Chi phí logistics tăng cao làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực châu Mỹ - châu Âu, là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam.
Ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể
Ngành logistics là một trong những ngành hàng tăng trưởng nhanh và ổn định nhất với mức tăng trưởng trung bình 14-16%/năm, đóng góp vào GDP từ 4-5%.
Phát biểu tại Diễn đàn Logistics khu vực châu Âu, châu Mỹ đầu tuần này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, nhờ sự quan tâm của Chính phủ cũng như những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.
Theo Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do Agility vừa công bố, Việt Nam đứng thứ 11 trong bảng xếp hạng Top 50 quốc gia đứng đầu thị trường logistics mới nổi, đứng thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á.
Châu Âu và châu Mỹ đã được biết đến là khu vực thị trường quan trọng, là nơi có những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Hoa Kỳ (lớn nhất), Liên minh châu Âu (lớn thứ 3) cùng nhiều đối tác quan trọng và tiềm năng khác. Năm 2021, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và khu vực châu Âu và châu Mỹ đạt mức tăng trưởng ấn tượng gần 21%, đạt gần 212 tỷ USD.
Bước sang năm 2022, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát tăng cao, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn ảnh hưởng tiêu cực tới dòng chảy thương mại thế giới. Tuy nhiên, hết tháng 11/2022 kim ngạch thương mại tiếp tục tăng trưởng tốt ở mức 11,8%, đạt 212 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 171 tỷ USD tăng gần 16%, xuất siêu sang khu vực đạt hơn 128 tỷ USD.
Đối với khu vực thị trường đầy hứa hẹn này, các giải pháp logistics đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì tính bền vững, nâng cao tính chống chịu của chuỗi cung ứng, cũng như nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, mở ra cánh cửa cho nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Năm 2023 được nhận định tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và logistics Việt Nam, khi phải đối mặt với những hệ lụy do ảnh hưởng của lạm phát, rủi ro suy thoái kinh tế của các nền kinh tế lớn dẫn đến việc suy giảm các đơn hàng xuất khẩu tại các thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, EU …
Đặc biệt tại các tuyến vận tải đi châu Âu và châu Mỹ, nỗi lo mới của ngành hàng vận tải toàn cầu là tình trạng dư thừa container đang xảy ra tại nhiều cảng lớn ở hai khu vực này.
Chi phí logistics của Việt Nam cao gấp đôi các nền kinh tế phát triển
Bà Võ Thị Phương Lan – Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty ASL Logistics cho biết, từ tháng 7/2022 cước vận tải quốc tế đã giảm nhiều so với năm 2021, và đến quý 4/2022 cước vận tải quốc tế đang có xu hướng trở về trạng thái bình thường như trước giai đoạn 2019-2020 khi mà tình trạng tắt nghẽn cảng đã được cải thiện nhiều tại các cảng trên thế giới, tình trạng khan hiếm container rỗng đã được giải quyết.
Tình trạng khan hiếm chỗ nay đã không còn, các khách hàng có thể lựa chọn nhiều hãng tàu vận chuyển phù hợp. Tuy vậy, chi phí logistics của Việt Nam vẫn chiếm khoảng 17% giá trị hàng hóa, cao gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển, trong đó chi phí vận tải chiếm tới 60%.
Để có thể kéo giảm chi phí logistics bà Lan đề xuất 4 giải pháp như sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp cần thay đổi điều kiện bán hàng/mua hàng sang CIF thay vì FOB nhằm mục đích chủ động hơn trong việc sử dụng các lịch vận chuyển phù hợp, tìm kiếm nhà cung cấp cạnh tranh uy tín nhằm tiết kiệm chi phí cước tàu và các rủi ro trong quá trình vận chuyển.
Thứ hai, swap container giữa hàng xuất - nhập. Các nhà xuất - nhập khẩu nên thỏa thuận với các hãng vận chuyển cho phép áp dụng chính sách swap container hàng xuất - nhập nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển khi giá dầu liên tục biến động.
