Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023, trong đó cập nhật một số thông tin về hoạt động đầu tư, đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư trong giai đoạn.
Theo đó, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý 2/2023 theo giá hiện hành ước đạt 774,9 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước ước đạt 217,6 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 423,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 133,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8%.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm các năm 2019-2023.
Lũy kế 6 tháng, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành ước đạt 1.357,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 đạt 1.296,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2%).
Trong đó, vốn khu vực Nhà nước đạt 370,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 27,3% tổng vốn và tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực ngoài Nhà nước đạt 751,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,4% và tăng 2,1%. Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 235,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 17,3% và tăng 1,7%.
Trong phần vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn NSNN 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 232,2 nghìn tỷ đồng, bằng 33% kế hoạch năm và tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 bằng 32,1% và tăng 10,4%).
Xét theo cấp quản lý, vốn Trung ương đạt 43,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% kế hoạch năm và tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn địa phương đạt 188,9 nghìn tỷ đồng, bằng 33,1% và tăng 18,6%. Trong phần vốn địa phương, vốn NSNN cấp tỉnh đạt 130,1 nghìn tỷ đồng, bằng 31,5% và tăng 23,8%; vốn NSNN cấp huyện đạt 51,1 nghìn tỷ đồng, bằng 36,7% và tăng 9,8%; vốn NSNN cấp xã đạt 7,7 nghìn tỷ đồng, bằng 40,7% và tăng 1,4%.
Tốc độ tăng/giảm vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành 6 tháng đầu năm các năm giai đoạn 2019-2023.
Theo GSO, việc vốn đầu tư thực hiện của khu vực Nhà nước tăng 12,6% cho thấy sự quyết tâm nỗ lực của Chính phủ, bộ ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện nguồn vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.
Ở diễn biến liên quan, mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm - để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cơ sở thống nhất thực hiện.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện nghiêm túc các kết luận của các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023...
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 5, vẫn còn tới 32 bộ và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân rất thấp, đạt dưới 10% kế hoạch. Về tổng thể, tỷ lệ ước giải ngân 5 tháng kế hoạch năm 2023 mới đạt khoảng 20,80% và nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 22,22%, vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022 (22,37%).