Thị trường ôtô điện Việt Nam hiện không chỉ là “sân chơi” chủ yếu của các mẫu xe giá bình dân, mà đã bắt đầu chứng kiến sự “nóng” lên của phân khúc ô tô điện cao cấp với sự góp mặt của nhiều mẫu xe mới. Đồng thời, “bài toán” trạm sạc - vốn là một trong những e ngại lớn nhất đối với người mua xe - cũng đang dần được tháo gỡ.

Không ai muốn bị bỏ lại

Ra mắt từ tháng 5/2024, “cơn sốt” dòng xe mini VinFast VF3 cho thấy sức hút của ôtô điện với người tiêu dùng đã tăng lên cấp độ mới, mặc dù trước đó TMT Motors đã khai phá thị phần xe điện mini với mẫu Wuling Hongguang Mini EV.

VinFast vươn lên đứng vị trí số 1 về thị phần từ tháng 10/2024, vượt qua các thương hiệu xe ngoại như Toyota, Hyundai… Trong tháng 11, với doanh số hơn 16.000 xe, hãng ôtô điện Việt không chỉ vững vàng vị thế số 1 mà còn thiết lập kỷ lục mới trong ngành về lượng xe của một thương hiệu giao được trong một tháng.

Tháng 12, hãng tiếp tục thiết lập kỷ lục với việc bàn giao thêm hơn 20.000 xe đến tay khách hàng, nâng tổng lượng ô tô đã bàn giao cả năm 2024 tại Việt Nam lên hơn 87.000 xe. Với kỷ lục vượt trội, VinFast chính thức vượt mục tiêu doanh số đã đề ra.

Mẫu ôtô điện VF3 của VinFast ra mắt hồi tháng 5/2024 - Ảnh: VinFast.

Tuy nhiên, bên cạnh VinFast đang chiếm lĩnh thị trường với dải sản phẩm đa dạng và hạ tầng trạm sạc trải dài khắp cả nước, cuộc chiến trên thị trường ôtô điện cũng đang ngày càng gay cấn hơn, khi các thương hiệu Trung Quốc ồ ạt tràn vào Việt Nam để tìm cơ hội, trong bối cảnh thị trường châu Âu và Mỹ đang tăng trưởng chậm lại do bị áp thuế cao.

Hiện đã có hơn 10 hãng xe Trung Quốc vào thị trường Việt Nam như BYD, MG, Chery, Wuling, Haima, Haval, GAC, Aion, Omoda, Jaecoo, Lynk & Co, Hongqi… Trong đó, đa phần các thương hiệu ôtô điện Trung Quốc chọn hợp tác liên doanh với công ty tại Việt Nam để triển khai kế hoạch phân phối như liên doanh SGMW (General Motors - SAIC Motor - Wuling Motors) hợp tác với TMT Motors; Haima với Carvivu; Chery liên doanh với Tập đoàn Geleximco, Geely liên doanh với Tasco Auto...

Trong tháng 9/2024, thương hiệu đến từ Trung Quốc AION (đang đứng thứ 3 trên toàn cầu về doanh số ô tô điện) đã chính thức ra mắt thị trường Việt Nam với 3 mẫu xe gồm Y Plus, ES và Hyptec HT, được phân phối bởi Harmony Việt Nam. Trong khi đó, BYD - thương hiệu xe Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về quy mô, sản lượng bán xe lại lựa chọn phân phối trực tiếp 3 phiên bản ô tô điện gồm Dolphin (hatchback cỡ B), Atto3 (SUV cỡ B+), Seal (sedan cỡ D) tại thị trường Việt Nam.

Theo kế hoạch, BYD dự kiến sẽ phát triển 50 đại lý tại Việt Nam trong năm 2024, nâng lên 70 đại lý vào năm 2025 và đạt 100 đại lý vào năm 2026. Tương tự, AION dự kiến mở 10-15 showroom ở Việt Nam trong năm 2024, 30-35 đại lý trong năm 2025 và 45-50 đại lý trong năm 2026.

3 mẫu ôtô điện của BYD được tung ra thị trường Việt Nam hồi tháng 7/2024 - Ảnh: BYD.

Làn sóng xe điện tại thị trường Việt hứa hẹn sẽ càng sôi động hơn khi vào cuối tháng 12, TMT Motors cho biết hãng đã thống nhất cùng liên doanh SGMW dự kiến đưa ra bản thương mại của Baojun E100, Baojun Yep 2023 và Baojun Yep Plus tại thị trường Việt. Đáng chú ý, trong đó có một mẫu xe được bán với mức giá dự kiến chưa tới 150 triệu đồng.

Không chỉ “đánh chiếm” thị trường ở phân khúc giá rẻ hoặc tầm trung, các hãng cũng đang giới thiệu các phân khúc xe cao cấp, nhắm đến những đối tượng khách hàng đặc thù.

Trong năm 2024, Porsche, Mercedes, BMW đã giới thiệu đến thị trường Việt Nam những sản phẩm chủ lực như Porsche Taycan, Porsche Macan, Mercedes-Maybach EQS 680 SUV, BMW i4. Audi tham gia cuộc chơi với loạt ô tô điện e-tron, e-tron GT và RS e-tron GT.

