Trong những tháng đầu năm 2023, bức tranh kinh tế Việt Nam đã thể hiện những gam màu không được tươi sáng. Mặc dù đã dự báo trước về những khó khăn sau giai đoạn dịch COVID-19, tuy nhiên với việc GDP chỉ tăng 3,3% trong quý 1 năm nay - mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, đã đặt ra nhiều thách thức cho việc duy trì đà tăng trưởng.
Một năm thách thức
Cụ thể, một trong những đầu tàu cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là lĩnh vực thương mại đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh chu kỳ thương mại toàn cầu sụt giảm. Đặc biệt, việc các đối tác thương mại chính của Việt Nam như Mỹ và châu Âu vẫn đang cố gắng kiểm soát và giảm lạm phát về mức mục tiêu thông qua việc tiếp tục tăng lãi suất điều hành, đã tác động lên triển vọng kinh tế, thu nhập và chi tiêu của người tiêu dùng, kinh tế bắt đầu bộc lộ một số khó khăn.
Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu giảm tới 11,6% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày, điện thoại thông minh và đồ nội thất bằng gỗ đều sụt giảm đáng kể. Dữ liệu tháng 5 cho thấy sự sụt giảm đơn hàng tại ba thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam: Mỹ, Trung Quốc và EU.
Tất nhiên, bức tranh nhìn chung không hoàn toàn chỉ một màu xám, lĩnh vực dịch vụ tiếp tục là điểm sáng phần nào bù đắp cho những suy yếu trong thương mại. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm dịch vụ liên quan đến du lịch như du lịch lữ hành ghi nhận mức doanh thu tăng ấn tượng 89,4% và dịch vụ lưu trú, ăn uống cũng tăng trưởng tích cực ở mức 22,1%.
Điều đáng mừng là lượng khách du lịch quốc tế đã tăng gần 2 triệu lượt trong tháng 4 và tháng 5, nhờ lượng khách du lịch Trung Quốc tăng 70% so với tháng trước. Sự phục hồi tích cực nhờ nới lỏng các hạn chế về chuyến bay và việc Trung Quốc đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn vào giữa tháng 3.
Tính đến tháng 5, Việt Nam đang dẫn đầu khu vực châu Á về mức độ phục hồi chuyến bay với Trung Quốc. Sự phục hồi liên tục của ngành du lịch tạo động lực lớn hơn cho thị trường lao động của Việt Nam, từ đó hỗ trợ tiêu dùng cá nhân khi doanh số bán lẻ vẫn tăng trưởng gần 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, mặc dù tăng trưởng gặp nhiều khó khăn, lạm phát của Việt Nam trong năm nay vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn khá xa mức trần lạm phát 4,5% đề ra của Quốc hội.
Lạm phát đã liên tục hạ nhiệt trong nhiều tháng. Trong tháng 5, mặc dù chi phí nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1% so với tháng trước, nhưng chi phí vận chuyển thấp hơn đáng đã bù đắp một phần rủi ro tăng giá. Tuy nhiên, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm là vẫn hiện hữu, trong bối cảnh giá dầu có thể tăng ngoài dự đoán, cũng như ảnh hưởng từ lộ trình tăng giá điện.
Về lĩnh vực FDI, tương tự như các quốc gia khác trong khu vực, dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng trong bối cảnh các điều kiện tiền tệ toàn cầu thắt chặt hơn. Tuy nhiên, Việt Nam trên thực tế tổng thể bức tranh FDI của Việt Nam vẫn ghi nhận nhiều điểm tích cực. Cụ thể, dòng vốn FDI tính theo % GDP vào Việt Nam vẫn đứng đầu ASEAN, chỉ sau Malaysia. Trong 5 tháng đầu năm, vốn đăng ký cấp mới tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là các dự án trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 84,2%) phản ánh mối quan tâm liên tục đến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất.
Bất chấp bức tranh thương mại trong ngắn hạn đầy thách thức, dòng vốn FDI nhất quán sẽ bổ sung thêm năng lực cạnh tranh cho ngành sản xuất trong tương lai cho Việt Nam.
Triển vọng phía trước
Trong bối cảnh kinh tế 5 tháng đầu năm đối diện với rất nhiều khó khăn bao gồm cả các yếu tố trong và ngoài nước, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay đạt mức 5,2%.
Trong ngắn hạn, Việt Nam có khả năng tiếp tục đối diện với những rủi ro hiện hữu, ít nhất trong quý 2 năm nay, trước khi có thể bắt đầu hồi phục vào quý 3 khi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ dần có tác dụng.
Chỉ số PMI vẫn cho thấy những khó khăn trong lĩnh vực sản xuất và thương mại, đặc biệt là lĩnh vực hàng điện tử, sẽ mất một thời gian đến khi chu kỳ hàng điện tử toàn cầu thật sự hồi phục. Không chỉ riêng Việt Nam, các quốc gia khác như Đài Loan và Hàn Quốc cũng gặp khó khăn tương tự trong lĩnh vực hàng điện tử hiện nay.
Ở chiều ngược lại, những kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực dịch vụ sẽ tiếp tục là đầu tàu cho hồi phục kinh tế trong những tháng còn lại của năm. Mặc dù giảm nhẹ từ mức cao nhất của tháng 4, Việt Nam đã đón hơn 900.000 lượt khách du lịch trở lại, đưa mức phục hồi du lịch lên khoảng 70% so với mức của năm 2019.
Số lượng khách du lịch từ Trung Quốc đại lục đã phục hồi lên 35% so với mức của năm 2019, vì vậy dư địa cho tăng trưởng của lĩnh vực này vẫn còn rất lớn, kéo theo nhiều tác dụng tích cực tới kinh tế trong nửa sau 2023. Tính chung từ đầu năm, Việt Nam đã đón 4,6 triệu khách du lịch quốc tế, đạt 60% mục tiêu 8 triệu của năm 2023.
Và đặc biệt, với khả năng nới lỏng các hạn chế về thị thực đang được Quốc hội xem xét, Việt Nam có thể sẽ chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ hơn nữa từ du lịch quốc tế.
Để hỗ trợ nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời linh hoạt trong việc điều hành chính sách tiền tệ trong những tháng gần đây. Việc cắt giảm lãi suất điều hành, hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước đã giúp mặt bằng lãi suất giảm đáng kể so với thời điểm những tháng đầu năm và được kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, qua đó hỗ trợ các doanh nghiệp, nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, đầu tư và tác động tích cực lên nền kinh tế.
Bên cạnh chính sách tiền tệ, chính phủ đã yêu cầu và đôn đốc các bộ ngành, địa phương trong việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đặc biệt những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, sản xuất và đầu tư trong nước, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Như đã nêu trên, 2023 là một năm đầy thách thức. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng trong bối cảnh khó khăn. Tốc độ tăng trưởng được dự báo sẽ chậm lại, nhưng nhiều khả năng Việt Nam vẫn sẽ nằm trong nhóm tăng trưởng mạnh ở ASEAN và châu Á trong năm nay.
* Về tác giả: Ông Ngô Đăng Khoa là Giám đốc Khối Ngoại hối, Thị trường vốn và Dịch vụ chứng khoán, Ngân hàng HSBC