Ba vụ sụp đổ ngân hàng Mỹ vào đầu năm nay khiến nhiều người trong các buổi họp cổ đông và họp với cơ quan quản lý lại quan tâm trở lại đến các vụ sáp nhập ngân hàng, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.
Tuy nhiên, việc đưa lời nói thành hành động sẽ không dễ dàng.
Cổ phiếu ngân hàng chưa hồi phục từ những đợt suy giảm trước đây trong đợt nhiều nhà đầu tư rút tiền khỏi các ngân hàng Silicon Valley Bank, Signature Bank và First Republic. Mối rủi ro suy thoái kinh tế hiện vẫn lớn dần.
Hiện nay bảng cân đối kế toán của các ngân hàng vẫn còn hàng nghìn tỷ USD thua lỗ bởi lãi suất tăng cao. Tất cả những vấn đề này cần thời gian mới có thể giải quyết được, chính vì vậy các thương vụ sáp nhập ngân hàng sẽ bị đẩy sang năm 2024.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, ngành ngân hàng sẽ tái cơ cấu ở tốc độ chưa từng thấy trong nhiều năm. Nếu thông báo về lợi nhuận ngân hàng khiến nhiều người lại lo sợ về khả năng người gửi tiền tháo chạy, động lực sáp nhập ngân hàng có thể lại dâng cao trở lại.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự báo lãi suất cao sẽ có thể dẫn đến thêm nhiều thỏa thuận ngân hàng và các cơ quan quản lý ngành ngân hàng phát đi thông điệp họ đang cởi mở với việc đó.
“Chúng tôi tất nhiên không muốn có quá nhiều vụ sáp nhập và ủng hộ việc cạnh tranh, thế nhưng điều đó cũng không đồng nghĩa là không sáp nhập”, bà Yellen nói về các vụ sáp nhập ngân hàng.
Cựu quan chức trong chính quyền Obama kiêm CEO của Lazard, ông Peter Orszag, đã hối thúc bà Yellen và nhân viên của bà dọn đường cho việc có thêm các thỏa thuận sáp nhập ngân hàng, theo những người có nguồn tin thân cận từ vụ việc.
Hiện tại, nước Mỹ đang có hơn 4.000 ngân hàng, nhiều ngân hàng trong số này đang tính đến việc phát triển những công nghệ đắt đỏ. Những chi phí này trong bối cảnh nhiều người gửi tiền thận trọng và các khoản vay trên thị trường bất động sản gặp khó, tất cả những yếu tố này đe dọa gây tổn hại đến lợi nhuận của ngành.
CEO của quỹ Huntington Bancshares, ông Stephen Steinour, nhìn thấy cơ hội cho nhiều thỏa thuận sáp nhập ngân hàng. “Chúng tôi đang nhìn vào diễn biến trong môi trường hiện tại với quan điểm rằng đó sẽ là khoảng thời gian có nhiều cơ hội cho chúng tôi. Sẽ chẳng có gì rõ ràng sẽ đến, tuy nhiên chúng tôi tin rằng sẽ vẫn có cơ hội để chúng tôi giành thị phần và phát triển ngân hàng”, ông Steinour nói.
Nhiều khả năng sẽ có những quy định mới được áp dụng. Cơ quan quản lý đang tính đến việc yêu cầu thêm ngân hàng phát hành nợ dài hạn nhằm xử lý tình trạng thua lỗ, đồng thời họ cũng đang cần nhắc đến lấp lỗ hổng quản lý vốn đã giúp cho nhiều ngân hàng quy mô trung bình xử lý được thua lỗ trên giấy tờ.
“Việc làm ăn kinh doanh theo cách như trước đây chắc chắn giờ sẽ tốn kém hơn”, chuyên gia về ngân hàng và thị trường vốn tại công ty kiểm toán PwC – ông Daniel Goerlich phân tích.
Sau làn sóng sáp nhập ngân hàng sắp tới, nhóm ngân hàng quy mô trung bình sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất, các chuyên gia nhận định.
“Nhiều khả năng sẽ có ước tính khoảng 2.500 ngân hàng tại Mỹ sau 10 năm nữa”, ông Jordan nói.
Cơ quan quản lý ngành ngân hàng Mỹ đã thể hiện quan điểm coi việc sáp nhập ngân hàng như một giải pháp để làm giảm bất ổn trong hệ thống ngân hàng.
Trong bài phát biểu mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen dự báo khả năng nhiều ngân hàng nước này sẽ tiến hành sáp nhập do lãi suất ở mức cao.
Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, nhiều ngân hàng tại Mỹ gặp khó khăn trong việc tất toán tiền gửi cho khách hàng, đặc biệt trong bối cảnh lãi suất liên bang đang ở mức cao.
Trong khi đó, một số ngân hàng nhỏ đang phải chi trả lãi tiết kiệm nhiều hơn cho khách hàng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu có các động thái liên tục tăng lãi suất.
Chiều hướng này vẫn tiếp tục diễn ra sau khi các ngân hàng Sillicon Valley và Signature Bank phá sản hồi tháng 3/2023.
Các ngân hàng nhỏ cũng phải chịu tác động lớn khi người gửi tiền có tâm lý lo lắng và chuyển dòng tiền sang các tổ chức tài chính đáng tin cậy, động thái này đã góp phần khiến lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ sụt giảm đáng kể.
Nhiều quan điểm cho rằng tuyên bố của bà Yellen là chỉ dấu cho thấy các cơ quan quản lý cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng các cuộc khủng hoảng tài chính quay trở lại.
Bộ trưởng Yellen cho biết bà không mong đợi tình trạng bất ổn sẽ tái diễn, song việc Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 của Mỹ ở mức thấp rất có thể sẽ gia tăng áp lực lên giá cổ phiếu, buộc một số ngân hàng quy mô nhỏ phải tính toán tới việc sáp nhập.