Khác với 2 năm 2022 và 2023, tỷ giá đã nóng ngay từ đầu năm 2024. Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Chuyên gia Kinh tế - Tài chính, người sáng lập Think Future Consultancy, tính từ đầu năm tỷ giá đã tăng 4,9%, cao hơn cả mức mất giá của cả năm 2022 là 3,4%. Nếu tính từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu phát hành tín phiếu để hút thanh khoản nhằm hỗ trợ tỷ giá (ngày 11/3), tỷ giá đã tăng 3,1%.
Trước năm 2022, tỷ giá thường rất ổn định, thậm chí đồng VND lên giá. Sang năm 2022, tỷ giá bắt đầu mất giá nhanh. Việc FED nâng lãi suất đã khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền trên thế giới. Chỉ số đô la (DXY) nếu tính từ đầu năm 2022 đến 22/5/2024 đã tăng 9%.
Ngoài yếu tố đồng USD lên giá trên toàn cầu thì tại mỗi quốc gia cũng có những nhân tố riêng tác động thêm vào tỷ giá. Với Việt Nam, lãi suất điều hành giảm để thúc đẩy kinh tế là khá khác biệt với phần còn lại của khu vực và thế giới.
“Về lý thuyết, lãi suất là nhân tố quyết định hàng đầu đến giá trị đồng tiền. Kể từ năm 2022, lãi suất đồng VND đã không còn cao hơn USD, đặc biệt kể từ cuối 2023 đến nay khoảng cách chênh lệch này đã được nới rộng khi lãi suất ở Việt Nam đã xuống mức “thấp nhất 20 năm”. Chênh lệch lãi suất là nguyên nhân của hiện tượng carry trade và tâm lý găm giữ ngoại tệ, làm giảm nguồn cung USD bán ra trên thị trường”, ông Linh phân tích.
Chỉ số đô la (DXY) sau giai đoạn tăng mạnh đầu năm 2022 đã giảm rồi đi ngang do NHTW các nước tăng lãi suất để bảo vệ đồng nội tệ. Nếu tính từ đầu năm 2023 đến nay thì chỉ số này chỉ tăng 1.3%. Trong khi đó đồng VND mất giá tới 7,9%.
Áp lực tỷ giá sẽ còn kéo dài
Nhìn lại năm 2023, Ông Hùng Linh cho rằng, mặc dù chênh lệch lãi suất đã bắt đầu xuất hiện nhưng tỷ giá chưa quá căng. Đó là do Việt Nam đã tăng xuất siêu (mà đằng sau đó là do tăng trưởng kinh tế chậm), giúp tăng nguồn cung ngoại tệ. Sang năm 2024, khi các hoạt động kinh tế ấm lên, kéo theo nhu cầu nhập khẩu cao, tỷ giá căng có lẽ là điều khó tránh khỏi.
Theo ông Hùng Linh, điều hành tỷ giá ổn định rất cần sự linh hoạt, nhất là trong bối cảnh những yếu tố tác động bên ngoài khó lường. Lạm phát cao đã khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa có động thái rõ ràng về việc có giảm lãi suất hay không. Một số nước như Indonesia thì lại vừa tăng lãi suất điều hành thêm 0,25% trong tháng 4.
“Nhìn lại các năm vừa qua, chúng ta thấy có nhiều công cụ để kiểm soát tỷ giá mà NHNN có thể sử dụng. Các công cụ này có thể tóm gọn ở ba bước.
Bước 1 là hút thanh khoản, bằng tín phiếu và các nghiệp vụ khác để nâng lãi suất liên ngân hàng.
Bước 2 là bán dự trữ ngoại hối, có thể ít, có thể nhiều để thăm dò và ổn định thị trường.
Bước 3 là tăng lãi suất điều hành trong trường hợp các bước 1 và 2 chưa đủ để hạ nhiệt tỷ giá”, ông Linh nói.
Hiện nay, NHNN đã thực hiện bước 1 và 2. Vào ngày 19/4, NHNN đã thông báo bán dự trữ ngoại hối giao ngay (spot). Vào thời điểm đó, giá bán của NHNN được để ở mức 24.450 VND/USD, cao hơn so với tỷ giá tham chiếu 4,91%. Ngay khi có thông báo này, thanh khoản ngoại hối đã được cải thiện, một số đơn vị đã đẩy mạnh bán ra USD. Trong tuần cuối tháng 4, tỷ giá đã chững lại và giảm, dù rất ít, 0,06% so với tuần trước đó.
Mặc dù các cơ quan quản lý đã rất nỗ lực để kiểm soát tỷ giá nhưng trong bối cảnh xuất siêu giảm và môi trường lãi suất thấp, áp lực lên cung cầu ngoại tệ sẽ còn kéo dài. Sau 4 tuần tạm lắng, tỷ giá lại bắt đầu nhích tăng. Ngày 22/5 tỷ giá ở chiều mua vào đã tăng lên 25.236đ/USD, tạo ra đỉnh cao mới.
Theo ông Linh, các giải pháp vừa qua là hút thanh khoản hay bán dự trữ ngoại hối sẽ khó đủ để tiếp tục ổn định tỷ giá trong thời gian dài. Trong bối cảnh đó, lãi suất có lẽ sẽ là công cụ hữu hiệu nhất để kiểm soát đồng VND.