ý cho Nghị định 95 và Nghị định 83 về quản lý kinh doanh xăng dầu tổ chức mới đây, đại diện phía doanh nghiệp bán lẻ cho biết, có giai đoạn, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ tới 900 tỷ đồng/tháng. Tính từ tháng 3/2022 đến nay ước số lỗ có thể lên đến 3.000 đến 4.000 tỷ đồng. Trong khi đó, cả nước có 9.000 doanh nghiệp bán lẻ, với tổng vốn đầu tư lên tới 90.000 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần tổng tài sản của doanh nghiệp lớn nhất ngành xăng dầu.
Đáng chú ý, trong khi có giai đoạn doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ tới hàng trăm tỷ đồng mỗi tháng, thì có đầu mối trong quý 4/2022 lãi cả nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp cho rằng cơ chế điều hành giá hiện nay chưa phù hợp.
Đồng thời, các doanh nghiệp bán lẻ này đang kêu bị chèn ép trong chiết khấu, lỗ cũng phải chịu. Trong khi đó, thương nhân đầu mối kêu khó khăn khi phải nhập hàng chi phí lớn, chịu thiệt lỗ tỉ giá, có thời điểm giá trên trời khi nhập khẩu nên kêu gọi đại lý chia sẻ.