Mới đây trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh gần 1.000 người lao động tập trung trước cổng một công ty ở Bắc Giang để xin việc trong khi doanh nghiệp này chỉ đăng thông tin tuyển dụng 100 công nhân.
Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Bắc Giang, sau Tết hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay chưa có nhu cầu tuyển dụng mà chỉ tuyển bù số lao động nghỉ việc trước Tết.
Khoảng 32% số lao động đã được doanh nghiệp nhận, số còn lại đã nộp hồ sơ xin việc và chờ phỏng vấn thêm (thông thường chỉ 60 - 70% ứng viên đáp ứng nhu cầu tuyển dụng).
Tương tự tại Bình Dương, cũng xuất hiện hình ảnh ghi lại cảnh hàng trăm người lao động chen chúc để nộp hồ sơ xin việc vào Công ty TNHH Midea Consumer Electric Việt Nam (thuộc Tập đoàn Midea, trụ sở tại Khu công nghiệp VSIP 1, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương).
Tuy nhiên, Công ty TNHH Midea Consumer Electric Việt Nam cho biết, hiện nay công ty đã tuyển gần đủ lao động từ trước tết, đợt này công ty chỉ tuyển khoảng 50 lao động.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Dương, sau Tết, có khoảng 200 doanh nghiệp tuyển dụng với khoảng 15.000 lao động. Đến nay hầu hết các doanh nghiệp đã tuyển đủ.
Đáng chú ý, gần như không có doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông. Các doanh nghiệp chỉ tuyển số ít nhân viên văn phòng, lao động có chuyên môn đáp ứng được yêu cầu mà nhà tuyển dụng đưa ra.
Khảo sát mới đây do Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi) thực hiện ở 80.000 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 273.000 lao động cho thấy, nhu cầu tìm việc của người lao động tập trung cao nhất ở mức lương trên 20 triệu đồng tháng (chiếm 38,97%). Những người đặt ra mức lương này chủ yếu là ở các vị trí: kế toán, quản trị website, marketing, kiểm toán viên, nhân viên kinh doanh bất động sản, quản lý nhà hàng, kiến trúc sư, lập trình viên, kỹ sư, tư vấn tài chính, môi giới bảo hiểm, giáo viên tiếng Anh, dược sĩ…
Các mức lương khác có số lượng người lao động lựa chọn thấp hơn nhiều. Cụ thể, mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng chiếm 15,85%; trên 10 - 15 triệu đồng/tháng chiếm 26,18%; trên 15 - 20 triệu đồng/tháng chiếm 17,78%.
Chỉ có hơn 1,2% người lao động tìm việc đề nghị mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng. Lao động đề nghị mức lương này chủ yếu là lao động phổ thông ở các vị trí việc làm như: phục vụ, tạp vụ, bảo vệ, nhân viên bán thời gian, nhân viên bán hàng siêu thị, phụ bếp, phụ xe, cộng tác viên nhập liệu…
Trong khi đó, mức lương mà doanh nghiệp đề nghị lại chênh lệch khá lớn. Ở mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp cần nhiều lao động với gần 17.000 chỗ làm việc, chiếm gần 6,1% tổng nhu cầu nhân lực. Vị trí việc làm có mức lương này khá tương đồng với yêu cầu tìm việc của người lao động nhưng nhu cầu của doanh nghiệp cao mà người tìm việc lại ít.
Ở mức lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp cần hơn 137.000 chỗ làm việc, chiếm 50,24% tổng nhu cầu nhân lực, chủ yếu ở các vị trí việc làm như: nhân viên giới thiệu dịch vụ, tư vấn tuyển sinh, quản lý lớp học, tư vấn giáo dục, công nhân may, chăm sóc khách hàng, nhân viên kỹ thuật, nhân viên kho…
Ở mức lương trên 10 - 15 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp cần hơn 80.000 chỗ làm việc, chiếm 29,43% tổng nhu cầu nhân lực, chủ yếu ở các vị trí việc làm như: quan hệ khách hàng, nhân viên phân loại hàng, phát triển thị trường, chuyên viên kinh doanh, bất động sản, hành chính - văn phòng…
Ở mức lương 15 - 20 triệu đồng/tháng, doanh nghiệp cần tìm người cho gần 17.000 vị trí làm việc, chiếm 6,17% tổng nhu cầu nhân lực, chủ yếu như tiếp viên hàng không, marketing, thi công công trình, trưởng phòng kinh doanh bất động sản, quản lý nhân sự, quản lý vận hành...
Chênh lệch cao nhất là ở mức lương trên 20 triệu/tháng. Trong khi 38,97% người tìm việc yêu cầu mức lương này thì doanh nghiệp chỉ cần hơn 22.000 chỗ làm việc, chiếm 8,07% tổng nhu cầu nhân lực.
Có thể thấy, mặc dù lượng lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm tương đối cao, song việc tuyển dụng cũng không hề dễ dàng do người lao động thì chê doanh nghiệp trả lương thưởng thấp trong khi doanh nghiệp có nhu cầu nhân sự lại thấy kỹ năng của lao động không đáp ứng được các yêu cầu của vị trí công việc họ cần tuyển.
Theo ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia dự báo nhân lực, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM đánh giá, người lao động bao giờ cũng quan tâm đến tăng lương, thu nhập, đây là tâm lí chung, sau đó mới đến môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến. Còn về phía doanh nghiệp, nhìn chung để tìm được người lao động có trình độ đáp ứng được công việc của doanh nghiệp khá khó, nhất là trong bối cảnh có nhiều biến động như hiện nay đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Tuấn để thu hẹp sự lệch pha này trong cung - cầu lao động hiện nay đòi hỏi người lao động cần nâng cao trình độ, kỹ năng, tự mình rèn luyện để có thể tìm kiếm công việc ở bất kì vị trí, lĩnh vực nào, vừa tận dụng được kiến thức đã được đào tạo vừa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các chương trình đào tạo nội bộ, nâng cao tay nghề, kỹ năng cho lao động. Ngoài ra, các chính sách đào tạo lại lao động ở doanh nghiệp cũng cần linh hoạt, phù hợp với yêu cầu thực tế.