Ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Hầu hết các đại biểu tán thành với báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những thành tựu kinh tế-xã hội đạt được trong bối cảnh đất nước vừa gượng dậy sau đại dịch COVID-19 và thách thức từ những diễn biến phức tạp, bất định, khó lường của thế giới.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại trong năm 2022 đóng góp các kiến nghị về kế hoạch phát triển kinh tế trong năm tới.
Áp lực lạm phát có xu hướng tăng
Nhất trí với những kết quả đạt được của năm 2022, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (tỉnh Nam Định) ghi nhận báo cáo nhận định đầy đủ khách quan diễn biến tình hình, với nhiều kết quả tích cực tạo đà phát triển cho năm 2023 như du lịch, xuất siêu, tốc độ tăng trưởng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng áp lực lạm phát có xu hướng tăng gây thách thức đối với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm 2023.
“Kinh nghiệm thế giới cho thấy nếu không có giải pháp kiểm soát kịp thời thì lạm phát sẽ trở thành rào cản ngược đối với tăng trưởng kinh tế”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng quan ngại.
Đại biểu chỉ rõ, khi lạm phát tăng cao thì việc giảm lãi suất cho vay cũng khó có thể thực hiện được do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất nhanh và mạnh, cùng với lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng tăng, chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gây sức ép lớn đến tỷ giá Việt Nam.
“Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh nhiệm vụ này cho phù hợp với diễn biến tình hình trong thế giới và trong nước. Ngoài ra, Chính phủ nên xem xét báo cáo Quốc hội để sửa đổi Nghị quyết 43 theo hướng không đặt ra quy định về khách hàng có khả năng phục hồi để thuận lợi hơn”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề xuất.
Cũng lo ngại về những áp lực lạm phát, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (tỉnh Lạng Sơn) đề nghị Chính phủ tiếp tục có các biện pháp kiểm soát lạm phát, kiểm soát giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp và giá các loại hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Tăng cường hơn nữa việc đảm bảo tự chủ về nguồn nguyên vật liệu trong nước trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Việc chủ động về nguồn lương thực, thực phẩm và nguồn nguyên liệu, vật tư trong nước cũng sẽ góp phần giảm lạm phát.
“Chính phủ cũng cần có biện pháp để tránh tình trạng khi giá xăng dầu tăng kéo theo các mặt hàng khác tăng theo nhưng khi giá xăng dầu được hạ xuống cấp, mặt hàng khác lật nằm im bất động, gây khó khăn cho đời sống của nhân dân. Nhất là theo dự kiến tới đây, Chính phủ tăng lương cơ sở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức lại là lý do để các mặt hàng khác tăng theo, khiến cho chính sách tăng lương cơ sở có thể sẽ không đạt được mục tiêu đề ra…”, đại biểu Chu Thị Hồng Thái nhìn nhận.
Độ trễ của chính sách quá dài
Chỉ rõ hạn chế trong chậm giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Đỗ Thị Lan (tỉnh Quảng Ninh) cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do việc ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện còn chậm, chưa đồng bộ, công tác phân bổ vốn giao vốn còn chậm dẫn đến độ trễ của chính sách quá dài.
“Do đó, Chính phủ có giải pháp để khắc phục, đẩy nhanh tiến độ, chất lượng ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu, rút ngắn thời gian phân bổ vốn giao vốn”, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Chí Cường (TP.Đà Nẵng) cũng cho rằng đầu tư công được xem là đòn bẩy, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, tỷ lệ giải ngân vẫn đạt thấp và vấn đề này đã được đề cập nhiều qua các năm. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo rất quyết liệt nhưng vẫn chưa được cải thiện.
“Không ít nguyên nhân, hạn chế, vướng mắc đã được nhận diện nhưng chậm được khắc phục, trong đó có việc bắt dự án giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư thành dự án độc lập trong các trong thực hiện các dự án đầu tư đã được nhiều địa phương kiến nghị và cũng được nêu trong Nghị quyết 29 ở phần nội dung các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Đó là giao Chính phủ nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm về việc tách, giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định”, đại biểu Trần Chí Cường nêu.
Theo đại biểu, Chính phủ cũng đã có đến những đề xuất nhưng hiện nay chỉ mới thực hiện một số ít dự án cụ thể và một số địa phương như Khánh Hòa, như vậy là vẫn chưa thể tháo gỡ được vướng mắc này. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ xây dựng đề án tổng thể, sớm tổ chức triển khai quy mô rộng hơn để tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn.
Cũng về độ trễ của chính sách, nhìn nhận về những khó khăn của doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (TP.Cần Thơ) cho rằng, tại kỳ họp bất thường, Quốc hội đã có chủ trương đưa ra gói kích thích để hỗ trợ phục hồi sau dịch, cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022- 2023. Các nhà đầu tư kỳ vọng dòng vốn trên thị trường sẽ dồi dào hơn, doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn và các dự án đầu tư có đủ vốn để triển khai nhanh hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp đang khát vốn, nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai, nhiều cơ hội kinh doanh bị bỏ lỡ.
“Trong bối cảnh nhiều thách thức, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, cung ứng đầy đủ nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế”.
Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế điều chỉnh dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất hiệu quả, ổn định, bền vững. Các dự án cần được rà soát kỹ, có tính khả thi cao, tranh cung tiền vào các lĩnh vực rủi ro cao, gây hệ lụy nợ xấu, tạo bất ổn cho nền kinh tế.
Đồng thời, trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục tăng lên, các tổ chức tín dụng cần chia sẻ khó khăn chung của nền kinh tế, nâng cao năng lực quản trị tài chính, đẩy mạnh đầu tư để cắt giảm chỉ phí và đảm bảo ổn định lãi suất cho vay và đồng thời giảm lãi suất ở một số các lĩnh vực như Bộ trưởng Bộ Công Thương đã nói ở lĩnh vực xăng dầu.
Thị trường vốn vẫn còn nhiều rủi ro
Lo ngại về hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhiều rủi ro, thiếu các công cụ giám sát an toàn hệ thống giao dịch thiếu lành mạnh, đại biểu Nguyễn Thành Trung (tỉnh Yên Bái) cho rằng, để đảm bảo ổn định thị trường tài chính, ổn định thị trường vốn, góp phần phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, Chính phủ cần quan tâm đến việc tăng lãi suất cơ bản và điều chỉnh biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết.
“Cần có các kịch bản chủ động trong điều hành lãi suất tỷ giá cùng với các biện pháp hữu hiệu để vừa đảm bảo huy động, khơi thông các nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh vừa kiểm soát lạm phát.
Khẩn trương rà soát và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập thời gian qua để phát triển lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, đại biểu Nguyễn Thành Trung lưu ý.