Thứ ba, kiểm soát các phụ phí hàng xuất/nhập thu theo định mức tiêu chuẩn tránh thu tràn lan.
Thứ tư, tối ưu hóa chi phí logistics bằng cách sử dụng tích hợp chuỗi dịch vụ khai báo hải quan và vận chuyển nội địa.
Chi phí logistics nội địa và xuất khẩu cao làm khó ngành gỗ
Ông Nguyễn Chánh Phương – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết, ngành gỗ có khoảng 60 - 65% xuất đi thị trường Mỹ, 50% xuất đi châu Âu, còn lại khoảng 25% đi khu vực Đông Bắc Á gồm các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Năm nay xuất khẩu gỗ ước đạt hơn 15 tỷ USD, tăng từ 7% - 8% so với năm 2021. Số tăng này rơi vào giai đoạn đầu năm, vì giai đoạn cuối năm cũng như tất cả những ngành hàng khác kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đã bị sụt giảm. Sự sụt giảm này diễn ra trong bối cảnh dù chi phí logistic đã tốt hơn rất nhiều nhưng do nhu cầu của thế giới giảm sâu.
Những nơi làm đồ gỗ xuất đi thị trường Mỹ đang tập trung vào TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai nên khi xuất hàng phải đi qua các cảng Cát Lái, Cái Mép và các cảng trung chuyển (cảng ICD) và chi phí logistics đối với ngành gỗ có các bài toán cả chi phí logistic nội địa và chi phí logistics xuất khẩu.
Ông Phương cho biết thêm, chi phí một container hàng xuất khẩu mất từ 20 ngàn đến 30 ngàn USD, mức phí này chiếm gần 30% giá trị hàng hóa khiến cạnh tranh rất khó. Vào tháng 4/2022, chi phí logistics xuất hàng đi hai thị trường chính là châu Âu và châu Mỹ tuy vẫn còn rất cao và giá thuê container rỗng từ 12.000 đến 13.000 USD, nhưng so với năm 2020 và năm 2021 thì mức giá này cũng đã đỡ hơn nhiều.
Bên cạnh đó, chi phí logistic nội địa cũng là bài toán lớn cho doanh nghiệp, vì giá cước nội địa vẫn còn đứng bền vững ở mức cao và có xu hướng tăng lên nữa nếu không giải quyết được vấn đề lưu thông nội địa.
Chi phí logistics nội địa tác động lên ngành gỗ ở 2 đầu vận chuyển nguyên liệu và vận chuyển hàng đến các cảng để xuất khẩu, vì miền Bắc và miền Trung là nơi cung cấp nguyên liệu ngành gỗ, cộng với nguyên liệu nhập khẩu doanh nghiệp phải vận chuyển về cảng Đồng Nai.
Tuy nhiên, ngành gỗ có lợi thế rất lớn là hệ thống cảng, đặc biệt là cảng Quy Nhơn, Chân Mây và các cảng Miền Bắc rất thuận lợi để xuất khẩu dăm, viên nén và tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Miền Trung làm ra dăm, viên nén và có hệ thống cảng xuất khẩu thuận lợi, nhưng di chuyển những nguyên liệu gỗ từ miền Trung vào miền Nam cho lại làm một bài toán thứ hai. Do vậy, các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào các tuyến vành đai 3, vành đai 4 cùng với hệ thống cảng ở TP.HCM hoàn thành sẽ cắt giảm được chi phí logistic giúp cho các ngành hàng phát triển bền vững.
“Thật ra logistics có chi phí cao là lãng phí, thì thà chúng ta dành chi phí đó trả lương cho nhân công hay sử dụng vào những việc có thể tạo ra giá trị. Do vậy, những gì lãng phí thì nhà nước, doanh nghiệp và các ngành hàng nên ngồi lại tính toán nhằm tạo ra giá trị gia tăng bền vững cho ngành hàng và xã hội”, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký HAWA nói.