Chị Trang sống tại Hà Nội cho biết, với mức lương 18 triệu đồng/tháng, trước đây có thể thoải mái chi tiêu. Tuy vậy, từ cuối năm ngoái, khi tiền thuê nhà và nhiều mặt hàng hóa tăng theo giá xăng, chị Trang đã phải cân đối lại kế hoạch chi tiêu của mình.
“Thay vì mua sắm thoải mái như trước, nay tôi chỉ mua những mặt hàng thiết yếu và có khuyến mãi trên mạng hay siêu thị để có thể tiết kiệm một khoản tiền”, chị Trang chia sẻ.
Theo ông Đàm Đức Anh, Giám đốc siêu thị WinMart Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội, ngay từ cuối năm 2022, các doanh nghiệp bán lẻ đã nhận định năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn, những biến động về kinh tế thế giới và trong nước đã tác động đến khả năng chi trả thực tế của nhiều người, người dân ngày càng cân nhắc và chi tiêu mua sắm kỹ càng hơn trước.
“Trong những tháng đầu năm, dù sức mua đã tăng 20% so với cùng kỳ, song người tiêu dùng chỉ tập trung ở ngành hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu và cắt giảm những món hàng không thiết yếu”, ông Đức Anh nêu rõ.
Tương tự, trong lĩnh vực quần áo thời trang, ông Đặng Quốc Dũng, Giám đốc Công ty TNHH D.Suit Việt Nam cho biết, những tác động của nền kinh tế như lạm phát và lãi suất tăng cao, sự khó khăn của nhiều lĩnh vực ngành nghề… khiến doanh số bán hàng của công ty giảm rất sâu.
“Nếu như năm trước, dù vẫn còn dịch COVID-19 nhưng lượng đơn hàng vẫn ở mức độ chấp nhận được bởi lượng tiền tích lũy của người dân vẫn còn. Thế nhưng, năm 2023, dường như túi tiền của người dân đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Doanh số nhiều đơn vị thời trang đã sụt giảm từ 20-30% so với mọi năm, thậm chí, doanh nghiệp đã chuẩn bị tâm lý khó khăn đến hết năm 2023”, ông Dũng lo ngại.
Kích cầu từ doanh nghiệp không đủ
Ông Dũng cho hay, doanh nghiệp ông đã có những giải pháp linh hoạt để thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh tập trung nghiên cứu, quảng bá sản phẩm theo phân khúc khách hàng cao cấp và đẩy mạnh bán hàng online, doanh nghiệp cũng đã đưa ra nhiều chương trình giảm giá sâu để chia sẻ những khó khăn khi khách hàng đang có tâm lý thắt chặt chi tiêu.
“Sau gần 1 tháng thực hiện các chương trình khuyến mãi đậm về giá, sức mua chung có nhích lên dù chưa nhiều như kỳ vọng. Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng giảm giá sâu tăng hơn 10% nhưng doanh số chỉ tăng hơn 5% so với trước khi có các chương trình ưu đãi.”, ông Dũng thông tin.
Còn theo ông Đàm Đức Anh, dù chỉ số giá tiêu dùng quý 1/2023 tăng 4,18% so với cùng kỳ năm 2022, song doanh nghiệp bán lẻ đã làm việc với đối tác và nhà cung cấp để bảo đảm giá cả được áp dụng cho các mặt hàng tại toàn hệ thống của siêu thị vẫn giữ được sự ổn định, không tăng giảm cho với cùng kỳ tháng trước hay năm trước.
“Chúng tôi vẫn đẩy mạnh kết nối với các nhà sản xuất và nhà cung cấp để có thể cung cấp đến tay người tiêu dùng các sản phẩm chất lượng với giá cả phải chăng. Ngoài ra, từ trước đến nay, hệ thống siêu thị vẫn triển khai các kỳ khuyến mại liên tục nên vào bất kỳ thời điểm nào, khách hàng vẫn có thể lựa chọn các mặt hàng với mức giá phù hợp”, ông Đức Anh nêu rõ.
Với những nỗ lực kích cầu này, ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế cho rằng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng trên 13% - là một động lực tăng kinh tế quý 1/2023.
Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu vẫn thiếu vắng các đơn hàng, còn giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa như kỳ vọng thì thúc đẩy tiêu dùng là một nhiệm vụ quan trọng tạo "bệ đỡ" cho tăng trưởng cả năm.
Tuy nhiên, ông Cung cho rằng, giảm giá - kích cầu chỉ là giải pháp trong ngắn hạn. Về dài hạn, Bộ Công Thương cần tăng cường thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", từ đó hỗ trợ tích cực phát triển thị trường nội địa theo hướng bền vững.
Cùng với đó, Chính phủ cần nhanh chóng thông qua đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống còn 8% trong thời gian dài, qua đó kích thích chi tiêu nhiều hơn.
“Nếu được thông qua thì với cùng một ví tiền của bất kỳ người dân nào sẽ có thể mua được nhiều hàng hoá hơn, qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng để chính các doanh nghiệp sản xuất cũng được hưởng lợi sau đó”, ông Cung nêu rõ.
Ngoài ra, để chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả cao nhất ngay khi được ban hành, ông Cung cho rằng, các văn bản hướng dẫn cần khắc phục triệt để những nút thắt, những rào cản hành chính để những chính sách được triển khai với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả.
"Trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan cũng cần có hướng dẫn cụ thể giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng với các chính sách quan trọng", ông Cung lưu ý.
Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết mới đây, tại dự thảo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương khẩn trương xử lý, giải quyết vấn đề hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục chính sách giảm 2% thuế VAT.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án giảm 2% thuế VAT năm 2023.
Phương án 1, giảm 2% mức thuế suất VAT đối với nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Phương án 2, giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10%, trừ một số nhóm hàng hoá, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đề xuất thực hiện trong 6 tháng, dự kiến từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023.
Bộ Tài chính đang gửi văn bản đề nghị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT theo quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị định 15 của Chính phủ và đánh giá tác động số thu ngân sách theo 2 phương án nêu trên để đề xuất phương án giảm thuế VAT áp dụng cho năm 2023.