Ngày 26/11, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP.Hải Phòng tổ chức Diễn đàn logistics Việt Nam 2022 nhằm đẩy mạnh phát triển ngành logistics, tạo liên kết với các ngành sản xuất thương mại trong nước và xuất nhập khẩu.
Với chủ đề “Logistics xanh”, diễn đàn năm nay gắn với mối quan tâm của Chính phủ trong đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh hoá, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Những điểm nghẽn lớn
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, logistics là ngành dịch vụ được ví như mạch máu của nền kinh tế quốc dân có vai trò quan trọng trong kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, xuất nhập khẩu và thương mại điện tử phát triển nhanh, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển dịch vụ logistics.
Nhận thức được vấn đề đó, nhiều năm qua Chính phủ đã ban hành và thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách để khắc phục khó khăn, thúc đẩy logistics phát triển.
“Với sự quan tâm sát sao của Chính phủ, thực hiện nghiêm túc của các Ban, Bộ, ngành, đặc biệt là sự nỗ lực vượt bận của các doanh nghiệp dịch vụ logistics của Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng 2 con số, duy trì vị thế của ngành trong khu vực và thế giới”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhìn nhận.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công ThươngTuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, ngành logistics còn nhiều tồn tại như: Phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chi phí cao, năng lực cạnh tranh hạn chế, liên kết với các ngành hàng xuất khẩu chưa chặt chẽ, thiếu nhân lực chất lượng cao… Đây là điểm nghẽn lớn kìm hãm sự phát triển của ngành logistics.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định, ngành logistics Việt Nam nói chung và năng lực hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của các doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng đã được quan tâm đầu tư phát triển, chất lượng được nâng cao.
Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỉ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022 - 2027 của thị trường được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ươngTheo đó, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép.
Số lượng và chất lượng dịch vụ logistics được nâng cao, qua đó giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tỉ lệ ngày càng cao so với quy mô GDP, tăng từ 72,9% năm 2015 lên 93,3% năm 2021.
Khối lượng vận tải hàng hóa của Việt Nam liên tục tăng ở mức mức cao trong giai đoạn từ 2015 tới nay, bình quân khoảng 17%/năm, từ mức 1,15 tỉ tấn (2015) lên 1,64 tỉ tấn (2021), đóng góp của lĩnh vực logistics vào GDP hằng năm ở mức 4 - 5%.
“Tuy vậy, chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu, chưa hình hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển...", ông Trần Tuấn Anh nêu rõ.
Chú trọng định hướng phát triển "Logistics xanh"
Trước thực trạng này, Trưởng ban Trần Tuấn Anh đề nghị Bộ Công Thương cần phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan, tham mưu chính sách, trong đó có chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam. Chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics...
“Cần tổ chức triển khai thực hiện một cách thực chất chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics. Làm rõ nội hàm "logistics xanh" để thực hiện logistics xanh trong bối cảnh mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng; ban hành bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh...”, ông Trần Tuấn Anh đề xuất.
Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị các đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu tập trung trao đổi, thảo luận các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và chia sẻ về những ý tưởng, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong hoạt động dịch vụ logistics.
Đồng thời, hiến kế, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về các cơ chế chính sách, giải pháp hữu hiệu nhằm tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dịch vụ logistics.
Cũng như tận dụng tối đa những cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết để phát triển sản phẩm, đa dạng hoá thị trường và chuỗi cung ứng, thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
"Đặc biệt là các giải pháp về phát triển logistics xanh, ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần hiện thực hoá mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế", Bộ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ.
Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải PhòngVề phía địa phương, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đã nêu 5 giải pháp đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics gồm:
Thứ nhất, đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực cảng biển, logistics;
Thứ 2, tăng cường thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, hình thành các chuỗi dịch vụ logistics chuyên sâu, có giá trị gia tăng cao và liên kết vùng;
Thứ 3, quy hoạch và xây dựng các khu logistics tập trung, có quy mô lớn, gắn với hệ thống cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và thông minh;
Thứ 4, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng, giao thông trọng điểm, có tính liên kết vùng như Các bến còn lại của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, nâng cấp hệ thống giao thông kết nối đến các địa phương…;
Cuối cùng, nghiên cứu xây dựng, phát triển một số cơ sở đào tạo nhân lực phục vụ lĩnh vực dịch vụ logistics.
Còn theo GS.TS. Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thương cho rằng, logistics xanh đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 1980, là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường nhằm giảm tối đa cái tác động tiêu cực đến môi trường.
Bà Trịnh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Ngoại thươngBà Hương cho rằng, tại Việt Nam từ phía Nhà nước cần xem xét xây dựng Chiến lược và Quy hoạch phát triển logistics xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hạn chế việc sử dụng văn bản in ấn. Tiếp tục cải tiến cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; tạo thuận lợi cho vận tải đa phương thức; đầu tư, nâng cấp, quy hoạch hệ thống kho bãi phù hợp.
"Cần có chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có cơ chế về thuế và luật để tạo động lực và giảm chi phí cho doanh nghiệp như khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thay thế trong vận tải đường bộ, khuyến khích thay đổi phương thức vận tải", bà Hương nêu.
Đối với doanh nghiệp, cần xây dựng, điều chỉnh và hoàn thiện chiến lược logistics xanh; Kiểm soát logistics xanh tại kho; Cải tiến chất lượng phương tiện vận tải. Triển khai công nghệ và công nghệ thông tin tiên tiến; Tận dụng các ưu đãi của Nhà nước; Hợp tác giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics.