Đại diện của hơn 50 doanh nghiệp Hoa Kỳ, được coi là phái đoàn lớn nhất từ trước tới nay với nhiều tập đoàn tên tuổi hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh quan trọng như y tế, công nghệ, năng lượng, tài chính ngân hàng, chuỗi cung ứng, an ninh quốc phòng… đã sang Việt Nam thăm và làm việc theo chương trình từ 21/3 kéo dài đến ngày 24/3.
Dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Mỹ là Nguyên Đại sứ Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) và Nguyên Đại sứ Michael Michalak, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành khu vực USABC.
Nguyên đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Ted Osius nhận định: "Sự kiện này thể hiện niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ vào Việt Nam. Việt Nam có chính sách đa dạng hóa. Chiều ngược lại, VinFast và nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác cũng đang đầu tư tại Hoa Kỳ".
Tại buổi họp báo chiều ngày 21/3, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Mark Knapper nhấn mạnh, đây là một sự kiện quan trọng diễn ra trong thời điểm rất ấn tượng và lần đầu tiên 3 đại sứ của Hoa Kỳ cùng có mặt trong một sự kiện.
"Chúng tôi nhận thấy quan hệ giữa hai quốc gia đang ngày càng sâu sắc hơn, thương mại Mỹ - Việt đã tăng trưởng hơn 360 lần tính từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Chúng tôi tự hào về những gì hai nước có được", ông Mark Knapper nói.
Đại sứ Ted Osius khẳng định thêm, việc nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam như vậy có thể coi như dấu hiệu của làn sóng dịch chuyển đầu tư sang ASEAN. Thế giới tăng trưởng kém nhưng Việt Nam tăng trưởng hơn 8%, Việt Nam là trung tâm tăng trưởng. Như vậy có rất nhiều sự quan tâm trong khu vực sôi động này.
Ông cho biết thêm, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ gần đây bận chưa từng thấy bởi có quá nhiều sự quan tâm của doanh nghiệp Hoa Kỳ đến Việt Nam. Vài chục năm trước nhiều quốc gia nói rằng họ cần phải cạnh tranh với Việt Nam và giờ đây họ quan sát Việt Nam.
"Đại dịch đẩy nhanh số hóa, mở rộng thêm làn sóng đầu tư của Hoa Kỳ đến Việt Nam trong khuôn khổ một số chương trình của chính phủ Hoa Kỳ như IPEF", Đại sứ Michalak tin tưởng rằng đại dịch đã mang đến thêm cơ hội đầu tư và bày tỏ tin tưởng Việt Nam và Hoa Kỳ có thể cùng nhau tăng cường khả năng thích ứng của chuỗi cung ứng, thành lập liên minh tăng cường đa dạng chuỗi cung ứng.
Tại sự kiện, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tập đoàn Meta, ông Rafael Frankel chia sẻ: "Nhìn nhận lại 30 năm qua, Việt Nam là một nền kinh tế thực sự chuyển đổi. Đội ngũ nhân lực của Việt Nam rất có chất lượng. Chúng tôi tin vào quan hệ tương lai đang phát triển. Kinh tế số Việt Nam đã phát triển rất ấn tượng và chúng tôi mong muốn được góp phần vào quá trình này".
Đồng thời, ông Frankel cũng khẳng định cam kết mạnh mẽ của phía doanh nghiệp Hoa Kỳ với Việt Nam. "Trong cuộc thi đổi mới doanh nghiệp tại Việt Nam, đã có hơn 20.000 doanh nghiệp Việt Nam tham dự. Chúng tôi mong muốn Việt Nam có thể duy trì mô hình kinh tế mở như vậy để duy trì tăng trưởng kinh tế số trong 20, 30 năm tới”, ông Frankel nói.
Cũng tại sự kiện, đại diện Tập đoàn AS có lịch sử hoạt động hơn 12 năm tại Việt Nam cho rằng, năng lượng sẽ là một lĩnh vực then chốt trong hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ và AS khẳng định cam kết sẽ đóng góp vào phát triển cùng các sáng kiến năng lượng bền vững tại Việt Nam mà AS đã có kinh nghiệm triển khai khắp toàn cầu, mang đến công nghệ lưu trữ năng lượng (tích năng) giảm thiểu tắc nghẽn lưới điện.
Đại diện UL Solutions bày tỏ sự ủng hộ với những tham vọng liên quan đến năng lượng tái tạo của Việt Nam: "Chúng tôi ủng hộ tham vọng của Việt Nam tại COP26. Trong giai đoạn đại dịch, cả thế giới đã phải nhìn vào Việt Nam. Chúng tôi rất mong muốn đồng hành với Việt Nam".
Kết quả buổi làm việc với các Bộ, ngành của Việt Nam, Đại sứ Ted Osius đánh giá rất nhiều tích cực, ông cho biết trong đó đoàn doanh nghiệp Mỹ có 17 khuyến nghị được đưa ra, Thứ trưởng Tài chính đã trả lời hết toàn bộ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng giải đáp tất cả 14 khuyến nghị một cách thỏa đáng.
"Như vậy có thể thấy rõ ràng có sự quan tâm rất lớn từ Chính phủ Việt Nam, vì vậy có thêm nhiều lợi thế khi tăng cường quan hệ hai nước”, Đại sứ Ted Osius cho biết.
Đại sứ Marc Knapper nhấn mạnh thêm: "Thảm đỏ như vậy đã được trải ra cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ được sâu sắc hóa”.
Chuyến thăm lần này của các công ty hàng đầu Hoa Kỳ, sẽ tham gia vào các hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước. Trong đó có hội thảo về quy trình mua sắm trong lĩnh vực quốc phòng và một số hoạt động nhân dịp kỷ niệm 10 năm hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác toàn diện.
Trong số các doanh nghiệp đến Việt Nam lần này có công ty cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến Netflix, công ty đang có kế hoạch mở văn phòng tại Việt Nam, cùng nhiều công ty đã có hoạt động kinh doanh hoặc sản xuất tại Việt Nam như Coca-Cola, PepsiCo... và đang có kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam.
Việt Nam là một trung tâm sản xuất và cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng ngày càng phát triển với mức tăng trưởng kinh tế đạt hơn 8% năm 2022. Trong số này có SpaceX, công ty đang tìm kiếm thị trường dịch vụ Internet vệ tinh tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
Ngoài ra, còn có các công ty sản xuất chất bán dẫn, các hãng dược phẩm Pfizer và Johnson & Johnson, nhà sản xuất thiết bị y tế Abbott, công ty tài chính Visa, ngân hàng Citibank, các hãng công nghệ điện toán đám mây Meta và Amazon Web Services.
Danh sách chi tiết các công ty trong phái đoàn doanh nghiệp Hoa Kỳ gồm: 3M, Abbott, AES, AIG, Amazon Web Services, Apple, Bay Global Strategies, Bell, Boeing, Citi, Coca - Cola Beverages Vietnam, Energy Capital Vietnam, Fedex, Ford, GSK, J.P. Morgan Chase, KKR, Lockheed Martin, Mariott International, MasterCard, Meta, Mondelez, MSD, MSD Animal Health, Netflix, Organon, PepsiCo, P&G, Roblox, Salesforce, Samtec, SpaceX, Suntory Pesico Vietnam Beverage, Tilleke & Gibbins, UL Solutions, UPS, Viatris, Vinfast, Visa, Vriens & Partner.
Danh sách các công ty tham gia phái đoàn sức khoẻ và khoa học đời sống gồm: Abott, Boston Scientific, GE Health, GSK, Illumina, Johnson & Johnson, Medtronic, MSD, Pfizer, Reckitt, Varian Medical Systems, Viatris, Amazon Web Services, Bay Global Strategies.