Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm tới dự kiến sẽ thấp hơn đáng kể so với triển vọng đạt được năm nay; ngưỡng kiểm soát lạm phát nâng lên thay vì chỉ tiêu 4% những năm gần đây.
Những tính toán trên có trong dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (11/10).
Theo đó, có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%...
Trên cơ sở ước thực hiện năm 2022 đạt khoảng 8% là nền tăng trưởng cao và dự báo bối cảnh thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động đến nền kinh tế nước ta, sức ép lạm phát và suy giảm tăng trưởng và suy thoái kinh tế ở một số nước, dự kiến mức tăng trưởng GDP năm 2023 đạt khoảng 6,5% là hợp lý, Chính phủ giải thích.
Thẩm tra kế hoạch trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị bổ sung cơ sở đề xuất chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân năm 2023 là 4,5% trong bối cảnh ổn định kinh tế vĩ mô cần được ưu tiên.
Trong bối cảnh hiện nay, Ủy ban Kinh tế lưu ý, cần điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng hợp lý, chú trọng hơn đến cơ cấu và chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng cơ cấu tín dụng hợp lý trong năm 2023 và có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất (2%) qua hệ thống ngân hàng thương mại; đồng thời, nghiên cứu, xem xét việc mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay ngắn hạn bằng ngoại tệ.
Cùng đó, duy trì ổn định, an toàn của thị trường tài chính, tiền tệ, nhất là các lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều rủi ro như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vàng. Lưu ý rủi ro liên thông giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn, thị trường bất động sản. Thận trọng rủi ro nợ xấu khi đã chấm dứt chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, xử lý thực chất và hiệu quả các ngân hàng yếu kém, chú trọng tăng cường tiềm lực cho hệ thống các ngân hàng thương mại bằng các giải pháp tăng vốn, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước.
Khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường doanh thu các dịch vụ ngân hàng phi tín dụng có giá trị gia tăng cao; tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đối với chính sách tài khóa, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu mở rộng hơn không gian chính sách tài khóa nhưng cần gắn với hiệu quả của đầu tư công để tránh gây rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô. Chính sách tài khóa phải phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác với liều lượng phù hợp để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bố trí nguồn lực, điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng. Quản lý chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước, kiểm soát nợ công.
Tiếp tục theo dõi sát tình hình giá xăng, dầu thế giới và trong nước để đề xuất phương án kịp thời, phù hợp về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, nghiên cứu giải pháp miễn giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu cao, báo cáo thẩm tra nêu.
Theo Ủy ban Kinh tế, dư địa cho các chính sách tài khóa vẫn còn, cần tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ nhưng phải bảo đảm có hướng đích và có mục tiêu; nghiên cứu tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp gia hạn thuế mà không thực hiện miễn giảm thuế, nhất là với thuế thu nhập doanh nghiệp, không lựa chọn giảm thuế theo tiêu chí doanh thu như năm 2020, năm 2021; rà soát cụ thể lại các chính sách quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của doanh nghiệp.
Chính phủ dự kiến các cân đối lớn của kế hoạch 2023
1. Cân đối tích lũy - tiêu dùng: Quy mô GDP đạt khoảng 10,30 - 10,41 triệu tỷ đồng, tiêu dùng cuối cùng bằng khoảng 66,2% GDP, tỷ lệ tích lũy tài sản bằng khoảng 33,8% GDP.
2. Cân đối NSNN: Dự toán thu NSNN đạt 1.612,96 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7% GDP, riêng huy động từ thuế và phí đạt 13,3% GDP. Dự toán chi NSNN đạt 2.073,46 nghìn tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển chiếm khoảng 33,6%. Bội chi NSNN 460,5 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 4,47% GDP, tăng khoảng 87,6 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2022.
3. Cân đối xuất, nhập khẩu: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt khoảng 795 tỷ USD, tăng khoảng 8% so với năm 2022, trong đó: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 398 tỷ USD, tăng trên 8% so với năm 2022. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 dự kiến xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.
4. Cân đối về điện: Tổng công suất nguồn điện (không bao gồm điện mặt trời mái nhà) năm 2023 dự kiến đạt 76.139 MW , tăng 3,99% so với năm 2022; sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2023 dự kiến đạt khoảng 300,03 -310,603 tỷ kWh , tăng 8,9 - 12,7% so với năm 2022.
5. Cân đối lương thực: Sản lượng lúa cả năm đạt khoảng 43,19 triệu tấn, tăng 0,36% so với năm 2022; sản lượng ngô đạt khoảng 4,2 triệu tấn, giảm khoảng 3,02%. Sản lượng thịt hơi đạt gần 7,27 triệu tấn, trong đó sản lượng thịt lợn đạt khoảng 4,5 triệu tấn, tăng khoảng 3,6%. Sản lượng sữa tươi đạt khoảng 1,25 triệu tấn, tăng khoảng 8,3%. Sản lượng trứng đạt khoảng 19,1 tỷ quả, tăng khoảng 4,6%. Sản lượng thủy sản nuôi khoảng 8,74 triệu tấn, tăng khoảng 1,5%, trong đó: sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt khoảng 5,16 triệu tấn, tăng khoảng 3,2%; sản lượng thủy sản đánh bắt đạt khoảng 3,59 triệu tấn, giảm khoảng 3,5%...