GDP quý III/2024 vượt dự báo, ước tăng 7,4%

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý III/2024 ước tính tăng 7,4% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, GDP ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý III/2024 và 9 tháng năm 2024.

Sáng 6/10, Tổng cục Thống kê họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý III/2024 và 9 tháng năm 2024.

Khu vực nông nghiệp tăng trưởng thấp nhất 4 năm do ảnh hưởng bởi bão Yagi

Thông tin tại họp báo, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mức tăng trưởng quý III/2024 như vậy đã vượt dự báo gần đây của một số tổ chức quốc tế. Gần nhất, trong báo cáo cập nhật kinh tế về Việt Nam công bố sáng 5/10, Ngân hàng Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam xuống 5,1% so với cùng kỳ (thay vì 6% hồi cuối tháng 4). Trước đó, Ngân hàng UOB của Singapore cũng hạ dự báo GDP của Việt Nam trong quý III xuống mức 5,7% (giảm 0,3 điểm % so với mức 6% trước đó) sau khi tính đến những yếu tố ảnh hưởng từ bão Yagi.

Theo Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê, trong mức tăng trưởng quý III/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,58%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020-2024, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,11%, đóng góp 48,88%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41%, đây là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây; khu vực dịch vụ tăng 7,51%, đóng góp 47,04%.

Về sử dụng GDP quý III/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 59,78% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 7,08%, đóng góp 39,03%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,84%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 1,19%.

Mức tăng trưởng 7,4% của GDP quý III đã đưa GDP 9 tháng năm 2024 ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê lý giải, trong quý III/2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cơn bão số 3 vào tháng 9/2024 nên tăng trưởng chậm lại so với cùng kỳ các năm trước. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2024 tăng 3,2%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2020-2024. Trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp tăng 2,92% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,96% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,73%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.

Quảng cáo

Bù lại, khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2024 tăng 8,34% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,71 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 9,76%, đóng góp 2,44 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 7,48%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm.

Bên cạnh đó, các ngành thương mại, du lịch, vận tải duy trì đà tăng trưởng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của toàn nền kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ chín tháng năm 2024 tăng 6,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành dịch vụ có tỷ trọng đóng góp lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như bán buôn và bán lẻ tăng 7,56% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,78 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 11,03%, đóng góp 0,70 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,47%, đóng góp 0,38 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,48%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,64%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,1%; khu vực dịch vụ chiếm 42,8%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,46% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2023 là 11,8%; 36,98%; 42,61%; 8,61%).

Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,18% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 62,66% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,86%, đóng góp 36,68%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,05%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,66%.

Mục tiêu tăng trưởng năm 2024 từ 6,8-7% vẫn là thách thức

Đánh giá vể mức tăng trưởng 9 tháng ước đạt 6,82%, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng đây là mức tăng trưởng tích cực, các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; sản xuất công nghiệp trên đà tăng trưởng tích cực; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản mặc dù bị thiệt hại nặng nề do bão lụt nhưng vẫn duy trì tăng trưởng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Cùng với đó, cung cầu hàng hóa vẫn bảo đảm cho tiêu dùng nội địa; xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đạt mức tăng cao; ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ; vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tiếp tục duy trì mức tăng khá...

Bước sang quý IV/2024, bà Hương nhận định nền kinh tế - xã hội tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu nhiều tác động trước những rủi ro, bất ổn trên thế giới về kinh tế, chính trị, thiên tai, dịch bệnh.

"Mục tiêu tăng trưởng từ 6,8-7% của năm 2024 là thách thức lớn", bà Hương nhìn nhận và đề nghị các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với mọi tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả các mục tiêu tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tối đa cho khu vực doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.

Đồng thời, cần đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, khai thác tối đa thị trường thế giới, đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu. Thực hiện quyết liệt nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024; tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu...

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do tác động của bão Yagi, GDP cả năm có thể giảm 0,15 điểm % so với kịch bản không có bão Yagi (6,8-7%).