Tasco gần đây tiếp tục hâm nóng phân khúc này khi ký kết hợp tác với Zeekr, một thương hiệu ôtô điện cao cấp thuộc Geely Holding để đưa các mẫu xe của hãng này về Việt Nam. Trước đó, Tasco Auto đã phân phối độc quyền Lynk & Co (thông qua GreenLynk) và gần nhất là mua lại Volvo.

Thậm chí, “ông lớn” bán lẻ Thế Giới Di Động gần đây cũng hé lộ tham vọng muốn gia nhập cuộc đua xe điện, khi muốn bắt tay cùng Xiaomi để thúc đẩy các sản phẩm IoT và ôtô điện thông minh trong tương lai.

Gỡ dần “bài toán” trạm sạc

Đánh giá về tiềm năng thị trường, ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành BYD Việt Nam cho rằng, với quy mô dân số khoảng 100 triệu người, đa số là dân số trẻ, Việt Nam có một cơ sở khách hàng tiềm năng dồi dào. Thêm vào đó, tỷ lệ sở hữu ôtô ở Việt Nam hiện nay còn rất thấp so với các nước láng giềng như Thái Lan hay Indonesia, cho thấy cơ hội phát triển thị trường ôtô nói chung và ôtô điện nói riêng là rất lớn.

Kỳ vọng của đại diện BYD Việt Nam không phải không có cơ sở khi theo dự báo của Hiệp hội Nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), Việt Nam sẽ đạt mốc tiêu thụ 1 triệu ôtô điện vào khoảng năm 2028 và khoảng 3,5 triệu ôtô điện vào năm 2040.

Đó có thể là một hành trình nhiều hứa hẹn, nhưng vẫn đối mặt một số thách thức. Theo ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban truyền thông VAMA, việc chuyển sang ôtô điện thực tế vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, nguồn cung điện, thói quen của người tiêu dùng, vấn đề an toàn…

"Cần có quy hoạch về hệ thống trạm sạc trên quy mô toàn quốc, trước mắt ở các thành phố lớn và trên hệ thống đường cao tốc. Quy hoạch này bao gồm đất để xây dựng trạm sạc, nguồn cung cấp điện cho trạm sạc cũng như các cơ chế, chính sách để thu hút các dự án đầu tư vào xây dựng trạm sạc và các ưu đãi cho nhà sản xuất thiết bị trạm sạc…".

Ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban truyền thông VAMA

Riêng với vấn đề trạm sạc, theo đại diện VAMA, đặc thù tại Việt Nam là hầu hết các gia đình không đủ điều kiện để lắp đặt trạm sạc tại nhà, trong khuôn viên của gia đình. Do đó, cần phát triển các trạm sạc công cộng (cho phép tất cả các thương hiệu có thể tiếp cận) với ưu tiên cho việc phát triển loại hình sạc siêu nhanh.

“Cần có quy hoạch về hệ thống trạm sạc trên quy mô toàn quốc, trước mắt ở các thành phố lớn và trên hệ thống đường cao tốc. Quy hoạch này bao gồm đất để xây dựng trạm sạc, nguồn cung cấp điện cho trạm sạc cũng như các cơ chế, chính sách để thu hút các dự án đầu tư vào xây dựng trạm sạc và các ưu đãi cho nhà sản xuất thiết bị trạm sạc…”, đại diện VAMA đề xuất.

Thực tế, thời gian qua để tháo gỡ khó khăn trong phát triển hệ thống trạm sạc, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn để tạo điều kiện phát triển hệ thống sạc điện cho phương tiện giao thông xanh.

Bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng đang nỗ lực phát triển hệ thống trạm sạc phục vụ cho các dòng xe điện. Đáng chú ý, trước làn sóng ôtô điện ngoại nhập, VinFast đang đẩy mạnh phát triển hệ thống trạm sạc độc quyền thông qua V-Green.

Ôtô điện VF3 tại trạm sạc V-Green - Ảnh: VinFast.

Hiện V-Green sở hữu mạng lưới trạm sạc ôtô, xe máy điện lớn nhất cả nước với 150.000 cổng sạc toàn quốc. V-Green cũng cam kết đầu tư 10.000 tỷ đồng trong hai năm tới để xây mới, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống nhằm đẩy mạnh phủ sóng trạm sạc ôtô điện VinFast trên khắp cả nước.

V-Green còn bắt tay với PV Power phát triển hệ thống trạm sạc. Theo thỏa thuận hợp tác, mạng lưới 1.000 trạm sạc ôtô điện do PV Power quy hoạch triển khai trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ được chuyển giao cho V-Green.

Ngoài ra, V-Green còn công bố triển khai thêm mô hình nhượng quyền theo hình thức "doanh nghiệp và người dân cùng làm". Tuy nhiên, các trạm sạc nhượng quyền này chỉ phục vụ chủ xe máy điện và ôtô điện VinFast, tương tự trạm sạc chính hãng do V-Green đầu tư. Động thái này sẽ là một thách thức rất lớn cho các hãng ôtô điện chưa có hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam và củng cố lợi thế cạnh tranh cho VinFast.