Các hãng hàng không lãi "khủng" quý I/2024 có phải do giá vé tăng cao?

Bối cảnh giá vé máy bay neo cao, các đường bay quốc tế phục hồi đã giúp các hãng hàng không đều có lãi trong quý I/2024, dẫn đầu là Vietnam Airlines với lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục hơn 4.440 tỷ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Ông lớn” hàng không lãi kỷ lục

Theo số liệu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã ACV), trong quý I/2024, sản lượng hành khách thông qua các sân bay do ACV quản lý đạt hơn 27,9 triệu khách, tăng 1% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, hành khách quốc tế đạt gần 10,5 triệu lượt, tăng 47,2% so với cùng kỳ 2023; hành khách quốc nội đạt gần 17,5 triệu lượt, giảm 15% so với cùng kỳ. Sản lượng hàng hóa - bưu kiện cũng tăng 22,6% so với cùng kỳ 2023, đạt 349.631 tấn. Doanh thu tăng trưởng của ACV đạt 5.644 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế kỷ lục 2.921 tỷ đồng (tăng 79%).

Báo cáo tài chính quý I/2024 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã HVN) cho thấy tổng doanh thu hợp nhất quý I (gồm doanh thu thuần, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác) của công ty đạt hơn 31.700 tỷ đồng, tăng 32,8% so với cùng kỳ. Doanh thu thuần đạt gần 28.270 tỷ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu trong một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.

Sự hồi phục ấn tượng của mảng khai thác bay quốc tế cùng với yếu tố mùa vụ cao điểm là các nhân tố chính thúc đẩy tăng trưởng của Vietnam Airlines. Cụ thể, doanh thu từ mảng vận tải hàng không quốc tế mang về cho Vietnam Airlines hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 30,4% so cùng kỳ năm 2023; đóng góp 65% vào doanh thu vận tải hàng không của hãng hàng không quốc gia, tăng gấp 3 lần so với vùng đáy năm 2021.

Bên cạnh đó, các công ty con kinh doanh có lãi cũng đóng góp tích cực cho kết quả kinh doanh chung của Vietnam Airlines.

Với việc đạt doanh thu cao nhất lịch sử trong quý I/2024, Vietnam Airlines đã ngắt mạch chuỗi 16 quý thua lỗ liên tiếp và báo lãi sau thuế kỷ lục hơn 4.441 tỷ đồng, đảo chiều ngoạn mục so với mức lỗ 37 tỷ đồng cùng kỳ.

hvn.png

Tương tự, sự phục hồi của thị trường hàng không quốc tế cùng với giai đoạn kinh doanh cao điểm cũng là những yếu tố giúp Công ty CP Hàng không Vietjet (mã VJC) ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội trong quý đầu năm 2024.

Trong ba tháng đầu năm, Vietjet đã mở mới 15 đường bay quốc tế và quốc nội, nâng tổng số đường bay lên 140; khai thác gần 34.500 chuyến bay, vận chuyển được hơn 6,3 triệu lượt hành khách. Nhờ tiếp tục chiến lược mở rộng mạng bay quốc tế, vận tải hành khách quốc tế trong quý I/2024 của Vietjet đã tăng trưởng hơn 53% và 61% về số lượng chuyến bay và lượt khách so với cùng kỳ 2023.

Kết quả, quý I/2024, Vietjet ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt lần lượt 17.792 tỷ đồng và 539 tỷ đồng, tăng 38% và 212% so với cùng kỳ 2023.

Trong khi đó, Vietravel Airlines cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong 3 tháng đầu năm 2024 với doanh thu hơn 491 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ và lãi ròng 10,1 tỷ đồng. Đây cũng là quý lãi đầu tiên của hãng hàng không này sau 3 năm đi vào khai thác. Kết quả trên là tiền đề để Vietravel Airlines đặt mục tiêu đạt doanh thu xấp xỉ 1.050 tỷ đồng trong quý II/2024.

Lãi lớn do giá vé tăng cao?

