Theo báo Nga Nezavisimaya Gazeta, động thái này có thể xảy ra ngay cả khi chưa đạt được thỏa thuận mới trong Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran. Lý do Nhà Trắng hành động như vậy nhiều khả năng là nhằm kiểm soát giá xăng cũng như bảo vệ cơ hội của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11 tới.
Cho đến gần đây, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Washington và Tehran sẽ đơn phương nhượng bộ. Cả hai chính phủ đều nhấn mạnh rằng bên kia nên thực hiện các bước cần thiết trước khi xem xét về một thỏa thuận mới.
Và theo tờ báo Nga, nguyên nhân khiến Nhà Trắng có thể thay đổi quan điểm là do xung đột giữa Nga và Ukraine đã khiến giá dầu tăng vọt. Cùng với đó, giá khí đốt cũng tăng theo. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng xảy ra xung đột, thỏa thuận JCPOA chưa đạt được bước tiến triển nào. Hiện nay, nền kinh tế của Iran cần tiền còn phương Tây cần một nguồn dầu thay thế.
Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Phương Đông của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, ông Vladimir Sazhin, lưu ý mặc dù nhiều thay đổi đã xảy ra kể từ cuối tháng 2 và tổng số lượng lệnh trừng phạt chống lại Nga đã vượt qua Iran, nhưng các bên vẫn chưa thể đưa ra thỏa thuận JCPOA mới, mặc dù phần văn bản của nó đã sẵn sàng đến 95%.
“Thậm chí ngay cả khi không có thỏa thuận JCPOA mới, Mỹ có thể tự giảm bớt sức ép trừng phạt. Đặc biệt, các tài sản của Iran ở Hàn Quốc và Iraq đã được giải phóng với sự đồng ý của Washington", chuyên gia này nói thêm.