Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, ước đến hết tháng 9, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước đã đạt 42,16% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân mới đạt 46,70%.
Đáng chú ý, cả nước vẫn còn 31/51 bộ, ngành và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đạt dưới 40%.
"Vẫn chưa đánh giá hết được tình hình"
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Trung (tỉnh Yên Bái), giải ngân vốn đầu tư công chậm là vấn đề hết sức đáng quan ngại và cũng là căn bệnh trầm kha của Việt Nam lâu nay. Có nhiều nguyên nhân khác nhau như chậm, việc lập kế hoạch đầu tư công còn hạn chế công tác chuẩn bị đầu tư, xác định danh mục dự án đầu tư còn hạn chế, việc chậm giải phóng mặt bằng, giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng cao cũng như năng lực tài chính, thi công còn hạn chế.
“Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu cần phải được Chính phủ lưu ý tìm ra nguyên nhân, hạn chế. Từ đó, đưa ra các giải pháp đẩy nhanh vốn đầu tư công”, đại biểu Nguyễn Thành Trung lưu ý.
Còn theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải (tỉnh Hà Nam), trong 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt tỉ lệ 46,7%. Đại biểu đặt câu hỏi, còn 3 tháng cuối năm liệu các bộ ngành, địa phương có đạt được mục tiêu đề ra không? Dù thực hiện hết các biện pháp nhưng các công trình trọng điểm quốc gia vẫn không đúng tiến độ. Điều này cho thấy vẫn chưa đánh giá hết được tình hình, làm rõ hết những vướng mắc về cơ chế, thể chế chính sách yếu kém trong chính thực hiện.
“Có thể nói tiền có rồi, cơ chế chính sách Quốc hội đã mở hết rồi, nhưng tại sao vẫn chậm. Vốn giải ngân ODA rất thấp. Chúng ta vay về chịu lãi, mà vẫn không chịu giải ngân thì rất lãng phí”, đại biểu Trần Văn Khải quan ngại.
"Đó chính là công ăn việc làm, thu nhập của người dân"
Nhìn nhận về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có giải ngân từ nguồn vốn vay chỉ đạt 19,3% là rất thấp. Trong khi đó, đây là vốn đi vay, chi phí vốn rất cao. Nếu không đưa vào được nền kinh tế thì hết sức lãng phí cả về tiền bạc lẫn cơ hội.
Với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công, TP.Hà Nội đã xây dựng cơ chế đặt hàng - đây là giải pháp khả thi để đạt cùng lúc 2 mục tiêu.
“Hiện chúng ta đang cần có các hệ thống như đường sắt đô thị. Nếu chúng ta đặt hàng một tập đoàn mạnh trong nước xây dựng thì không bị lệ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài và chúng ta tự chủ trong việc phát triển đường sắt đô thị. Nó vừa giải quyết được vấn đề giải ngân vốn đầu tư công trước mắt và thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước”, ông Cường phân tích.
Còn theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP.Hà Nội), vướng mắc trong công tác giải ngân vốn đầu tư công hiện nay là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng có nhiều vấn đề. Cụ thể là việc đền bù đất tại rất nhiều dự án vướng mắc khiến cả dự án chậm trễ, tiến độ giải ngân cả dự án cũng vì vậy không đạt mục tiêu đề ra.
“Một trong các lý do vô cùng cơ bản là vấn đề đền bù mặt bằng để có đất là dự án thì hoàn toàn chưa ổn và gần như dự án nào cũng vướng cái này. Ngân sách đã cấp cho rồi, đất chưa có và cuối cùng phải trả vốn lại. Mong rằng trong lần Sửa đổi luật đất đai phải hết sức chú ý phải có đất, có mặt bằng để thực hiện dự án”, đại biểu Nguyễn Anh Trí lưu ý.
Các đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh, vốn đầu tư công chính là công ăn việc làm, là thu nhập của người dân. Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công một cách hiệu quả là vấn đề cấp bách hiện nay. Giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là động lực quan trọng cho quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch mà còn là giải pháp quan trọng cho mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.