Giá lúa gạo thường lên xuống theo chu kỳ 3 năm một lần. Các năm 2020, 2021 và 2022 giá gạo tương đối thấp, sang năm 2023, 2024 và 2025 giá gạo dự báo sẽ tốt hơn và 2023 là năm đầu của chu kỳ mới.
Chờ thị trường trở lại sau Tết
Để chuẩn bị năm kinh doanh mới, một số doanh nghiệp mở cửa khai trương ngày mùng 6 Tết, lượng mua không nhiều nên giá lúa gạo vẫn như trước Tết, phải chờ đến mùng 9 hoặc mùng 10 tất cả các doanh nghiệp đều mở cửa khai trương để định hình thêm.
Thông tin về thị trường lúa gạo trong nước vào ngày khai trương, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV cho biết, năm nay vụ lúa Đông Xuân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch trễ hơn năm trước, đến thời điểm này mới chuẩn bị vô vụ nên lượng lúa hàng hóa còn ít, phải sau mùng 10 tháng Giêng mới có nhiều. Nguyên nhân do nước rút trễ đa phần nông dân xuống giống hơi trễ so với các năm trước khoảng 10 ngày đến 15 ngày.
Do vậy, mùng 6 Tết mở cửa khai trương chỉ doanh nghiệp nào có hợp đồng mới có nhu cầu mua gạo, còn một số doanh nghiệp thì chỉ mua một hoặc hai ghe gạo và mua bằng với giá trước khi nghỉ Tết. Muốn biết giá lúa gạo có tăng hay không phải chờ đến mùng 9 hoặc mùng 10 khi tất cả các doanh nghiệp đồng loạt mở cửa mua lại mới biết, còn hiện tại đa phần đều chờ giá thị trường.
Tuy nhiên, khi tất cả các doanh nghiệp mở cửa cũng chưa chắc giá gạo sẽ tăng do phải chờ nhu cầu trong nước như thế nào, nếu các hợp đồng của các đơn vị chưa phải giao hàng ngay thì giá sẽ không tăng.
Hiện giá lúa thu hoạch 10 ngày trở lại lúa OM 5451 giá 6.200-6.350 đồng/kg; lúa OM 18 giá 6.450-6.550 đồng/kg; DT 8 giá 6.500-6.700 đồng/kg; Jasmine giá 6.450-6.600 đồng/kg; ST 21 giá 7.100-7.200 đồng/kg; ST 24 giá 7.400-7.500 đồng/kg.
Nếu so với cách đây 2 tháng thì giá gạo trong nước bây giờ tương đối cao dù không cao bằng năm 2019, nhưng vẫn cao so với năm 2022.
Đối với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp nào còn các hợp đồng của năm 2022 thì vẫn đang giao hàng, cùng với đó là chào giá cho hợp đồng mới nhưng chưa bắt đầu ký, vì thường sau khi chào giá khoảng 10 ngày đến 15 ngày sau mới bắt đầu ký.
Hiện tại doanh nghiệp đang chào gạo DT 8 và OM 18 từ 520 USD/tấn - 530 USD/tấn; gạo OM 5451 giá 510 USD/tấn, nguồn gạo IR 50404 ở Việt Nam khá ít nên ít có doanh nghiệp chào giá gạo này và đa phần là bán nội địa.
Bắt đầu cho một chu kỳ tăng giá mới?
Nhận định về thị trường vụ Đông Xuân, ông Thành cho biết, thông thường giá lúa gạo lên xuống thường theo chu kỳ; trong các năm 2020, 2021 và 2022 giá gạo xuất khẩu tương đối thấp, sang năm 2023, 2024 và 2025 giá gạo sẽ tương đối tốt hơn và năm 2023 là năm đầu của chu kỳ mới nên giá gạo sẽ tăng trở lại.
Bên cạnh tính chu kỳ thì việc các nước như có dân số đông như Trung Quốc, Ấn Độ đang tăng dự trữ lương thực sẽ là yếu tố thúc đẩy giá gạo, vì có nhiều dự báo El Nino sẽ quay lại Ấn Độ làm quốc gia này bị hạn hán nghiêm trọng dẫn đến mất mùa, nên phần lớn người dân sẽ dự trữ lương thực để đảm bảo được nguồn, và giữ giá gạo trong nước không tăng cao đưa đến lạm phát.
