Năm 2023, lạm phát toàn cầu tuy có xu hướng giảm dần sau thời gian các nước đồng loạt tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nhưng so với mục tiêu dài hạn, mức lạm phát hiện tại vẫn ở mức cao đối với nhiều quốc gia.
Trước bối cảnh đó, trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Một tăng cao với mức tăng 4,89%, áp lực lạm phát rất lớn nhưng sau đó đã giảm dần, đến tháng 6/2023 mức tăng chỉ còn 2%, đến tháng 12/2023 tăng 3,58%, bình quân cả năm 2023 lạm phát ở mức 3,25%, thấp hơn mục tiêu 4,5% Quốc hội đề ra và là năm thứ 10 liên tiếp được kiểm soát theo mục tiêu.
Theo Tổng cục Thống kê, kết quả CPI năm 2023 được kiểm soát tốt là nhờ trong năm nhiều giải pháp được tích cực triển khai như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1/7/2023; giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản;... Nhờ đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm.
Ngoài ra, giá một số mặt hàng giảm theo giá thế giới cũng đã góp phần giúp giảm áp lực lạm phát như giá xăng dầu bình quân năm 2023 giảm 11,02% so với năm 2022, giá gas giảm 6,94%.
“CPI năm 2023 tăng 3,25% là mức lạm phát phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm qua. Kết quả này là điểm sáng của kinh tế Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thị trường hàng hóa thế giới nhiều biến động, các quốc gia trên thế giới phải nỗ lực để ghìm cương lạm phát. Mức lạm phát này sẽ tạo đà cho kiểm soát lạm phát năm 2024”, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) đánh giá.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, lạm phát năm 2023 của Việt Nam cơ bản được kiểm soát tốt đã tạo tác động tích cực trong việc giữ vững các cân đối vĩ mô, giữ giá trị đồng Việt Nam ổn định so với đồng đô la Mỹ.
“Lạm phát của Việt Nam trong năm 2023 không quá cao. Rõ ràng đây là một thành công rất lớn trong điều hành chính sách, quản lý kinh tế của Việt Nam, để giữ ổn định kinh tế vĩ mô cũng như các cân đối lớn của nền kinh tế, giúp tăng cường thu hút đầu tư và đẩy mạnh các hoạt động kinh tế”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận.
Theo TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, lạm phát năm nay chủ yếu do chi phí đẩy và điều tiết giá của các mặt hàng do Nhà nước quản lý chứ sức cầu vẫn rất yếu. Do đó, lạm phát năm tới khó có thể tăng mạnh, chủ yếu do tổng cầu vẫn thấp.
Với nhận định trong năm 2024, kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tổng cầu có thể chưa tăng nhiều nên chưa tạo áp lực quá lớn đến lạm phát, bà Nguyễn Thu Oanh cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 của Quốc hội ở mức 4% - 4,5% là khả thi.
Theo phân tích của Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, lạm phát của Việt Nam năm 2024 chủ yếu vẫn do chi phí đẩy. Cụ thể, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, đồng đô la Mỹ tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu. Điều này có thể tạo áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất, qua đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng lên cao.
Cùng với đó, diễn biến của các cuộc xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas vẫn khó lường, có thể làm ảnh hưởng đến biến động giá năng lượng, gây đứt gãy chuỗi cung ứng... qua đó tác động đến lạm phát của Việt Nam.
Từ những kết quả đạt được trong năm 2023, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, năm 2024, lạm phát có chiều hướng thuận nhiều hơn.
“Nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 5,5-6,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,2-3,5%.
Nếu giá dầu thô, nguyên, vật liệu dao động ở mức như hiện nay hoặc thấp hơn, cơ hội chống lạm phát của các quốc gia tốt hơn, kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn dự báo từ đầu năm, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, tiếp tục đẩy mạnh xuất, nhập khẩu, khu vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, giải ngân đầu tư công đạt mức cao, thì khả năng lạm phát cả năm có thể từ 3,5-3,8%”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh dự báo.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu về khả năng giảm lãi suất trong năm 2024 có khả năng sẽ làm cho giá trị đồng đô la Mỹ xuống giá so với đồng Việt Nam, từ đó áp lực về tỷ giá đối với đồng Việt Nam sẽ giảm. Lạm phát của Việt Nam theo đó sẽ giảm do áp lực chi phí vốn khi các doanh nghiệp của Việt Nam đi vay ngoại tệ trên thị trường quốc tế giảm. Đồng thời, nhập khẩu lạm phát cũng giảm thì rõ ràng các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tăng trưởng và phát triển tốt hơn.
Bên cạnh đó, với việc Fed giảm lãi suất thì thường kinh tế thế giới cũng sẽ tốt hơn, từ đó tăng trưởng tốt, Việt Nam sẽ có cơ hội đẩy mạnh xuất nhập khẩu hơn.
Ở chiều ngược lại, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, vẫn có những yếu tố cần lưu ý đối với lạm phát năm 2024. Trước hết, phải cẩn trọng khi mà các xung đột địa chính trị trên thế giới có thể diễn biến phức tạp, ví dụ như xung đột ở Trung Đông hay Biển Đỏ ảnh hưởng đến nguồn cung cấp dầu cũng như ảnh hưởng đến các chi phí logistics,… Lúc đó có thể làm cho chi phí đầu vào tăng lên và có thể đẩy lạm phát đi lên.
Tiếp đến cần lưu ý quá trình tăng trưởng của nước ta trong năm 2023 không đạt được mục tiêu, cho nên nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu đầu vào không lớn, nhưng năm 2024 có thể kinh tế sẽ tăng trưởng tốt hơn và thậm chí có thể cao hơn mức tăng trưởng mà Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ đề ra. Nếu như vậy nhu cầu đầu vào sẽ lớn lên và khả năng sẽ kéo theo lạm phát tăng cao khi giá các mặt hàng tăng.
Và cuối cùng, không thể loại trừ khả năng giá lương thực, thực phẩm thế giới tiếp tục tăng cao trong năm 2024, đẩy giá trong nước tăng theo. “Giá lương thực, thực phẩm trong năm 2023 đã tăng rất cao và khả năng hoàn toàn có thể tăng lên nữa trong năm 2024, qua đó tăng áp lực với lạm phát”, ông lưu ý.
Tựu trung lại, theo các chuyên gia năm 2024 dù dự báo còn nhiều khó khăn, nhưng lạm phát sẽ tương đối “dễ thở” và có thể trong ngưỡng mục tiêu từ 4% - 4,5% đã được Quốc hội thông qua, nhất là khi Chính phủ đã có kinh nghiệm trong điều hành các chính sách cũng như giá các giá hàng hóa, dịch vụ chiến lược để giữ cho lạm phát của Việt Nam 10 năm liên tiếp được kiểm soát theo mục tiêu.