Sẵn sàng can thiệp tỷ giá
Sáng nay (19/4), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 1/2024. Phát biểu buổi họp báo, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, trong quý 1/2024, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.
“Tuy nhiên, NHNN sẵn sàng can thiệp tỷ giá nếu có biến động, kể cả ngay lúc này”, ông Đào Minh Tú khẳng định.
Chi tiết thêm, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết NHNN đã điều hành lượng tiền và song song có biện pháp mạnh mẽ hơn.
"Ngày hôm nay, trên website NHNN đã công bố phương án can thiệp ngoại tệ. Kể từ ngày hôm nay, NHNN công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các TCTD có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng", ông Quang cho biết.
Đây được đánh giá là biện pháp mạnh mẽ của Nhà điều hành để giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.
Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng cho biết, ngay khi NHNN có công bố, thị trường đã có phản ứng tích cực, giải dịch ngoại tệ đã dưới mức bán ra của NHNN.
Về điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, lãi suất tiền gửi và cho vay mới của các NHTM giảm so với cuối năm 2023. Theo báo cáo lãi suất của các NHTM, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Nhờ đó, tín dụng trong tháng 3/2024 đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.
Trong điều hành tỷ giá, về cơ bản, mặc dù tỷ giá có diễn biến tăng khoảng 4,9% từ đầu năm, nhưng thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD.
Đối với thị trường vàng, từ đầu năm 2024 đến nay, theo ông Đào Minh Tú, giá vàng quốc tế đang lên rất cao, hiện đang vượt mốc 2.400 USD/ounce do tác động yếu tố tâm lý, chiến tranh lan rộng, đặc biệt lo sợ căng thẳng Trung Đông leo thang và sức ép từ giá dầu.
Cũng theo ông Tú, các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm lãi suất trong năm 2024 khiến chỉ số đồng USD (DXY) giảm điểm, nhu cầu về vàng tăng, ngân hàng trung ương một số nước tăng mua vàng. Đây là tác động đến cả nền kinh tế thế giới chứ không riêng Việt Nam.
Ông Tú cho biết NHNN đang triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu. Cùng với đó, NHNN đang gấp rút sửa Nghị định 24 để quản lý thị trường vàng phù hợp với sự phát triển chung của nền kinh tế sau 12 năm thực thi.
Chính thức đấu thầu vàng vào đầu tuần tới
Tại cuộc họp báo, thông tin thêm về thị trường vàng, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối cho biết, hiện NHNN đã sẵn sàng tăng cung vàng miếng SJC theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Ông Tuấn thông tin, NHNN đã trình Thủ tướng báo cáo tổng kết Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng đã lấy ý kiến các bộ ngành. Ngoài việc đánh giá đúng vai trò của nghị định trong hơn 10 năm qua và xem xét trong bối cảnh hiện nay. NHNN xem xét bỏ độc quyền vàng miếng SJC và có thêm nhiều thương hiệu vàng miếng khác.
Liên quan đến vấn đề đấu thầu vàng, ông Tuấn cho biết, ngay chiều nay (19/4) sẽ gửi thông báo cho 15 tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đủ điều kiện đấu thầu vàng để triển khai ngay trong thứ 2 tuần tới (ngày 22/4).
Cụ thể, NHNN sẽ gửi thông báo trước 1 ngày đấu thầu. Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu.
Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua. Một tiếng sau khi đóng thầu, NHNN sẽ công bố kết quả. Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.
Nói thêm về việc nhập khẩu vàng, theo ông Tuấn, trong Nghị định 24 quy định rõ với những doanh nghiệp nào có hợp đồng gia công với nước ngoài, việc nhập khẩu vàng nguyên liệu được thực hiện qua chi nhánh NHNN. Thời gian tới, NHNN yêu cầu các chi nhánh nắm bắt nhu cầu nhập khẩu và báo cáo lại.
Theo ông Tuấn, việc quản lý thị trường vàng ngoài NHNN phải có sự phối hợp với Bộ Công Thương và Tài chính thật hiệu quả.