“Phần lớn các quốc gia đông dân như là Trung Quốc, Ấn Độ sẽ tăng mua lương thực, có thể họ tăng mua thêm từ 5% đến 10% và lượng gạo tăng như vậy rất là nhiều”, Giám đốc công ty Phước Thành IV nói.
Chu kỳ và yếu tố tăng dự trữ do lo ngại thời tiết cực đoan sẽ là hai yếu tố quan trọng làm cho giá gạo xuất khẩu năm nay sẽ tốt hơn năm 2022 và có khả năng giá gạo sẽ quay về năm 2019.
“Nếu giá gạo xuất khẩu lên từ 530 USD - 540 USD/tấn sẽ đỡ cho người trồng lúa, do những năm qua giá phân bón và các vật tư đầu vào của bà con đều rất cao mà giá gạo xuất khẩu lại sụt nên giá mua lúa cũng sụt theo, nên lợi nhuận của bà con không đủ bù vào giá vật tư khiến bà con không có thu nhập tốt", ông Thành nhìn nhận.
Hiện tại giá vật tư nông nghiệp đầu vào đã giảm tương đối khá nhưng vẫn còn cao so với năm 2019, 2020 nhờ giá vận chuyển đã giảm khá nhiều, và tỷ giá ngoại tệ tương đối kiểm soát được nên không làm đội giá thành phân bón, hóa chất nhập khẩu dùng làm thuốc trừ sâu nên tương đối rẻ hơn năm rồi nhưng vẫn chưa trở về như năm 2018, 2019.
Lãi suất cao, doanh nghiệp gạo ngại vay vốn mua dự trữ
Đối với vấn đề vốn cho doanh nghiệp lúa gạo, hiện tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở thêm room tín dụng. Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng nhận được dễ dàng. Đối với những doanh nghiệp có uy tín, có tiềm năng nếu nhận được tiền phải đặt hàng trước vài ngày, nhưng khó khăn nhất là lãi suất hiện nay vẫn cao khiến các doanh nghiệp e ngại.
Thời điểm này đang vào vụ Đông Xuân - vụ lúa chính ở Đồng bằng sông Cửu Long nên lượng lúa hàng hóa rất lớn và chất lượng cũng tốt nhất, nên hầu hết các doanh nghiệp đều muốn mua nhập kho tạm trữ lại, nhưng họ đang gặp khó khăn trong vấn đề lãi suất vay dao động từ 8% - 9% tùy ngân hàng.
“Mức lãi này đối với các doanh nghiệp ngành gạo nói riêng và những doanh nghiệp liên quan đến ngành nông nghiệp nói chung đều có biên độ lợi nhuận không cao, nên có rủi ro về dự trữ khiến các doanh nghiệp rất ngần ngại”, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Phước Thành IV cho biết.
Theo Reuters, ngày 26/1/2023, giá gạo trắng xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng hơn 10% trong hai tuần qua lên mức cao nhất trong gần 30 tháng.
Hiệp hội các nhà xuất khẩu Gạo Thái Lan cho biết, giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ đã tăng 40 USD/tấn kể từ tuần thứ ba của tháng 12 lên 443-447 USD/tấn. Giá gạo trắng 25% tấm tăng 50 USD lên 428-432 USD.
“Giá gạo trắng của Ấn Độ sẽ đạt mức 450 USD trong một tuần nữa khi thị trường nước ngoài mở cửa trở lại sau Tết Nguyên đán. Chúng ta phải xem thị trường Việt Nam mở cửa như thế nào vào ngày 1/2”, ông VR Vidya Sagar, Giám đốc Bulk Logix cho biết.
Tuần trước, Hiệp hội các nhà xuất khẩu Gạo Thái Lan đã hạ mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2023 xuống 7,5 triệu tấn từ 8 triệu tấn do đồng baht mạnh.