
Theo dữ liệu từ Bloomberg, các doanh nghiệp Nhật đã phát hành tổng cộng 14.700 tỷ yen (tương đương 96,8 tỷ USD) trái phiếu bằng nội tệ trong năm tài chính hiện tại (bắt đầu từ tháng 4/2024) - mức cao kỷ lục trong giai đoạn này. Động lực chính thúc đẩy xu hướng này là nhu cầu huy động vốn sớm trước khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất, làm gia tăng chi phí vay trong tương lai.
Đợt phát hành trái phiếu ồ ạt này phản ánh những thay đổi sâu rộng đang diễn ra tại Nhật Bản. BoJ đã chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng kéo dài, nền kinh tế bắt đầu phục hồi, và các cải cách quản trị doanh nghiệp buộc các công ty phải nỗ lực tìm cách tăng trưởng.
Ông Hajime Suwa, Giám đốc nhóm thị trường vốn tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, cho biết: “Hàng loạt công ty tham gia phát hành trái phiếu, và ngay cả những doanh nghiệp đã từng phát hành trước đó cũng muốn huy động lượng vốn lớn hơn”.
Theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự báo lãi suất tại Nhật sẽ tăng lên khoảng 1,1% vào năm 2027 từ mức 0,5% hiện nay. Dù chi phí đi vay có thể tăng, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vẫn lạc quan, coi đây là tín hiệu của sự phục hồi kinh tế mà Nhật Bản đã chờ đợi từ lâu.
Ông Takashi Ueda, Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn bất động sản Mitsui Fudosan, phát biểu tại một cuộc họp báo rằng: “Lãi suất tăng đồng nghĩa với tăng trưởng kinh tế. Điều này có thể tạo khó khăn trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn, đây là dấu hiệu tích cực, phản ánh sự trở lại của nền kinh tế”.
Mặc dù đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất vay của doanh nghiệp Nhật Bản vẫn thuộc nhóm thấp nhất thế giới, với mức trung bình 1,39%. Không chỉ tận dụng mức lãi suất còn thấp, các doanh nghiệp Nhật Bản còn chịu tác động từ những thay đổi trong quản trị doanh nghiệp. Tại các tập đoàn lớn, áp lực từ các nhà đầu tư và chỉ đạo từ Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo đang thúc đẩy doanh nghiệp cải thiện định giá và lợi nhuận cho cổ đông.
Tập đoàn điện tử Sony dự kiến sẽ là cái tên lớn tiếp theo tham gia thị trường với kế hoạch huy động 110 tỷ yen thông qua trái phiếu. Đáng chú ý, đợt phát hành này có thời gian chào bán ngắn hơn bình thường - một dấu hiệu cho thấy thị trường trái phiếu Nhật đang tiến gần hơn đến tiêu chuẩn toàn cầu.
Sự bùng nổ trong phát hành trái phiếu cũng diễn ra song song với làn sóng giao dịch mua bán, sáp nhập tại Nhật Bản. Tập đoàn viễn thông KDDI đã huy động vốn qua thị trường trái phiếu để tài trợ cho thương vụ mua cổ phần trong chuỗi cửa hàng Lawson, trong khi các quỹ đầu tư nước ngoài như KKR cũng đang lên kế hoạch cho các thương vụ thâu tóm lớn.
Ngoài thị trường nội địa, các công ty và ngân hàng Nhật Bản cũng đẩy mạnh phát hành trái phiếu bằng USD và euro. Theo Bloomberg, kể từ ngày 1/4/2024 tới nay, các công ty Nhật Bản đã huy động gần 89 tỷ USD qua thị trường quốc tế - mức cao nhất trong ba năm qua.
Dù hoạt động phát hành trái phiếu đang bùng nổ, một số yếu tố có thể làm giảm nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp Nhật Bản. Các công ty phi tài chính đang nắm giữ khoảng 350.000 tỷ yen tiền mặt tính đến tháng 9/2024, gấp đôi so với cuối những năm 1990.
Ngoài ra, nền kinh tế Nhật Bản cũng đối mặt với rủi ro từ các chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, gây biến động tỷ giá và tạo ra nhiều bất ổn cho các nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, điều này cũng có thể khiến các doanh nghiệp tranh thủ phát hành trái phiếu sớm hơn để tránh rủi ro thị trường.