![a-nh-ma-n-hi-nh-2024-08-07-lu-c-17-49-34-20240807175007.png](https://image.bnews.vn/MediaUpload/Org/2024/08/07/a-nh-ma-n-hi-nh-2024-08-07-lu-c-17-49-34-20240807175007.png)
Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sắp hoàn tất việc bán số cổ phiếu trị giá hàng triệu USD mà họ mua từ các ngân hàng gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng tài chính cách đây hai thập kỷ, sớm hơn kế hoạch ban đầu. Diễn biến này khiến giới đầu tư đặc biệt quan tâm đến số cổ phiếu quỹ hoán đổi danh mục (ETF) mà BoJ đang nắm giữ với quy mô lớn hơn nhiều.
Theo báo cáo tài chính mới nhất của BoJ, giá trị sổ sách của lượng cổ phiếu mà ngân hàng này nắm giữ tính đến ngày 10/2 còn khoảng 52,8 tỷ yen (345 triệu USD). Với tốc độ bán ra trung bình khoảng 10 tỷ yen mỗi tháng trong những năm gần đây, BoJ có thể hoàn tất việc bán số cổ phiếu còn lại trong vòng năm tháng tới, sớm hơn thời hạn tháng 3/2026 như cam kết hồi năm 2015.
Giới đầu tư đang theo sát động thái này. Nhiều chuyên gia nhận định BoJ khó có khả năng bán cổ phiếu ngân hàng và ETF cùng lúc vì lo ngại tác động tiêu cực đến thị trường. Nếu BoJ kết thúc sớm việc bán cổ phiếu ngân hàng, khả năng cao họ sẽ sớm thảo luận với các bên liên quan về kế hoạch xử lý số cổ phiếu ETF, có thể ngay trong năm nay.
Việc xử lý lượng cổ phiếu ETF khổng lồ là một trong những bài toán quan trọng nhất của Thống đốc BoJ Kazuo Ueda. Kể từ khi nhậm chức, ông đã từng bước rút lại các chính sách nới lỏng tiền tệ từ thời người tiền nhiệm, nhưng vẫn chưa đề cập chi tiết đến kế hoạch với ETF.
Trong 12 tháng qua, ông Ueda đã ba lần nâng lãi suất và công bố kế hoạch thắt chặt định lượng (QT) thông qua việc bán bớt trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, ông vẫn duy trì quan điểm rằng cần thêm thời gian để quyết định số phận của các ETF.
Theo số liệu mới nhất, BoJ đang nắm giữ lượng cổ phiếu ETF trị giá khoảng 37.000 tỷ yen (242 tỷ USD) theo giá trị sổ sách. Nếu tính theo giá trị thị trường, con số này đã lên tới 70.300 tỷ yen vào cuối tháng 9/2024.
BoJ bắt đầu mua vào cổ phiếu quỹ ETF từ tháng 12/2010 như một phần của chương trình kích thích tiền tệ nhằm thúc đẩy lạm phát. Dưới thời Thống đốc Haruhiko Kuroda, chương trình mua tài sản được mở rộng đáng kể, khiến BoJ trở thành cổ đông lớn nhất trên thị trường chứng khoán Nhật Bản trước khi ông Ueda chính thức dừng hoạt động này vào tháng 3/2024.
Dù giá trị cổ phiếu ngân hàng mà BoJ đang bán ra tương đối nhỏ so với lượng cổ phiếu ETF, quá trình xử lý số tài sản này vẫn mất đến một thập kỷ. Ngân hàng này bắt đầu bán cổ phiếu từ tháng 10/2007 nhưng tạm dừng một năm sau do khủng hoảng tài chính. Đến năm 2015, BoJ tuyên bố sẽ nối lại hoạt động bán từ tháng 4/2016 và kéo dài trong một thập kỷ.
Vấn đề ETF đang thu hút sự chú ý của các chính trị gia Nhật Bản trong bối cảnh chính phủ tiếp tục mở rộng chi tiêu tài khóa, dù đang gánh khoản nợ công lớn nhất trong số các nước phát triển. Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản đã đề xuất chuyển số cổ phiếu ETF này sang Chính phủ để sử dụng cho các chương trình hỗ trợ trẻ em.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng Nhật Bản có thể học theo mô hình của Hong Kong (Trung Quốc) năm 1998, khi chính quyền Khu Hành chính đặc biệt này gom toàn bộ cổ phiếu mua được sau cuộc khủng hoảng tài chính vào một quỹ đầu tư niêm yết riêng biệt trước khi bán dần ra thị trường. Một phương án khác là Chính phủ Nhật Bản có thể lập ra một tổ chức để bán cổ phiếu ETF vào những thời điểm thích hợp hoặc chuyển giao cho các nhà đầu tư tổ chức dài hạn.