Theo tờ Malaya Business Insight (Malaysia), tuần qua Bộ trưởng Bộ Thương Mại Philippines Alfredo Pascual cho biết Campuchia đang xem xét khả năng xuất khẩu gạo trực tiếp sang Philippines.
Năm 2022, top 6 nước xuất khẩu gạo lớn vào thị trường Philippines lần lượt là: Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Pakistan, Ấn Độ và Trung Quốc (không có Campuchia).
Theo số liệu thống kê từ mới nhất từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, khối lượng gạo xuất khẩu vào thị trường Philippines trong tháng 01/2023 đạt 129.323 tấn, trị giá 64,552 triệu USD, giảm 44,74% về khối lượng và giảm 41,42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Campuchia có thể cung cấp cho Philippines 3 triệu tấn gạo/năm
Bộ trưởng Bộ Thương Mại Philippines đã gặp gỡ các đại biểu của Green Trade Co. và Liên đoàn gạo Campuchia - những người đã khởi xướng các cuộc đàm phán về khả năng mua gạo của quốc gia này thay vì mua từ Việt Nam, quốc gia cũng cung cấp một số gạo từ Campuchia.
“Campuchia có thể cung cấp cho Philippines tới 3 triệu tấn gạo, tương đương với khối lượng mà nước này nhập khẩu mỗi năm, và một nửa sản lượng gạo của Campuchia là thặng dư”, Bộ trưởng Bộ Thương Mại Philippines nói.
Giá dự kiến ban đầu gạo hạt dài Campuchia là 33 Peso/kg (giá CIF), tương đương trên 600 USD/tấn, trong khi đó Việt Nam chào dưới 500 USD/tấn (giá FOB), cộng cước tàu vẫn thấp hơn giá Campuchia chào.
Philippines và Campuchia bắt đầu đàm phán sơ bộ về thương mại gạo Bên Lề hội nghị cấp cao ASEAN. Các đoàn đại biểu do Quốc vụ khanh Chan Sokey phụ trách Thương mại Xanh và Okhna Chan Sokheang, chủ tịch liên đoàn lúa gạo Campuchia dẫn đầu đã có mặt tại Manila để tìm hiểu thực tế về cách Campuchia có thể đảm bảo thị trường từ Philippines, thông qua Tập đoàn Thương mại Quốc tế Philippines.
Để biết gạo Campuchia có thể cạnh tranh được với gạo Việt Nam tại thị trường Philippines hay không, theo ông Nguyễn Chánh Trung – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long trước nhất cần xét về hạ tầng ngành lúa gạo ở đất nước Chùa Tháp, vì có một thực tế là hạ tầng tại các vùng nguyên liệu lúa Campuchia gần với Việt Nam, về xử lý sau thu hoạch và xay xát họ rất lệ thuộc vào các xí nghiệp ở Việt Nam.
Các nhà máy xay xát ở Việt Nam vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc thu mua, xử lý sấy và xay xát nên nguồn lúa từ Campuchia vẫn vào nội địa và đây là một nguồn cung rất quan trọng cho Việt Nam. Ngoài ra, các khu vực trồng lúa ven biên giới Việt Nam khó có thể đưa về các vùng phía trên, Battambang vì khu vực dưới biên giới và khu vực Battambang cách nhau từ 500 - 700 km.
Cũng cần phải xác định là kể từ năm 2018 trở lại đây tại thị trường Philippines hầu hết đều nhập khẩu khẩu gạo qua thầu tư nhân, các thương nhân Philippines luôn chú trọng đến chất lượng gạo nhập khẩu, và họ chỉ nhập khẩu các loại gạo như OM5451, OM18 và DT8 của Việt Nam. Đây là những loại gạo thơm cho chất lượng cao, nhất là sản xuất trong vụ Đông Xuân cho chất lượng rất tốt và tỷ lệ thu hồi cao.
Thứ hai là chi phí logistics từ Campuchia vận chuyển gạo vào thị trường Philippines.
“Về logistics cần phải xác định là Campuchia ‘không có cửa’ so với Việt Nam, vì họ không có lợi thế nào về vấn đề này và chi phí logistics của Campuchia vào thị trường Philippines là rất lớn, các nhà máy bên trong nội địa Campuchia vận chuyển hàng hóa ra các cảng xuất khẩu thì hầu như không có nếu có thì rất xa.
Ngày trước Tân Long đã từng tính toán xuất khẩu một số lô gạo thơm của Battambang đi ra cảng Sihanoukville rất xa, giá vận chuyển lên đến 40 -50 USD/tấn, chiếm 10% giá FOB. Hiện nay không biết như thế nào nhưng chi phí sẽ không dưới 10 USD/tấn FOB. Trong khi ở Việt Nam chi phí này rẻ hơn rất nhiều, đó là chưa kể đến năng lực giao hàng của thương nhân campuchia, còn xét về chất lượng thì gạo Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc ở thị trường Philippines”, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long nói.
Một thị trường lớn nhập khẩu gạo như Philippines thì Campuchia quan tâm là đúng, và họ có thể xuất khẩu một phần vào thị trường này, nhưng để cạnh tranh thật sự thì chi phí logistic về vận chuyển, giao hàng Campuchia không thuận lợi so với Việt Nam, vì khi họ phải tập kết hàng với khối lượng lớn và dồn dập như kiểu thường xuyên nhận hàng của Philippines với khối lượng từ 4.000 đến 5000 tấn/lần, hầu như Campuchia rất khó thực hiện nếu không muốn nói là không được, vì:
Xét về hạ tầng sản xuất, khi vào vụ mùa gần như đã được phân bổ theo khu vực giáp với các tỉnh An Giang Đồng Tháp của Việt Nam nên không có chuyện “bốc” ngược lúa từ các tỉnh giáp biên giới Việt Nam đi ngược lên các nhà máy xay xát ở khu vực hai cánh đồng lớn là Kampong Thom và Battambang, hai khu vực này nằm gần biên giới Thái Lan.
Như vậy việc tập kết hàng hóa từ hai cánh đồng lớn Battambang và Kampong Thom đi ra cảng Sihanoukville để xuất đi Philippines gần như là không thể. Và nếu gạo Campuchia có xuất khẩu được vào Philippines cũng xuất giá rất cao nên gạo Việt Nam sẽ được hưởng lợi.
Đồng quan điểm với Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng, khả năng Campuchia chia thị phần gạo Việt Nam tại Philippines là rất thấp, vì Campuchia chào Philippines là gạo OM5451, trong khi thương nhân Philippines chủ yếu nhập khẩu các loại thơm như OM18, DT8, OM5451 và lưu thông nội địa Campuchia cũng nhiều hạn chế, vào mùa khô sông rạch nhỏ, mực nước rất thấp vận chuyển thuỷ không được chi phí tăng cao nên chưa thể cạnh tranh giá với Việt Nam.