Hội thảo “Tăng cường liên kết vùng, phát triển các tuyến hành lang logistics Đông - Tây” nằm trong khuôn khổ hội chợ triển lãm “Chào mừng năm Đoàn kết, Hữu nghị Việt Nam - Lào 2022” diễn ra từ 3-7/11/2022 tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế (Lao-Itecc) tại Lào, do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tổ chức.
Hội thảo nhận sự quan tâm 150 các khách mời là đại diện của cơ quan ban ngành Lào, Việt Nam, các hiệp hội, chuyên gia logistics, và sự quan tâm tham gia của rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics Lào, Việt Nam cũng như khu vực Đông Bắc Thái Lan.
Lào có tiềm năng rất lớn để phát triển thành trung tâm giao thương kết nối các nước tiểu vùng sông Mekong
Nhờ có tuyến đường sắt và các tuyến đường bộ cao tốc kết nối với các nước trong khu vực, Lào đang có tiềm năng rất lớn để phát triển thành trung tâm giao thương kết nối các nước tiểu vùng sông Mekong trong thời gian sắp tới.
Đối với Việt Nam, Lào đứng thứ hai trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với 209 dự án, có tổng vốn đăng ký 5,1 tỷ USD.
Tại thị trường Lào, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu các mặt hàng như sắt thép, phương tiện vận tải, phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ, phân bón và thức ăn gia súc. Bên cạnh đó, còn rất nhiều dự án Trung Quốc đầu tư tại Lào thuận tiện để kết nối với Việt Nam, đặc biệt là thông qua tỉnh Hà Tĩnh như dự án mở rộng nhà máy của China’s East Steel và xây dựng dây chuyền sản xuất của Kali Donlinks International Investment tại tỉnh Khammuane, dự án của tập đoàn Sun Paper tại Savannakhet, dự án điện gió Sekong, ...
Hà Tĩnh là cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực Bắc Trung bộ và Đông Bắc Thái Lan
Nằm ở vị trí “vàng” trên hành lang các tuyến hàng hải quốc tế kết nối trực tiếp đến Lào, Hà Tĩnh là cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực Bắc Trung bộ và Đông Bắc Thái Lan, trung tâm logistics và điểm đến đầu tư đầy triển vọng tại khu vực miền trung. Những năm qua, Hà Tĩnh cũng đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đường bộ khá liên hoàn, thông suốt, từ đường bộ, đường hàng không đến đường biển.
Đặc biệt là tuyến đường cao tốc Bãi Vọt - Vũng Áng, các dự án đường sắt và đường bộ kết nối sang Lào. Ngoài ra, để đón hàng hóa từ cảng biển Vũng Áng sang Lào và Thái Lan, Hà Tĩnh cũng đang xúc tiến đầu tư xây dựng một cảng cạn ICD tại khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, với quy mô khoảng 5 - 10 ha, năng lực thông qua 13.500 - 27.000 TEU/năm.
Vai trò Tân Cảng Sài Gòn trong tăng cường liên kết vùng, phát triển tuyến hành lang logistics Đông Tây
Với tầm nhìn dài hạn và sứ mệnh tiên phong, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) đã và đang xây dựng các giải pháp chiến lược để phát triển toàn diện dịch vụ logistics Việt - Lào thông qua khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh.
Thượng tá Bùi Văn Quỳ - Phó tổng giám đốc TCSG phát biểu mở đầu buổi hội thảo “Tăng cường liên kết vùng, phát triển các tuyến hành lang logistics Đông - Tây”Và hội thảo “Tăng cường liên kết vùng, phát triển các tuyến hành lang logistics Đông - Tây” là diễn đàn đem đến bức tranh toàn cảnh về kết nối phát triển thị trường logistics Việt - Lào và khu vực Đông Bắc Thái Lan giúp TCSG, doanh nghiệp Việt Nam và Lào phát triển, mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội hợp tác với các đối tác tiềm năng, phát triển các giải pháp xuất khẩu hàng hóa nội địa và quốc tế hiệu quả.
Hiện nay, TCSG đã tiên phong triển khai tuyến vận tải biển nội địa Hải Phòng – Vũng Áng – TP.HCM, duy trì ổn định 2-4 chuyến/tháng, sức chở mỗi tàu là 700 Teu/tàu. TCSG cũng làm việc với Tổng cục Hải quan để hàng hóa quá cảnh của thị trường Lào, Đông Bắc Thái Lan có thể được vận chuyển bằng đường thủy nội địa từ các cảng dỡ hàng tại các khu vực khác như Hải Phòng, TP.HCM, Cái Mép, Đà Nẵng về cảng Vũng Áng và sau đó vận chuyển đường bộ đến cửa khẩu xuất tại biên giới. Ngoài ra, TCSG tiếp tục đẩy mạnh phát triển các tuyến đường bộ trên hành lang kinh tế Đông Tây và hành lang Attapeu - Bờ Y- TP.HCM.
Tại hội thảo, ông Somvixay Vongthirath - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Lào khẳng định dịch vụ logistics là một trong những lĩnh vực quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu và dịch vụ của Lào. Mặc dù Lào không có đường vận tải biển, nhưng vẫn nhận được sự giúp đỡ từ phía Việt Nam, trong việc kết nối với vận tải biển của Việt Nam.
“Trong thời gian sắp tới, bên cạnh mối quan hệ hợp tác thương mại đặc biệt giữa Lào - Việt Nam có truyền thống từ lâu đời kể từ lãnh đạo cấp cao nhà nước đến các cấp bộ, ngành, Lào sẽ tiếp tục tăng cường xúc tiến và phát triển thương mại biên giới và dịch vụ thương mại kết nối với logistics hàng quá cảnh qua Việt Nam”, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại Lào nói.
Còn Thượng tá Bùi Văn Quỳ - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thì hy vọng thông qua buổi hội thảo này các doanh nghiệp logistics Lào sẽ nhìn nhận được tiềm năng to lớn của thị trường khu vực, không chỉ riêng tại thị trường trong nước mà còn vươn ra các nước lân cận, để ngày càng khẳng định vị thế của Lào trong sự phát triển chung của cộng đồng ASEAN.
Đại diện Hiệp hội Logistics quốc tế Lào đã chia sẻ những khó khăn thực tế của các doanh nghiệp logistics tại Lào đồng thời khẳng định trong tương lai sẽ phát triển những mối liên kết hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp và hiệp hội logistics các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, các đại diện Logistics đều nhấn mạnh với sự đầu tư và phát triển cảng cạn Thanaleng tại Viêng Chăn, kết nối đường sắt giữa Lào - Côn Minh (Trung Quốc) dự án kết nối Lào - Thái Lan, cùng dự án đường sắt kết nối với khu kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh, sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp trong khu vực tối ưu chi phí về logistics. Hàng hóa trong khu vực kết nối với hệ thống cảng biển Bắc - Trung- Nam của TCSG tạo nên một hành lang logistics Đông-Tây phát triển hàng hóa khu vực với quốc tế.
Trong phần thảo luận của buổi hội thảo, các doanh nghiệp Việt Nam và Lào cũng đã nêu lên nhiều vấn đề còn tồn tại nhằm giúp các cơ quan, ban, ngành hai nước nhận diện được những vướng mắc, thách thức dần tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi xuất nhập khẩu hàng hóa xuyên suốt trong khu vực.