Sau khi tính toán tác động của bão Yagi và các nỗ lực tái thiết, một số tổ chức quốc tế đã điều chỉnh dự báo GDP của Việt Nam. Theo đó, Ngân hàng UOB của Singapore hạ dự báo GDP năm 2024 của Việt Nam xuống còn 5,9% (giảm khoảng 0,1% điểm % so với dự báo trước đó là 6%).

Ngược lại, trong báo cáo triển vọng phát triển châu Á (ADO), ADB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP cho Việt Nam là 6% năm nay và 6,2% năm 2025 như báo cáo tháng 4 và tháng 7 trước đó nhờ các đơn đặt hàng mới dần quay trở lại và tiêu dùng phục hồi đã khôi phục tăng trưởng sản xuất trong nửa đầu năm và đà tăng mạnh mẽ hơn được kỳ vọng sẽ tiếp tục trong cả năm. “Kinh tế Việt Nam phục hồi cũng được hỗ trợ bởi sự khôi phục của các ngành dịch vụ và sản lượng nông nghiệp ổn định”, ADB nêu rõ.

Tương tự, Ngân hàng HSBC vẫn giữ dự báo kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng GDP cả năm 2024 và 2025 là 6,5% nhờ Chính phủ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ một loạt ngành kinh tế trong nước. "Chúng tôi tin rằng những khả năng tích cực tiềm tàng có thể bù đắp cho tổn thất kinh tế tạm thời do siêu bão Yagi gây ra", HSBC nhận định.

Tại Hội nghị về khắc phục hậu quả bão Yagi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh mặc dù những mất mát, thiệt hại do siêu bão Yagi là một tham số cần phải tính đến, song Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu tăng trưởng 7% năm nay.



Theo Thoidai.com.vn Sao chép

Cùng chuyên mục Tiêu điểm

SeABank ra mắt Định vị giá trị mới dành cho khách hàng SeAPremium

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) vừa tổ chức thành công giải golf SeAPremium Master 2024, một sự kiện kết nối đẳng cấp dành riêng cho khách hàng ưu tiên tại sân golf Legend Valley Country Club.

Dư nợ cho vay của Chứng khoán KB thu hẹp hơn 15% so với quý trước Giá vàng ổn định sau lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Châu Á sẽ là điểm đến được ưa thích nhất của khách du lịch Mỹ năm 2025

Skyscanner dự báo chi phí vé máy bay và khách sạn sẽ quyết định lựa chọn điểm du lịch của người Mỹ trong năm 2025, với châu Á là điểm đến được ưa thích nhất

Các nền kinh tế châu Á sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu Giá vàng châu Á hướng đến tuần tăng thứ ba liên tiếp

Giải mã thông điệp được gửi gắm trong bộ sưu tập Vàng 24K năm Ất Tỵ của DOJI

Không chỉ mang giá trị thẩm mỹ, hệ sinh thái sản phẩm vàng 24K năm Ất Tỵ của DOJI còn chứa đựng những thông điệp tinh thần độc đáo, gợi mở hành trình chinh phục thành công và thịnh vượng trong năm mới.

Giá vàng thế giới nối dài đà tăng Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế nhằm hạn chế đầu cơ bất động sản

Đề xuất đầu tư tuyến đường gần 800 tỷ, dài 5,7km kết nối với cao tốc Tp.HCM

Dự án Hương lộ 2 nối dài, đoạn 2 kết nối với đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây được xem là một trong số ít tuyến đường lớn có khả năng tháo gỡ các “nút thắt” về hạ tầng giao thông, phục vụ hoạt động đi lại trên địa bàn TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng

Chính thức thi công dự án gần 1.500 tỷ đồng nâng cấp tuyến đường kết nối sân bay Long Thành, dự kiến hoạt động từ năm 2026 Tuyến đường sắt hơn 200 tỷ đồng, 31 ga, tốc độ 160km/h sẽ đi qua 9 tỉnh, thành phía Bắc nào?