Theo đó, phát biểu tại diễn đàn trên, TS. Đinh Thế Hiển đánh giá, động lực cho tăng trưởng ở quý I/2024 đã tăng so với cùng kỳ trong 5 năm vừa qua. Giới chuyên môn cho rằng, đã vượt qua Covid và vào giai đoạn phục hồi. Tất cả các khoản về đầu tư đều tăng trưởng. Cung tiền về đầu tư hạ tầng của Chính phủ chưa đạt kỳ vọng nhưng FDI vẫn sáng, Việt Nam vẫn là điểm đến của FDI - động lực mạnh nhất, rõ nhất cho đô thị hóa.
Quý I tăng trưởng xuất khẩu, xuất siêu phục hồi rất mạnh, đạt hơn 8 tỷ USD. Tuy nhiên, lạm phát tăng trở lại 3,77%, cao hơn hơn các năm trước nhưng vẫn có niềm tin Chính phủ đủ nguồn lực kiềm chế lạm phát vì nguồn thu vẫn tốt.
Mặc dù vậy, theo ông Hiển, trong năm 2024 vẫn thấy khá nhiều điểm cản trở dòng tiền đầu tư do khó khăn là trái phiếu phải xử lý năm 2024 lên tới 382.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, những khó khăn này không làm cản trở sản xuất, mà chỉ cản trở đầu tư.
Ảnh minh họa
Về nợ xấu, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng là điều không bất ngờ, bởi nhiều năm nay ngân hàng đầu cơ khá nhiều mà không phải đầu tư.
Về dòng tiền cho doanh nghiệp bất động sản, ông Hiển đánh giá là xấu nhất trong vòng 5 năm qua. Hệ thống thanh toán tiền mặt cũng thấp nhất trong 5 năm vừa qua, khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn rất lớn về dòng tiền.
“Vàng và tỷ giá tăng rất mạnh, tỷ giá hiện tăng trên 5%, điều này hạn chế cung tiền của Chính phủ. Từ đó, dòng tiền tiếp tục khó khăn cho quý I và quý II năm nay. Các doanh nghiệp bất động sản có kết quả kinh doanh không tốt sẽ khó tiếp cận được vốn ngân hàng. Tiêu dùng vẫn hạn chế do việc làm chưa phục hồi và nhóm trung lưu phải giải quyết nợ vay bất động sản”, TS. Đinh Thế Hiển đánh giá.
Nhận định chung về triển vọng dòng tiền 2024, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, dòng tiền sẽ cải thiện dần dần từ quý III/2024. Xuất khẩu từng bước phục hồi, tạo việc làm và tiêu dùng sẽ cải thiện hơn. Đầu tư công và cung tiền của Chính phủ cải thiện tạo nên dòng tiền mới.
Bên cạnh đó, niềm tin tiêu dùng dần dần phục hồi, giúp thương mại dịch vụ tăng. Khi tiêu dùng nội địa, niềm tin phục hồi, cũng tạo cơ hội cho dòng tiền xoay chuyển.
“Kinh tế Việt Nam sẽ cải thiện dần từ quý III/2024 từ tăng trưởng xuất khẩu và phục hồi tiêu dùng; nhưng các doanh nghiệp vẫn đối đầu với khó khăn về nguồn vốn. Năm 2023, nguồn cung tiền quan trọng cho bất động sản đều suy giảm. Sang năm 2024 có sự tăng nhẹ và phục hồi. Quan trọng, dòng tiền nhà đầu tư cá nhân vào bất động sản sẽ bắt đầu giải ngân ra từ quý III và quý IV và chiều hướng sẽ tốt lên từ quý III. Còn dòng tiền cho các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn khó khăn”, TS. Đinh Thế Hiển dự báo.
Theo TS.Đinh Thế Hiển, hiện nay nhà đầu tư cá nhân vẫn còn chùn tay, chưa có niềm tin vào sự phục hồi của thị trường nên chưa xuống tiền. Trong khi, nhà đầu tư lướt sóng không dám xuống tiền và nhà đầu tư trung hạn vẫn còn quan sát.
“Điểm sáng trong năm 2024 chỉ phục hồi cục bộ, xuất phát từ nhà đầu tư trung hạn giải ngân chưa nhiều và không có sự xoay vòng. Các công ty bất động sản niêm yết tiếp tục thua lỗ trong quý I/2024, điều này cho thấy, kinh doanh bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự chọn lọc, phục hồi là có; các quỹ đầu tư tầm nhìn trung hạn bắt đầu đặt cửa vào các công ty bất động sản”, TS. Đinh Thế Hiển nhận định.