Techfest Mekong 2022: 20 startup tiềm năng được cam kết đầu tư hơn 1,5 triệu USD

Khép lại Techfest Mekong 2022, theo Ban tổ chức, sự kiện đã thu hút trên 3.500 lượt khách dự, 20 startup tiềm năng đã được cam kết đầu tư với tổng số tiền hơn 1,5 triệu USD...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tối 20/10, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 (Techfest Mekong 2022) với thông điệp "Khát vọng vùng đất Chín Rồng" đã chính thức bế mạc sau hai ngày tổ chức.

Phát biểu bế mạc sự kiện, ông Ngô Anh Tín, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP. Cần Thơ tin tưởng sự kiện đã góp phần tạo ra nguồn năng lượng mới, nguồn sinh khí mới cho hệ sinh thái Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo (KNĐMST) vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ÐBSCL).

Đồng thời, với sự lan tỏa mạnh mẽ thông qua công tác truyền thông, số lượng sản phẩm khởi nghiệp tham gia triển lãm, trưng bày năm nay đã tăng mạnh với hơn 500 sản phẩm đến từ 13 địa phương khu vực ĐBSCL, TP.HCM, Hà Nội...

Ông Tín cho biết, sự kiện cũng đã thu hút được trên 3.500 lượt khách dự và đã có 20 startup được quan tâm cam kết đầu tư với tổng số tiền khoảng hơn 1,2 triệu USD. Còn theo thông tin cập nhật phát đi từ fanpage chính thức của Techfest Vietnam, tổng số vốn được cam kết đầu tư dành cho 20 startup tiềm năng này lên tới gần 1,6 triệu USD.

Techfest Mekong
Đại diện nhiều đơn vị, doanh nghiệp, quỹ đầu tư đã ký kết hợp tác hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Techfest Mekong 2022.

Ông Tín cũng kỳ vọng, thông qua sự kiện này sẽ thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư, đơn vị đầu mối về Vườn ươm công nghiệp công nghệ cao Việt Nam - Hàn Quốc (tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2) đặt các chi nhánh hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các làng công nghệ.

"Chúng tôi sẽ xem xét các sản phẩm truyền thống của Cần Thơ nói riêng và các địa phương ĐBSCL nói chung, để hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm, đưa ra thị trường nhanh hơn, giúp gia tăng giá trị sản phẩm..." ông Ngô Anh Tín nói.

Còn theo nhận định từ ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN), các sự kiện nằm trong khuôn khổ Techfesh Mekong năm 2022 như: Diễn đàn KNĐMST vùng ÐBSCL lần 3; ra mắt Mạng lưới cố vấn KNÐMST TP. Cần Thơ; Chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng KNÐMST TP. Cần Thơ; các hội thảo chuyên đề, kết nối tư vấn đầu tư, trưng bày triển lãm và trình diễn công nghệ... về cơ bản đã thành công tốt đẹp.

Cần đặt mục tiêu hình thành hệ sinh thái KNĐMST tại ĐBSCL

Nhìn nhận về hoạt động KNĐMST tại khu vực ĐBSCL, ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP.HCM cho rằng ĐBSCL có rất nhiều cơ hội để tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST hoàn hảo hiếm có, thể hiện rõ nét đặc trưng kinh tế của vùng. Nhất là là khi vùng tập trung nhiều doanh nghiệp, tập đoàn liên quan đến các thế mạnh của vùng (như nông nghiệp); các viện/trường tập trung phát triển nông nghiệp sinh học và ĐMST.

Tuy nhiên về thách thức, ông Tước đánh giá, thách thức nổi bật của vùng ĐBSCL trước hết là tập trung ở chất lượng nguồn nhân lực. Kế đến, năng lực sáng tạo và phát triển kết quả sáng tạo cũng như năng lực hiểu biết thị trường và kết nối hệ sinh thái cũng còn hạn chế.

Đáng chú ý, ông Huỳnh Kim Tước cho rằng, có một thực tế là rất nhiều doanh nghiệp, tỉnh thành địa phương trong vùng nói về khởi nghiệp, làm khởi nghiệp, nhưng chưa thấy ai đặt mục tiêu hình thành hệ sinh thái.

Vì vậy, theo ông Tước, khu vực này cần sớm tập trung xây dựng nền tảng hệ sinh thái KNĐMST trực tuyến, lấy đây làm gốc để phát triển. Đặc biệt, cần cân nhắc ưu tiên tái ươm tạo cho SME.

Techfest Mekong
Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN TP.HCM .chia sẻ tại Techfest Mekong 2022.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, có một thực tế là các doanh nghiệp tăng trưởng đến khoảng 50-60 năm là sẽ bị tắc nghẽn, khó phát triển lên nhanh và cần giải phóng vùng tắc nghẽn đó.

Ngoài ra, ông Tước cũng lưu ý đẩy mạnh hoạt động ký kết, hợp tác giữa doanh nghiệp với các trường đại học; phổ biến nhận thức để đào tạo đại học thay đổi cũng như tư vấn cho các trường đại học. Đồng thời, chú trọng phát triển logistics, kinh tế sông và đường cảng biển - tiềm năng lớn của vùng hiện còn chưa "thức tỉnh".

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thương Linh - Phó giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ chỉ ra một số khó khăn lớn mà vùng ĐBSCL chắc chắn phải đối mặt: Đó là kinh tế suy thoái, chịu tác động kép từ môi trường và tác động trầm trọng của biến đổi khí hậu…

Do đó, để đưa ra "lời giải" mà vùng ĐBSCL cần, bà Linh mong muốn trong các chính sách đưa ra từ các cơ quan quản lý, cần có những ưu tiên làm bàn đạp cho vùng thúc đẩy công nghệ để thích ứng với tác động to lớn của biến đổi khí hậu.

Cũng theo bà Linh, các doanh nghiệp SME của vùng hiện khả năng hấp thụ công nghệ và tư duy đổi mới còn hạn chế; vì vậy việc nâng cao nhận thức, tư duy song song với quá trình ĐMST, đầu tư công nghệ với các doanh nghiệp của khu vực này hiện cũng rất quan trọng.

Techfesh được biết đến là sự kiện thường niên lớn nhất hội tụ các cá nhân, tổ chức, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, quốc tế dành cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Với thông điệp "Khát vọng vùng đất Chín Rồng", Techfesh Mekong 2022 đã nhận được sự bảo trợ vàng của Tập đoàn Qualcomm. Trong khuôn khổ hai ngày tổ chức, 12 sự kiện chuyên sâu liên quan hoạt động KNĐMST đã được tổ chức tại Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (TP. Cần Thơ), thu hút sự tham gia của hàng trăm chuyên gia, nhà đầu tư.

Đồng thời, triển lãm tại Techfesh Mekong 2022 cũng đã quy tụ 100 gian hàng triển lãm, trưng bày trực tiếp và 30 gian triển lãm trực tuyến giới thiệu các sản phẩm, dự án KNĐMST, sản phẩm khoa học - công nghệ của vùng ĐBSCL, trong nước và quốc tế...

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

Chat với BizLIVE