Trong những ngày qua, nhiều phụ huynh chia sẻ trên mạng xã hội rằng họ nhận được cuộc gọi mạo danh với kịch bản "con đang cấp cứu ở bệnh viện", trong đó có nhiều người đã bị lừa số tiền từ 50-200 triệu đồng.
Cụ thể, chị H (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, khi chị đang đi làm thì nhận được số máy lạ tự xưng là giáo viên nhà trường. Người này thông báo con chị bị ngã từ tầng 3, đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nguy kịch.
Sau đó, chị được nối máy đến một người tự xưng là bác sĩ, yêu cầu chị chuyển tiền để phẫu thuật gấp. Nạn nhân đã 2 lần chuyển tiền với tổng số tiền là 200 triệu đồng vào tài khoản của người tự xưng là giáo viên nhà trường.
Đây là một hình thức lừa đảo qua điện thoại đã xuất hiện nhiều ở TP.HCM tuy nhiên hiện nay đang lan ra nhiều địa phương.
Bên cạnh hình thức trên, một chiêu trò lừa đảo khác xuất hiện mới đây cũng đang gây bức xúc dư luận. Lợi dụng thông tin từ sau 31/3/2023, các nhà mạng sẽ khóa một chiều những thuê bao không trùng khớp thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các đối tượng xấu đã liên tục nhắn tin kèm đường link chứa virus, gọi điện tới người dùng nhằm gây sức ép.
Nhiều người dùng di động cho biết đã nhận được cuộc gọi từ tổng đài tự xưng là đại diện nhà mạng, thậm chí là người của cơ quan quản lý nhà nước với thông báo, trong vòng hai tiếng nữa, nếu không thực hiện một số bước như chỉ dẫn sẽ bị khóa thuê bao, để giải quyết thì phải liên hệ tới số điện thoại tổng đài do kẻ xấu cung cấp.
Gọi lại chính số tổng đài thì phía đầu dây bên kia yêu cầu người dùng cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ, số CMND… để hỗ trợ kỹ thuật.
Sau khi nắm được thông tin cá nhân của nạn nhân, ngay lập tức đối tượng xấu dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kiểm soát chiếm đoạt tiền trong ví, tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.
Theo thông tin từ Bộ Công an, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi hơn, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau.
Nhiều chiêu trò lừa đảo thường gặp nay cũng liên tiếp xuất hiện trở lại như: các đối tượng giả danh cán bộ của các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, hải quan, cảnh sát giao thông… bịa đặt thông tin người được gọi liên quan đến một vụ việc đang bị điều tra, dùng lời lẽ đe dọa, khiến người được gọi hoang mang, buộc phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP… từ đó chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Giả danh người của các công ty, doanh nghiệp, ngành nghề (như bưu điện, xổ số, du lịch, giải trí…) gọi điện, nhắn tin cho người dân thông báo rằng họ trúng thưởng phần quà, chương trình khuyến mãi có giá trị cao hoặc đang có bưu phẩm từ nước ngoài gửi về, yêu cầu muốn nhận phần thưởng đó phải mua một sản phẩm hoặc chuyển trước một khoản tiền. Hoặc điền các thông tin cá nhân vào các đường link website giả mạo do các đối tượng gửi đến, từ đó, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của các bị hại.
Các đối tượng xấu cũng mạo danh là nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, ngân hàng, ví điện tử để hỗ trợ giải quyết các sự cố cho khách hàng hoặc hướng dẫn bị hại cách nâng cấp sim 4G-5G, đóng cước phí thuê bao điện thoại...
Khi lấy được lòng tin của bị hại và bị hại làm theo hướng dẫn của đối tượng, chúng sẽ yêu cầu bị hại cung cấp dãy số OTP được gửi đến điện thoại của bị hại, cung cấp tài khoản ngân hàng... từ đó chiếm đoạt tài sản.
Trước tình hình trên, lực lượng công an khuyến cáo người dân một số nội dung, chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh.
Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em, người thân để được tư vấn.
Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc tra cứu địa chỉ tố giác tội phạm trên chuyên mục “Hướng dẫn tố giác tội phạm” của Cổng thông tin điện tử Bộ Công an để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.
Thống kê hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong năm 2022, Bộ Công an đã khởi tố gần 500 vụ án và hơn 1.000 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, bằng con số của cả năm 2020, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021.