Vào lúc 7 giờ 58 phút theo giờ Việt Nam, cổ phiếu của Jeju Air giảm 8,4%, sau khi đã có lúc giảm tới 15,7% xuống còn 6.920 won/cổ phiếu, mức thấp nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2015. Cổ phiếu của AK Holdings, công ty mẹ của Jeju Air, cũng giảm tới 12% và chạm mức thấp nhất trong 16 năm.
Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 29/12 tại Sân bay Quốc tế Muan là vụ tai nạn chết người đầu tiên của Jeju Air, hãng hàng không giá rẻ được thành lập năm 2005 và là hãng hàng khônglớn thứ ba Hàn Quốc tính theo số lượng hành khách.
Quyền Tổng thống Hàn Quốc Choi Sang-mok ngày 30/12 đã ra lệnh kiểm tra an toàn khẩn cấp toàn bộ hệ thống hoạt động của các hãng hàng không trong nước sau khi công tác cứu hộ vụ tai nạn của Jeju Air hoàn tất.
Trong số các hãng hàng không giá rẻ khác, giá cổ phiếu của Air Busan tăng hơn 15%. Trong khi đó, giá cổ phiếu của Jin Air và T'way Air giảm sau khi tăng lần lượt 5,4% và 7,3%. Cổ phiếu của hai hãng hàng không lớn của Hàn Quốc là Korean Air Lines giảm 1,3% và Asiana Airlines giảm 0,8%.
Ông Yang Seung-yoon, nhà phân tích tại Eugene Investment Securities nhận định sẽ mất thời gian để đánh giá nguyên nhân vụ tai nạn, nhưng tâm lý người tiêu dùng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, vì uy tín rất quan trọng đối với các hãng hàng không giá rẻ, khi mà ghế ngồi và dịch vụ của họ không khác biệt nhiều so với nhau.
Các quan chức cho biết nhiều nạn nhân của vụ tai nạn máy bayhôm 29/12 có vẻ như đang trên đường trở về sau kỳ nghỉ lễ.
Cổ phiếu của các công ty du lịch cũng giảm, trong đó cổ phiếu của Hanatour Service giảm tới 7% và Very Good Tour giảm tới 11%.
Trong một diễn biến liên quan, phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc cho hay một máy bay của Jeju Air đã phải hạ cánh khẩn cấp với lỗi tương tự trong vụ tai nạn ở Muan.
Chuyến bay 7C101 của hãng Jeju Air khởi hành từ Sân bay quốc tế Gimpo đến Jeju lúc 6h37 phút sáng 30/12 theo giờ địa phương , đã phát hiện sự cố với bánh đáp ngay sau khi cất cánh, sự cố giống như của máy bay gặp nạn ngày 29/12.
Hãng Jeju Air đã thông báo cho 161 hành khách về lỗi cơ học do sự cố bánh đáp và sau đó đã quay trở lại Gimpo lúc 7h25 phút sáng cùng ngày theo giờ địa phương. Jeju Air có kế hoạch tiếp tục hoạt động sau khi chuyển sang máy bay thay thế.
Bộ phận hạ cánh là thiết bị thiết yếu liên quan trực tiếp đến an toàn bay, đảm bảo cất và hạ cánh an toàn đồng thời giảm thiểu tác động trong trường hợp hạ cánh khẩn cấp.
Máy bay gặp sự cố ngày 30/12 là một chiếc Boeing B737-800, cùng loại với chiếc máy bay gặp thảm họa ngày hôm trước. Jeju Air khai thác 39 chiếc máy bay thuộc kiểu này trong đội bay gồm 41 chiếc.