Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) vừa tổ chức Lễ công bố Báo cáo thường niên vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2022 với chủ đề hướng tới tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.
Trình bày báo cáo, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho biết, trong năm 2022, có tới 68,5% các doanh nghiệp FDI đánh giá Việt Nam có thuận lợi hơn về địa điểm đầu tư so với quốc gia khác, như: Chi phí và chất lượng lao động, thuế và khả năng ứng phó của Chính phủ Việt Nam đối với tình thế khẩn cấp.
“97,5% các doanh nghiệp FDI cho rằng chất lượng lao động đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp. Bốn nhóm doanh nghiệp có thể tuyển dụng dẽ dàng là lao động phổ thông, kế toán, cán bộ kĩ thuật và quản lý giảm sát” ông Mại nêu rõ.
Về xu hướng đầu tư, theo ông Mại, trong 3-5 năm tiếp theo, có đến 67,1% số doanh nghiệp dự báo quy mô sản xuất kinh doanh sẽ tăng; 24,1% số doanh nghiệp cho rằng sẽ duy trì quy mô sản xuất ở mức độ hiện tại; và 63,9% số doanh nghiệp sẽ dự kiến tăng từ 10 triệu USD trở lên. Chỉ chưa đến 9% số doanh nghiệp suy nghĩ đến phương án cắt giảm quy mô kinh doanh.
GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE
Vẫn còn những rào cản thu hút FDI
Đồng tình với các kết quả khảo sát, ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, nhà đầu tư Hoa Kỳ rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh và bày tỏ tin tưởng có thể thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 từ năm 2030 thay vì 2050.
Hiện đang có hàng nghìn tỷ USD từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang chờ đợi chảy vào các lĩnh vực năng lượng xanh, logistic, cơ sở hạ tầng của Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút được lượng vốn này, còn một số khó khăn mà nhà đầu tư muốn được các Bộ, ngành Việt Nam hợp tác tháo gỡ.
“Gần đây, Amcham đã xúc tiến các buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính để có cơ chế hợp tác, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, vì môi trường lãi suất 2 con số như hiện nay không thuận lợi cho doanh nghiệp", ông John Rockhold chia sẻ.
Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham)
Còn theo bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cứ ba tháng một lần EuroCham đã gửi các câu hỏi cho khoảng hơn 1.300 thành viên để khảo sát. Các kết quả báo cáo từ nghiên cứu 15 năm nay đều cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng cao.
"Một là 41% doanh nghiệp cho biết đang dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam (tỷ lệ tăng 30% so với khả sát trước đó); Hai là 35% doanh nghiệp khảo sát đưa Việt Nam vào top 5 điểm đầu tư hấp dẫn nhất", bà Delphine Rousselet nhìn nhận.
Nhưng từ kết quả quý 4 năm 2022 và nhất là càng gần đây cho thấy nhiều nhận định không được khả quan cho lắm. Các doanh nghiệp đưa ra ba rào cản chính trong việc đầu tư là môi trường đầu tư, thủ tục hành chính và visa còn hạn chế.
"Nếu Việt Nam có thể cải thiện tốt hơn về thủ tục hành chính sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài", bà Delphine Rousselet khẳng định.
Bà Delphine Rousselet, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham)
Cần có chính sách thích nghi với những biến động của kinh tế toàn cầu
Nhìn nhận về những khó khăn này, GS.TSKH Nguyễn Mại cho biết, có khoảng 78,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát dành ra khoảng 5% thời gian trở lên hàng năm cho việc tìm hiểu và thực hiện các quy định pháp luật, tăng hơn 10% so với giai đoạn 5 năm đầu tiên từ khi thành lập.
“Thuế, phí, tiếp cận đất đai, hải quan và xây dựng tiếp tục là những lĩnh vực gây nhiều khó khăn nhất (cụ thể tỷ lệ doanh nghiệp đưa ra quan điểm này lần lượt là 31,2%, 28,6%, 26% và 24,7%)”, ông Mại dẫn chứng.
Về chất lượng cơ sở hạ tầng, dù các doanh nghiệp FDI tương đối hài lòng với chất lượng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Tuy vậy, hạ tầng giao thông như cảng biển, cảng hàng không, đường sắt và đường bộ vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghiệp cũng như đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Góp ý về cải cách thủ tục hành chính, 100% doanh nghiệp FDI phản hồi, cho rằng Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới.
Nhà nước cần thống nhất các quy định trước khi ban hành để tránh việc gây ra các quy định chồng chéo, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tuân thủ.
Đồng thời, tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.
“Các cơ quan thẩm quyền tạo điều kiện và đề ra các chính sách hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp. Ngoài ưu đãi hiện có, Nhà nước cần đề ra thêm các ưu đãi về thuế và chi phí với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu”, ông Mại nhấn mạnh.