Đó là lo lắng chung về tình hình phát triển doanh nghiệp mà các đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận về Kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 sáng 27/10.
Theo đại biểu Nguyễn Đại Thắng (tỉnh Hưng Yên), bên cạnh sự gia tăng của doanh nghiệp, thành lập mới, trong 9 tháng đầu năm 2022, trung bình mỗi tháng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn bình quân của năm 2020 và năm 2021.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tăng cao số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là khó khăn về tài chính và chi phí đầu vào sản xuất.
“Trong khi đó, Nghị quyết 43 của Quốc hội đến thời điểm hiện nay tỉ lệ giải ngân theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn đạt thấp, tính đến cuối tháng 9 đạt 20%. Gói hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại có tỷ lệ giải ngân đạt rất thấp, đạt 13,5 tỉ, trên 16.035 tỷ đồng”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (tỉnh Hưng Yên) quan ngại.
Nhìn nhận về những khó khăn của doanh nghiệp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Tp. HCM) cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh cho một số ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn về vốn, tỷ giá, lao động, về thuế và phí.
Tuy vậy, khi triển khai Nghị quyết 43 thì có nhiều gói triển khai thuận lợi nhưng có gói không thuận lợi, cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
“Cho đến nay, chúng ta giải ngân chưa đạt so với kế hoạch vì do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, gói hỗ trợ miễn, gia hạn thuế thì chúng ta triển khai thuận lợi hơn và đến nay đã đạt được 72,5% so với kế hoạch”, đại biểu Trần Hoàng Ngân điểm lại.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (tỉnh Vĩnh Long), hai khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp hiện nay là đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng. Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu, tiếp tục mở rộng hỗ trợ tài khóa hướng đến khu vực doanh nghiệp mạnh mẽ hơn.
“Xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; tính toán thận trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế, phục hồi và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế", đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang nêu rõ.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (tỉnh Hưng Yên) đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đẩy nhanh việc cấp bù lãi suất nhằm thúc đẩy các ngân hàng mở rộng quy mô vốn vay cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt chú trọng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu kéo dài chính sách hỗ trợ về tài chính thuế đến hết năm 2023.
Đại biểu Tô Ái Vang (tỉnh Sóc Trăng) cũng cho rằng, Chính phủ cần rà soát và xây dựng lại các giải pháp nhằm tác động mạnh mẽ hơn để giúp các doanh nghiệp đủ sức vực dậy trong sản xuất kinh doanh, thể hiện quan điểm, cơ chế rõ ràng, thiết thực đối với những chính sách đã ban hành nhưng thời gian qua triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập.
“Hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã, hộ kinh doanh bằng cách: tiếp tục thực hiện các chính sách miễn thuế, giảm thuế và gia hạn thuế, phí, lệ phí; các chính sách cơ cấu lại nợ, điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp…”, đại biểu Tô Ái Vang nhìn nhận
Đặc biệt, trước tình lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế trong nước, đại biểu Phạm Hùng Thắng (tỉnh Hà Nam) đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chủ động, báo cáo Quốc hội để chủ động trong ứng phó chính sách phù hợp.
“Linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị các phương án sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, nhất là ưu đãi, vốn ưu đãi tín dụng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội”, đại biểu Phạm Hùng Thắng nêu ý kiến.
Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, Quốc hội và Chính phủ xem xét nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong hoàn cảnh khó khăn. Như vậy sẽ giúp được nhiều doanh nghiệp, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh.