Tuy vậy, theo chia sẻ từ Hiệp hội này, dù doanh nghiệp đã thực hiện nhiều hoạt động như thay thế lò hơi điện, lắp đặt điện mặt trời áp mái, xử lý nước, tái sử dụng nước thải… song số lượng rất khó có thể đong đếm do sự thiếu đồng đều giữa các doanh nghiệp. Rào cản chính là nguồn đầu tư lớn và thiếu chính sách khuyến khích, hỗ trợ đi kèm.
Tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững. Ở ngành dệt may - da giày, vấn đề xanh hóa đã được doanh nghiệp ngành này đặc biệt quan tâm trong những năm qua.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, việc xanh hóa ngành dệt may không chỉ góp phần vào việc thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh mà còn thực hiện yêu cầu cũng như quy định của các thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới.
Cụ thể như Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra chiến lược về dệt may; trong đó yêu cầu ngay từ khâu thiết kế phải đảm bảo là thiết kế sinh thái và quá trình sản xuất cũng như tiêu dùng phải đảm bảo là tiêu dùng bền vững. Cùng với đó, sản xuất tiêu dùng nhanh sẽ được thay thế bằng sản xuất tiêu dùng bền vững. Sau khi tiêu dùng xong, sản phẩm có thể có khả năng tái chế lại và tái sử dụng để đảm bảo ít gây ô nhiễm môi trường.
Các quy chuẩn này sẽ ngày càng cao; nếu doanh nghiệp không đáp ứng được yêu cầu sẽ bất lợi khi xuất khẩu vào những thị trường này. Đây là vấn đề mà doanh nghiệp phải tập trung triển khai nhanh nếu như muốn khai thác tốt những thị trường như Mỹ hay EU và các thị trường lớn khác.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may Việt Nam, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.
Theo ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, ngoài câu chuyện nhà máy xanh, một yếu tố nữa phải nói đến là nguyên liệu xanh. Hiện nay, rất nhiều khách hàng yêu cầu May 10 phải sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên, nguyên liệu tái chế để không khai thác nhiều nguồn tài nguyên và sau khi sử dụng xong chỉ 5-10 năm tự phân huỷ. Đó chính là mục tiêu May 10 đang tập trung triển khai. Đây không chỉ là xu hướng của sản xuất trên thế giới mà chính là yêu cầu, áp lực của những khách hàng nhập khẩu.
“Xanh hóa” để tăng xuất khẩu là điều nhiều doanh nghiệp ngành dệt may hướng đến. Nhưng “xanh hóa” cũng là để giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, giảm chi phí sản xuất. Ngành thép là một trong những ngành tiêu tốn năng lượng cho sản xuất nhiều nhất. Nhưng tại Khu liên hợp gang thép Dung Quất, việc tự chủ khoảng 75% điện cho sản xuất giúp doanh nghiệp này tiết kiệm khoảng 8.000 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Hoàng Ngọc Phượng, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện, Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho hay, ngay từ khi xây dựng, công ty đã đầu tư dây chuyền hiện đại, tận dụng mọi nguồn nhiệt, khí dư thừa trong quá trình luyện gang thép để nâng cao hiệu suất phát điện, tiết kiệm chi phí sản xuất tại khu liên hợp. Ngoài sử dụng nhiệt dư luyện coke để phát điện, hiện nay, nhà máy đang tận dụng khí than dư thừa trong quá trình luyện gang, luyện thép làm nhiên liệu cho nồi hơi để phát điện.
Hạng mục phát điện nhiệt dư là một công trình đầu tư bảo vệ môi trường của công ty, giúp tái tạo năng lượng mà không dùng tới nhiên liệu hóa thạch. Đây cũng là một nhiệm vụ chung của các công ty sản xuất công nghiệp trong tiến trình trung hòa carbon, làm tiền đề để cấp chứng nhận sản xuất thép xanh (Green steel), hướng tới xanh hóa trong hoạt động sản xuất, ông Hoàng Ngọc Phượng cho biết thêm.
Với các tổ máy hiện có, năng lực phát điện của nhà máy có thể đạt được 2,7 tỷ kWh/năm, góp phần tiết kiệm năng lượng, tự chủ điện cho sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, giảm tải áp lực điều độ hệ thống điện quốc gia, nhất là những tháng nắng nóng cao điểm.
Được thành lập 5 năm qua, Ủy ban Phát triển bền vững thuộc Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động giúp xanh hóa ngành dệt may và đã có tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp trong ngành. Tuy vậy, theo nhận định từ các chuyên gia, việc sản xuất xanh không dễ dàng thực hiện trong một sớm một chiều với các doanh nghiệp. Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho hay, ở ngành cơ khí nói riêng và nhiều ngành lĩnh vực nói chung, đặc biệt phần lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không phải doanh nghiệp nào cũng có nhận thức đúng về vấn đề này để chuẩn bị tốt nhất cho vấn đề xanh hóa.
Ngoài ra là vấn đề về tài chính. Nhu cầu về vốn rất lớn, doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất sạch, tuần hoàn phải có đủ tiềm lực về tài chính để thực hiện. Cuối cùng là về con người, đào tạo nhân lực để đáp ứng yêu cầu “xanh hóa” của doanh nghiệp vẫn còn yếu.
Dù vậy, theo các chuyên gia, doanh nghiệp là người hiểu rõ nhất về thế mạnh của mình để chủ động chuyển đổi sản xuất, phát huy nội tại. Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội đổi mới hoạt động kinh doanh dựa trên những lợi thế cũng như khó khăn cần khắc phục.
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, để đẩy nhanh quá trình xanh hóa, ngoài việc các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư nâng cấp máy móc, công nghệ thì sự hỗ trợ thiết thực từ nhà nước cũng rất quan trọng. Có thể kể đến như các chương trình tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật; tăng cường tiếp cận vốn tín dụng cho dự án đầu tư xanh; phát triển nguồn nhân lực và tài trợ về mặt nghiên cứu đối với những dự án đầu tư xanh của doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật môi trường…
Ông Trịnh Đức Chiều, Phó Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cũng chia sẻ, trong giai đoạn đầu của quá trình kinh doanh tuần hoàn, vai trò của nhà nước là đặc biệt quan trọng, trước hết trong xây dựng khung pháp luật, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua những thách thức, khó khăn khi chuyển đổi mô hình kinh doanh sang tuần hoàn…