Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với những tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm, thu hút FDI năm 2023 có thể đạt từ 36-38 tỷ USD, trong đó, vốn giải ngân đạt khoảng 22-23 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, việc thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2023 sẽ gặp thách thức không nhỏ.
Cụ thể, khi Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA), Việt Nam đã kỳ vọng thu hút được nguồn vốn lớn, chất lượng cao từ các nước này.
Song, trên thực tế, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina diễn ra phức tạp đã đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp của các nước khi muốn đầu tư ra nước ngoài. Vì vậy, để thu hút FDI từ EU và Mỹ là rất khó khăn trong thời gian qua cũng như thời gian tới.
“Số liệu cho thấy, FDI của EU vào Việt Nam là rất thấp. Hà Lan là nước cao nhất với 1 tỷ USD trong năm 2021, sang năm 2022 con số này chỉ còn 800 triệu USD. Còn FDI của Mỹ vào Việt Nam trong hai năm vừa qua chỉ khoảng 700 - 800 triệu USD. Đây là con số rất thấp trong bối cảnh là Mỹ là nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất”, ông Toàn dẫn chứng.
Cũng theo ông Toàn, ở khu vực châu Á, thậm chí là trên toàn cầu, Trung Quốc là địa điểm đầu tư và sản xuất hấp dẫn. Do đó, khi Trung Quốc mở cửa trở lại, vốn sẽ chảy vào thị trường này, hạn chế vào Việt Nam và các nền kinh tế khác trong khu vực.
Không chỉ cạnh tranh với Trung Quốc, theo ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), Việt Nam đang phải chịu sự cạnh tranh đến từ nhiều nước như Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Lào và Campuchia.
Theo đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc không chỉ đầu tư vào Việt Nam mà còn đầu tư vào rất nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, ngoài việc ưu đãi về thuế, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư công nghệ cao còn được chiết khấu 50% đầu tư cơ sở vật chất.
“Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư hàng tỷ USD cho máy móc thiết bị thì đây là một chính sách rất hấp dẫn”, đại diện doanh nghiệp Hàn Quốc nêu rõ.
Đáng chú ý, gần đây một dự án từ Hàn Quốc hơn 10 tỷ USD đã nghiên cứu đầu tư vào một trong các nước Đông Nam Á. Tuy vậy, sau khi lựa chọn, họ đã không lựa chọn vào Việt Nam – đây là điều rất đáng tiếc.
“Luật đầu tư của Việt Nam cũng đã được sửa một lần nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn thu hút đầu tư quy mô lớn. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan cần nghiên cứu những chính sách mới, những ưu đãi hấp dẫn hơn để có thể cạnh tranh với các chính sách của các quốc gia khác”, ông Hong Sun đề nghị.