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính của việc các hãng bay lãi "khủng" là do giá vé máy bay tăng cao, nhất là trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua.

Tuy nhiên, theo giải trình từ Vietnam Airlines, lợi nhuận quý I của hãng bay tăng mạnh do đây là giai đoạn kinh doanh cao điểm trong ngành hàng không. Tổng công ty tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp quyết liệt trong điều hành hoạt động kinh doanh: tối ưu hóa, nâng cao hiệu suất sử dụng đội bay, nguồn nhân lực; cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ, lãi suất... lãi gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ trong báo cáo mẹ và hợp nhất quý I/2024 đạt trên 12,9% doanh thu.

Tổng doanh thu và thu nhập khác quý I của công ty mẹ tăng 25,4% so với cùng kỳ (tăng hơn 4.568 tỷ đồng) chủ yếu do doanh thu cung cấp dịch vụ tăng 23,6%, tương đương tăng hơn 4.179 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước do thị trường vận tải phục hồi mạnh, tổng công ty đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết các đường bay quốc tế đã được khai thác (so với giai đoạn trước COVID) và mở thêm các đường bay mới.

Cùng với đó, tốc độ tăng tổng doanh thu và thu nhập khác của quý I/2024 tăng nhanh hơn so với tốc độ tăng tổng chi phí dẫn đến công ty mẹ lãi gộp về cung cấp dịch vụ đạt hơn 3.520 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng mạnh hơn 1.636 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I/2024 tăng mạnh so với cùng kỳ chủ yếu do công ty mẹ và các công ty con kinh doanh đều kinh doanh có lãi so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, việc Pacific Airlines đàm phán trả toàn bộ tàu bay đang thuê cho chủ tàu và xử lý các khoản nợ đã giúp Vietnam Airlines ghi nhận tăng đột biến khoản mục thu nhập khác hơn 3.630 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào lợi nhuận hợp nhất quý I/2024.

Dù "anh cả" của ngành hàng không đã giải trình rõ về nguyên nhân lãi lớn nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là giá vé máy bay trong quý I đã tăng rất cao và sẽ chưa thể "hạ nhiệt" khi mà vẫn còn nhiều yếu tố tác động như việc từ ngày 1/3 trần giá vé máy bay tăng từ 2,3 - 6,7% trên hầu hết các chặng nội địa, cộng thêm việc một số hãng phải thu hẹp đội tàu bay do tái cơ cấu (Bamboo Airways thu hẹp đội bay còn 7-8 tàu bay, dừng khai thác các chặng bay ít hiệu quả; Pacific Airlines trả hết tàu bay từ cuối tháng 3). Hay Vietnam Airlines, Vietjet Air phải tạm dừng khai thác 42 máy bay Airbus A321 để kiểm tra các vấn đề liên quan đến động cơ Pratt&Whitney sử dụng trên dòng tàu bay này.

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, giá vé một số chặng bay như Hà Nội - Nha Trang lên tới 6-7 triệu đồng/vé khứ hồi, chặng Hà Nội - Phú Quốc có thời điểm hơn 8 triệu đồng/vé khứ hồi, hay các chặng phổ biến hơn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đi Đà Nẵng cũng từ 3,5-4 triệu đồng/vé,... đã buộc một lượng khách nội địa chuyển sang lựa chọn phương tiện di chuyển khác.

Để kiểm soát giá vé máy bay, nhất là sau khi diễn ra tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao trong dịp cao điểm, ngày 3/5, Bộ Giao thông vận tải vừa phát công văn yêu cầu Vụ Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam kiểm tra, rà soát tình trạng giá vé máy bay nội địa tăng cao, khẩn trương báo cáo Bộ trước ngày 10/5.

Bộ cũng giao Vụ Vận tải chủ động theo dõi, kịp thời tham mưu cho bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách, tăng cường các giải pháp phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân, bình ổn giá vé, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định, đặc biệt là dịp cao điểm hè sắp tới.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE