![screenshot-2025-02-11-at-11.34.18.png](https://tttctt.1cdn.vn/2025/02/11/screenshot-2025-02-11-at-11.34.18.png)
Sáng ngày 11/2 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ký sắc lệnh áp thuế 25% lên mặt hàng hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này. Phát biểu khi ký sắc lệnh ông Trump nói: "Hôm nay, tôi đã đơn giản hóa khoản thuế của chúng ta đối với thép và nhôm. Mức thuế là 25% không có ngoại lệ hay miễn trừ".
Theo số liệu chính thức của Mỹ, hiện Canada và Mexico là những nước xuất khẩu thép lớn nhất vào Mỹ. Brazil và Hàn Quốc cũng là những nhà cung cấp thép lớn.
Trong phiên giao dịch hôm qua (ngày 10/2), một số cổ phiếu thép, tôn mạ của Việt Nam đã phản ứng tiêu cực với thông tin Mỹ áp thuế 25% thép, nhôm nhập khẩu vào nước này. Cụ thể, HPG (-4,7%), HSG (-4,5%), NKG (-3,6%) giảm sâu trong đó HPG đứng đầu về giá trị giao dịch toàn thị trường.
Phiên giao dịch sáng 11/2, HPG có xu hướng phục hồi, với mức tăng hơn 1% trong khi, HSG Và NKG tiếp tục đà giảm với biên độ +-1%.
Đánh giá nhanh về tác động của quyết định áp thuế mới từ Mỹ, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS) cho biết, những nguồn cung cấp thép lớn vào Mỹ trong giai đoạn vừa qua là Canada, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và Việt Nam. Đồng thời, Canada là nhà cung cấp nhôm lớn nhất, chiếm 79% thị phần.
Theo ông Sơn, trong năm 2018, ông Trump cũng áp thuế 25% đối với các nguồn xuất khẩu thép. Việt Nam cũng đã chịu mức thuế này. Với mức thuế cao, các quốc gia như Việt Nam và Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ với tỷ trọng khá nhỏ, chỉ đâu đó khoảng 3%. Do đó, ảnh hưởng đối với Việt Nam không lớn.
“Một số cổ phiếu có thể chịu ảnh hưởng sẽ là HPG, NKG, HSG, GDA. Trong đó, những cổ phiếu chịu ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm tôn mạ. Tỷ trọng sản lượng xuất khẩu của nhóm tôn mạ sang Mỹ là rất lớn. Ví dụ, GDA xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 35%, NKG chiếm khoảng 25%, HSG 15%. Riêng HPG chỉ dưới 5%”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, nhìn chung, trong giai đoạn nửa đầu năm 2025, những yếu tố liên quan đến thị trường xuất khẩu, đặc biệt mặt hàng Việt Nam có thể chịu thuế chung với toàn cầu, hoặc những mặt hàng Mexico, Canada và Trung Quốc bị đánh thuế, có thể sẽ gây ảnh hưởng về thông tin, tác động tới giá cổ phiếu.
Trước đó, nhận định về ngành thép năm 2025, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường xuất khẩu tiếp tục khó khăn và thị trường nội địa sẽ là điểm tựa. Khó khăn trong hoạt động xuất khẩu đến từ việc HRC, CRC, thép mạ và thép dây đang bị điều tra về hành vi bán phá giá. Đáng chú ý là các quốc gia khởi xướng đều là các thị trường xuất khẩu thép lớn của ngành như khu vực EU, Ấn Độ, Malaysia hay Mỹ.
“Trong năm 2025, tốc độ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu sản phẩm thép các loại dự báo giảm tốc từ tác động tiêu cực của làn sóng bảo hộ ngành thép toàn cầu. Cụ thể, chúng tôi dự báo sản lượng xuất khẩu tôn mạ và HRC lần lượt là 2,9 triệu tấn (-7,3% so với cùng kỳ) và 2,2 triệu tấn (-9,9% so với cùng kỳ).
Các sản phẩm còn lại ghi nhận tăng trưởng dương nhưng dự kiến giảm tốc so với mức thực hiện trong năm 2024 bao gồm thép xây dựng, ống thép và CRC”, chuyên gia FPTS cho biết.