Quay về eMagazine
NGÀNH THÉP: XUÂN ĐANG TỚI

NGÀNH THÉP: XUÂN ĐANG TỚI

Năm 2023, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng giảm khoảng 15% trong khi năm 2024 được dự báo sẽ hồi phục 11%. Động lực thúc đẩy tăng trưởng phần lớn tới từ sự hồi phục của thị trường xây dựng dân dụng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sản lượng thép thô toàn cầu sụt giảm mạnh, đạt 945,5 triệu tấn trong 9 tháng năm 2023, đến từ hầu hết các quốc gia sản xuất thép lớn trên thế giới. Một số khu vực có mức sụt giảm mạnh là EU (-9%), Mỹ (-2%).

Bên cạnh đó, giá bán thép xây dựng và HRC tại Trung Quốc duy trì mặt bằng giá thấp trong năm 2023 ở mức 550-600 USD/tấn. Do tình hình suy yếu tại thị trường bất động sản Trung Quốc kéo tụt nhu cầu cho các loại vật liệu xây dựng như thép, xi măng… Hoạt động sản xuất thép hồi phục mạnh trong giai đoạn giữa năm 2023 làm gia tăng nguồn cung trong bối cảnh các nhà sản xuất có lãi trở lại sau khi giá đầu vào (quặng, than) điều chỉnh giảm hỗ trợ biên lợi nhuận.

Với thị trường trong nước, do nhu cầu nội địa chưa có sự phục hồi rõ ràng, bất động sản thiếu hụt các dự án mới, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kế hoạch, cạnh tranh gay gắt với thép Trung Quốc, tiêu thụ thép xây dựng trong 9 tháng vẫn giảm 18% so với cùng kỳ, thép ống giảm 7% và tôn mạ giảm 4,3%.

LỘI NGƯỢC DÒNG

Tháng 11/2023, Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) đã sản xuất 623.000 tấn thép thô. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, thép chất lượng cao, phôi thép đạt 709.000 tấn, tăng 12% so với tháng 10 và tăng 60% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 3/2022.

Riêng thép xây dựng, thép chất lượng cao tăng 63% so với cùng kỳ đạt 410.000 tấn. Thép HRC Hoà Phát trong tháng 11 tương đương tháng trước với gần 270.000 tấn. Bán hàng thép cuộn cán nóng tại khu vực phía Bắc đạt kết quả khả quan, cụ thể là tăng 55% so với tháng 10. Ngoài ra, Hoà Phát còn cung cấp 37.000 tấn tôn mạ và 73.000 tấn ống thép các loại ra thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm hạ nguồn HRC này đạt mức tăng trưởng lần lượt 44% và 34% so với tháng trước.

Sự phục hồi của thị trường xây dựng nội địa sẽ là cơ hội lớn nhất cho Hoà Phát. Hoà Phát có lịch sử gia tăng thị phần trong giai đoạn thị trường khó khăn và bứt phá khi thị trường hồi phục nhờ ưu thế về chi phí Hoà Phát thường duy trì mức biến động sản lượng tích cực hơn so với toàn ngành.

Tuy nhiên, lũy kế 11 tháng, Hoà Phát đã sản xuất hơn 6 triệu tấn thép thô, giảm 14% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 5,96 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

bai-thep-a2-5332.png

Ngoài sản lượng tăng trở lại, giá bán thép xây dựng trong nước cũng đang có xu hướng hồi phục trở lại từ cuối tháng 11 sau 19 lần điều chỉnh giảm liên tiếp, chủ yếu do giá đầu vào tăng cao và những kỳ vọng ngắn hạn đối với thị trường thép Trung Quốc đã tác động phần nào đến giá thép Việt Nam.

Với tín hiệu tích cực từ thị trường, kết quả kinh doanh của Hoà Phát được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh. Theo SSI Research, mức lợi nhuận quý 4/2023 của Hoà Phát có thể đạt khoảng 2.300 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 2.000 tỷ đồng trong quý 4/2022.

Nhìn lại kết quả kinh doanh của Hoà Phát, quý 4/2022 là thời điểm lần đầu tiên trong lịch sử, Hoà Phát ghi nhận lỗ sau thuế gần 2.000 tỷ đồng, trong khi quý 3 lỗ gần 1.800 tỷ đồng. Đứng trước khó khăn của thị trường, Hoà Phát nhìn nhận năm 2022 như cơ hội thử thách sức bền và điều chỉnh chính sách quản trị để thích nghi. Hoà Phát thực hiện 3 giải pháp là điều chỉnh dư nợ vay về ngưỡng an toàn, cuối năm 2022 giảm hơn 12.000 tỷ đồng so với giữa năm. Cân đối lại tỷ trọng nợ vay nước ngoài để giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Đồng thời, nâng cao năng lực quản trị hàng tồn kho, giảm gánh nặng vốn lưu động và cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh. Do đó, tồn kho của Hoà Phát cuối năm 2022 giảm xuống mức thấp nhất trong 2 năm trở lại.

bai-thep-anh-chart-6541.png

Tương tự Hoà Phát, Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG) cũng cùng lúc thực hiện nhiều biện pháp đối phó với khó khăn như giảm nợ vay ngân hàng, tại thời điểm 1/10/2022 nợ vay ngân hàng của HSG là hơn 4.100 tỷ đồng, song đã giảm 1.250 tỷ đồng xuống còn 2.936 tỷ vào ngày 30/9/2023. Hoa Sen cũng nỗ lực hết sức trong việc đàm phán để có mức lãi suất tốt nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh nên chi phí lãi vay đã giảm 25%, từ mức 260 tỷ đồng trong niên độ tài chính 2021-2022 xuống còn 195 tỷ đồng trong niên độ tài chính năm 2022-2023.

