Sáng 29/12, tại họp báo công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2023, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, quý IV/2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 6,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn quý IV các năm 2012-2013 và 2020-2022 và với xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,41%, quý II tăng 4,25%, quý III tăng 5,47%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,13%, đóng góp 7,51% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,35%, đóng góp 42,58%; khu vực dịch vụ tăng 7,29%, đóng góp 49,91%.
Về sử dụng GDP quý IV/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,86% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 53,18% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,21%, đóng góp 44,18%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,76%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 2,64%.
Tính chung cả năm 2023, GDP của Việt Nam ước tính tăng 5,05% so với năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng của các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83%, đóng góp 8,84%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 28,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,82%, đóng góp 62,29%.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong năm qua khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng tích cực, trong đó kim ngạch xuất khẩu một số nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, ứng dụng mô hình công nghệ cao trong nuôi tôm thẻ chân trắng đã đem lại hiệu quả kinh tế. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2023 tăng 3,88% so với năm trước, đóng góp 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,74% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,71%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Các hoạt động thương mại, du lịch cũng duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2023 tăng 6,82% so với năm trước, cao hơn mức tăng 2,01% và 1,75% của các năm 2020-2021.
Một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn, đóng góp nhiều vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,82% so với năm trước, đóng góp 0,86 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 9,18%, đóng góp 0,55 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,24%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 12,24%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp lại đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 1,0 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,93 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,18%, đóng góp 0,03 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,79%, đóng góp 0,14 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 3,17%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 7,06%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,12%; khu vực dịch vụ chiếm 42,54%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,38% (Cơ cấu tương ứng của năm 2022 là 11,96%; 38,17%; 41,32%; 8,55%).
Về sử dụng GDP năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,52% so với năm 2022, đóng góp 41,04% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 4,09%, đóng góp 26,64%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 2,54%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 4,33%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 32,32%.
Quy mô GDP theo giá hiện hành năm 2023 ước đạt 10.221,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 430 tỷ USD. GDP bình quân đầu người năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng/người, tương đương 4.284 USD, tăng 160 USD so với năm 2022. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD/lao động, tăng 274 USD so với năm 2022); theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 3,65% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 ước đạt 27%, cao hơn 0,6 điểm phần trăm so với năm 2022).
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, không thuận lợi, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 được các tổ chức quốc tế dự báo đều thấp hơn tốc độ tăng trưởng năm 2022, mức tăng trưởng 5,05% của Việt Nam mặc dù không đạt mục tiêu 6,5% đề ra nhưng là kết quả tích cực và thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Nhận định về tăng trưởng năm 2024, bà Hương cho rằng, năm tới kinh tế - xã hội nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt. Trong khi đó, kinh tế thế giới đang gia tăng khả năng suy thoái, bất ổn; biến động nhanh và khó lường về kinh tế, chính trị, quân sự; thiên tai dịch bệnh khó dự báo trước. Trong bối cảnh đó, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà tăng trưởng và hoàn thành mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 là thách thức rất lớn.
Dù năm 2024 còn nhiều thách thức, nhưng bà Hương cho biết các tổ chức trong nước và thế giới đều dự báo Việt Nam cũng như một số nước trong khu vực sẽ có mức tăng trưởng khá hơn năm 2023 nhờ đang có đà tăng trưởng, có niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong nước và thế giới, đây là một trong những lợi thế mà không phải quốc gia nào cũng có.