Xuất khẩu điều giảm mạnh; lạm phát tăng cao buộc các nhà nhập khẩu nhân điều phải thay đổi phương thức kinh doanh, họ không còn mua dự trữ nhân điều với số lượng lớn mà bán hết tới đâu mua tới đó. Đầu ra đã khó khăn khiến các doanh nghiệp xuất khẩu nhân điều gặp khó khăn về tài chính; họ phải hạ giá bán để hút khách hàng, dẫn đến kết quả xuất khẩu nhân điều 10 tháng đầu năm giảm mạnh về lượng và giá trị.
Hiện Việt Nam là nước đứng đầu về chế biến và xuất khẩu nhân điều, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng của thế giới, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu điều đang trông chờ tín hiệu của thị trường xuất khẩu khởi sắc hơn để đảm bảo biên độ lợi nhuận.
Các thị trường top đều giảm mạnh
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu nhân điều tháng 10/2022 đạt 44.308 tấn, trị giá 265,669 triệu USD, tăng 15,6% về lượng và tăng 13,4% về kim ngạch so với tháng trước. Nhưng cộng dồn 10 tháng xuất khẩu nhân điều đạt 424.829 tấn, trị giá 2,545 tỷ USD, giảm 11,6% về lượng và giảm 15,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nhân điều sang thị trường số 1 Hoa Kỳ đạt 119.391 tấn, trị giá 700,289 triệu USD, giảm 19,87% về lượng và giảm 20,47% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai sau Hoa Kỳ, 10 tháng qua xuất khẩu nhân điều sang thị trường này 59.871 tấn, trị giá 356,18 triệu USD, giảm 12,46% về lượng và giảm 29,22% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Đứng thứ ba là thị trường Hà Lan, 10 tháng qua xuất khẩu nhân điều vào thị trường này đạt 45.228 tấn, đạt giá trị 246,211 triệu, giảm 22,38% về khối lượng và giảm 22,92% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường Đức đứng thứ tư với khối lượng xuất khẩu trong 10 tháng qua đạt 14.813 tấn, trị giá 91,268 triệu, giảm 14,38% về khối lượng và giảm 16,29% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường Úc đứng thứ năm với khối lượng xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm đạt 13.461 tấn, trị giá 80,302 triệu USD, khối lượng giảm không đáng kể nhưng kim ngạch giảm gần 4% do giá xuất khẩu giảm.
Theo ông Tạ Quang Huyên - Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Giám đốc công ty Hoàng Sơn 1, có 3 lý do khiến xuất khẩu nhân điều 10 tháng đầu năm nay giảm mạnh về khối lượng và trị giá.
Thứ nhất, năm ngoái mua các nhà nhập khẩu nhiều nên năm nay họ giảm mua, cộng với tình hình kinh doanh khó khăn để đỡ phải chịu lãi suất ngân hàng nhà nhập khẩu các nước cắt giảm tồn kho, như thế vô hình chung đẩy tồn kho sang phía doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, đồng USD tăng giá mạnh cùng với lãi suất ngân hàng tăng cao, khiến đồng USD mạnh lên rất nhiều so với các đồng tiền khác, như: Đồng Euro (EUR) mất 12% so với đồng USD, Yên Nhật Bản (JPY) mất 20%, Won Hàn Quốc (KRW), Nhân dân tệ Trung Quốc (CNY) mất từ 8% - 10%… vì vậy, các nhà nhập khẩu phải tăng giá bán tương đương mức độ mất giá của đồng nội tệ.
Thứ ba, trong điều kiện kinh tế khó khăn bị lạm phát cao, đồng tiền mất giá nhưng hàng hóa lại tăng giá khiến người tiêu dùng các nước phải cắt giảm chi tiêu những loại thực phẩm không thiết yếu trong đó có nhân điều. Kinh doanh khó khăn các doanh nghiệp xuất khẩu có tiềm lực kinh tế yếu chấp nhận bán hàng giá thấp.
“Theo thông lệ, nhà nhập khẩu sẽ mua hàng với khối lượng lớn và để tồn kho gối đầu từ 3 đến 4 tháng rồi bán ra từ từ nhất là giai đoạn các tháng cuối năm, nhưng nay lãi suất cao bắt buộc họ phải thay đổi phương thức kinh doanh là giảm tồn kho, và lượng hàng mua dự trữ chỉ trong vòng một tháng chứ không mua nhiều như trước đây, mua tháng nào bán tháng đấy hết hàng mới mua vào.
Do tình hình lạm phát ở các nước tăng cao người dân ít tiền hơn nên đối với các mặt hàng như xăng dầu, bánh mì và các loại thực phẩm thiết yếu khác buộc phải mua, nhưng hạt điều là thức ăn phụ lại là thực phẩm có giá trị cao nên người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu.
Kinh tế thị trường là vậy, khi lên, lúc xuống là chuyện bình thường nhưng việc tiêu thụ nhiều hay ít đôi khi cũng chưa hẳn làm cho doanh nghiệp lỗ, vì vấn đề kinh doanh còn phụ nhiều vào yếu tố nội tại”, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam nói.
Việt Nam có thể thu 300 - 400 triệu USD/năm từ vỏ hạt điều
Trong khi xuất khẩu nhân điều sụt giảm mạnh gây khó khăn doanh nghiệp thì việc giá bán dầu vỏ điều có thể bù khoảng 10% doanh thu, giúp các doanh nghiệp điều giảm lỗ.
Bởi thời gian gần đây vỏ hạt điều không còn bị xem là rác phải đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường mà có thể ép lấy dầu. Dầu vỏ điều được sử dụng làm chất đốt công nghiệp với giá thành rẻ hơn khoảng 60% so với dầu FO, có năm khi giá nhân điều giảm mạnh thì giá bán vỏ điều sẽ bù khoảng 10% doanh thu giúp các doanh nghiệp thoát lỗ.
Hiện 1 tấn vỏ hạt điều khô có thể sản xuất được khoảng 154 kg dầu và do không phải cạnh tranh với nước nào nên Việt Nam có thể thu 300 - 400 triệu USD/năm từ vỏ hạt điều.