Các khoản chi phí hoạt động cũng được Tập đoàn Hoa Sen quản lý hiệu quả, chẳng hạn chi phí bán hàng giảm 35%, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 24%, quản lý và theo dõi sát sao, đàm phán giá cước vận chuyển tốt nhất, tối ưu hoá hoạt động mảng logistics…

Theo đó, Tập đoàn Hoà Phát, Tập đoàn Hoa Sen lần lượt lội ngược dòng thành công. Niên độ tài chính 2022-2023, Tập đoàn Hoa Sen đã báo lãi 30 tỷ đồng sau kiểm toán, doanh thu hợp nhất đạt 31.650 tỷ đồng, nằm trong top 10 doanh nghiệp tư nhân có doanh thu lớn nhất Việt Nam năm 2023, tăng 1 bậc so với năm 2022.

Với Hoà Phát, sau 2 quý thua lỗ liên tiếp, kể từ đầu năm 2023 đặc biệt trong quý 3/2023 Hoà Phát cho thấy sự phục hồi so với cùng kỳ và quý liền trước.

BỆ ĐỠ TỪ BẤT ĐỘNG SẢN

Dự báo của một số chuyên gia, giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng giá thấp quanh 3.600-4.200 USD/tấn như hiện nay tới ít nhất nửa đầu năm 2024 do nhu cầu thép chưa hồi phục vì thị trường nhà ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu ấm lên với số nhà xây mới liên tục sụt giảm bởi nguồn vốn để phát triển dự án vẫn còn nhiều vướng mắc. Dựa vào chỉ số RMI (chỉ số bất động sản Trung Quốc) vốn có tương quan khá sát với biến động giá thép, chuyên gia Chứng khoán VCB (VCBS) đánh giá cao khả năng chu kỳ giá thép dò đáy ít nhất sẽ cần 6 tháng tới 1 năm sau những chính sách kích thích của chính phủ.

Sự đầu cơ giá thép tại Mỹ và EU có thể sẽ sớm kết thúc và thép HRC có thể sớm quay lại điều chỉnh trong bối cảnh nguồn cung thép giá rẻ tại châu Á sẽ sớm bù đắp phần nào thiếu hụt tại hai khu vực này.

Về thị trường trong nước, giá thép tại Việt Nam sau đà giảm liên tiếp đã đi ngang ở mốc 13,5 triệu đồng/tấn (thấp nhất) và hồi phục dần. Chỉ riêng tháng 12, Hoà Phát đã tăng giá bán lẻ thép 3 lần. Theo VCBS, mức giá 13,5 triệu đồng/tấn là mức đáy thép thanh do ở mức giá này các doanh nghiệp sản xuất thép bằng công nghệ lò điện EAF duy trì mức biên lợi nhuận gộp hoà vốn hoặc lỗ. Ngoài ra giá thép thanh trong nước hiện thấp ngang với giá Trung Quốc nhập khẩu nên tiềm năng giảm giá là không nhiều. VCBS dự báo có thể có sóng tăng giá sau nửa đầu năm 2024.

Đầu tư công năm 2024 cũng được dự báo sẽ bứt phá bởi dự án tồn đọng năm 2023 chuyển sang và gói kích thích kinh tế bổ sung của chính phủ.

Đặc biệt, ngành bất động sản nội địa, ngành chiếm 60% nhu cầu thép dần phục hồi sẽ là bệ đỡ cho nhu cầu ngành thép năm 2024. Thời gian qua nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho bất động sản đã được đưa ra, số dự án đang triển khai cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt tại miền Bắc và có sự phục hồi tại khu vực miền Nam, điều này giúp nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng có thể hồi phục trong các quý tới. VCBS ước tính tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng hồi phục 11% vào năm 2024.

ong-thep-hoa-sen-1700.jpg

Theo đó, sự phục hồi của thị trường xây dựng nội địa sẽ là cơ hội lớn nhất cho Hoà Phát. Hoà Phát có lịch sử gia tăng thị phần trong giai đoạn thị trường khó khăn và bứt phá khi thị trường hồi phục nhờ ưu thế về chi phí Hoà Phát thường duy trì mức biến động sản lượng tích cực hơn so với toàn ngành.

Sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen được dự báo phục hồi khi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU hồi phục do lạm phát đi xuống và kỳ vọng hạ lãi suất.

SSI Research dự báo, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và HRC lần lượt đạt 4,24 triệu tấn (tăng 15,3%) và 2,9 triệu tấn (tăng 4,7%) năm 2024. Mảng thép dự kiến sẽ phục hồi trong năm 2024 từ mức nền thấp của năm 2023 và lợi nhuận sau thuế của Hoà Phát dự báo sẽ tăng 82,4% lên 11.200 tỷ đồng.

Tương tự, sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen được dự báo phục hồi khi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU hồi phục do lạm phát đi xuống và kỳ vọng hạ lãi suất. Cùng với đó là việc thị trường bất động sản nội địa đang có dấu hiệu tốt trong việc phục hồi.

Dự báo của nhóm chuyên gia Công ty Chứng khoán MBS cho biết, lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép dự kiến tăng trưởng 40% so với cùng kỳ trong năm 2024 nhờ doanh thu dự kiến hồi phục 25% so với cùng kỳ nhờ sản lượng và giá bán tăng trưởng 9% và 8%. Biên lợi nhuận gộp phục hồi lên mức 13% (so với khoảng 8% của năm 2023) và chi phí tài chính giảm 30% so với cùng kỳ trong bối cảnh áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt.

Theo Ấn phẩm Sức mạnh nội lực

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE